Chư Sê hỗ trợ hợp tác xã phát triển bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Những năm gần đây, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) triển khai nhiều giải pháp củng cố và phát triển các hợp tác xã (HTX) hoạt động theo Luật HTX năm 2012. Trong đó, huyện tập trung nguồn lực hỗ trợ các HTX liên kết cùng người dân sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực. Cách làm này giúp các HTX tiếp cận những phương án sản xuất kinh doanh mới, phù hợp với điều kiện thực tế, hướng đến sự phát triển bền vững.

Đổi mới phương thức hoạt động HTX

Hợp tác xã Cà phê Tân Nông Nguyên (tổ 2, thị trấn Chư Sê) được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2014 với ngành nghề sản xuất, sơ chế, chế biến cà phê. Tham gia HTX có 150 thành viên, trong đó 80 thành viên góp 90 ha cà phê đang trong giai đoạn kinh doanh.

Để các thành viên yên tâm sản xuất, HTX cung cấp dịch vụ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo chất lượng và kịp thời vụ. Đồng thời, HTX mở các lớp tập huấn, định hướng cho thành viên về quy trình sản xuất, sơ chế, chế biến cà phê nhân đảm bảo chất lượng để cung ứng cho 1 doanh nghiệp có uy tín trên thị trường trong và ngoài nước với giá cao hơn. Cách làm này đã được các thành viên HTX đón nhận và thực hiện đúng cam kết từ lúc chăm sóc đến thu hoạch, từ đó mang lại hiệu quả kinh tế và lợi nhuận cao hơn so với sản xuất cà phê theo phương pháp truyền thống.

 Ông Nguyễn Văn Hòa-Giám đốc HTX Cà phê Tân Nông Nguyên tại khu sơ chế mới đầu tư. Ảnh: N.D
Ông Nguyễn Văn Hòa-Giám đốc HTX Cà phê Tân Nông Nguyên tại khu sơ chế mới đầu tư. Ảnh: Nguyễn Diệp


Ông Nguyễn Văn Hòa-Giám đốc HTX Cà phê Tân Nông Nguyên-cho biết: “Sau gần 7 năm hoạt động, HTX đã thành công trong việc tuyên truyền, vận động các thành viên thay đổi nhận thức về sản xuất, chế biến cà phê nhân đảm bảo các tiêu chí thị trường đặt ra. Trong 90 ha cà phê của các thành viên, hiện nay, HTX lựa chọn và xây dựng vùng nguyên liệu hơn 30 ha cà phê chất lượng cao để đầu tư chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP; đầu tư hệ thống máy móc sơ chế hiện đại đáp ứng yêu cầu của đơn vị thu mua xuất khẩu”.

Theo ước tính của ông Hòa, với 90 ha cà phê, bình quân mỗi năm, các thành viên HTX thu hoạch được 150-200 tấn cà phê nhân. Tùy vào giá cả thị trường, nếu từ 30 ngàn đồng/kg cà phê nhân trở lên, HTX thu về khoảng 8 tỷ đồng/năm. Lợi nhuận được chia vào quỹ hỗ trợ sản xuất, phần còn lại chia cho các thành viên theo tỷ lệ sử dụng dịch vụ của HTX.

Là thành viên HTX Cà phê Tân Nông Nguyên, ông Phạm Kim Thơi (làng Queng Mép, xã Dun) cho hay: “Gia đình tôi góp 2,5 ha cà phê kinh doanh để tham gia HTX từ lúc thành lập đến nay. Vào HTX, các thành viên hưởng lợi rất nhiều như: được cung cấp các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo chất lượng; đầu ra sản phẩm được HTX bao tiêu với giá ổn định và cao hơn thị trường; được tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, chế biến cà phê… Điều đó giúp các thành viên yên tâm đầu tư sản xuất theo hướng bền vững. Hướng đi mới của HTX trong 3 năm trở lại đây rất phù hợp, được các thành viên hưởng ứng tích cực”.

Theo báo cáo của UBND huyện Chư Sê, thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể cùng các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, đến nay, toàn huyện có 19 HTX đang hoạt động đa ngành nghề sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và kinh doanh dịch vụ tổng hợp với vốn điều lệ hơn 61 tỷ đồng. Hầu hết HTX hoạt động ổn định, chấp hành tốt các quy định của pháp luật về sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho các thành viên.

Đặc biệt, từ các nguồn vốn hỗ trợ Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, trong năm 2019 và 2020, UBND huyện đã triển khai nhiều dự án liên kết giữa các HTX với người dân thông qua hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm như: dự án chuỗi liên kết sản xuất các sản phẩm từ cây mắc ca do HTX Sản xuất kinh doanh-Dịch vụ nông nghiệp Ia Ring (xã Ia Tiêm) làm chủ đầu tư thu hút 60 thành viên trồng 60 ha mắc ca xen trong vườn cà phê; dự án trồng thâm canh cây sầu riêng do HTX Dịch vụ tổng hợp Ia Blang làm chủ đầu tư với diện tích 15 ha; dự án chuỗi liên kết sản xuất cây dược liệu ứng dụng công nghệ cao với diện tích trên 16,2 ha tại các xã Al Bá, Ia Hlốp và Ia Tiêm do HTX Nông nghiệp công nghệ cao Quang Minh triển khai; dự án liên kết trồng dâu nuôi tằm tại các xã Al Bá, Chư Pơng, Hbông, Ia Glai, Ia Hlốp và xã Dun của Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Mang Yang với diện tích 50 ha…

Dự án trồng xen mắc ca vào vường cà phê của HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Ia Ring.jpg
Dự án trồng xen mắc ca vào vườn cà phê của HTX Sản xuất kinh doanh-Dịch vụ nông nghiệp Ia Ring. Ảnh: Nguyễn Diệp


Ông Trần Quốc Hưng-Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Sản xuất kinh doanh-Dịch vụ nông nghiệp Ia Ring-cho biết: “Năm 2019, HTX triển khai thực hiện dự án liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ các sản phẩm mắc ca. Đến nay, cây mắc ca đang sinh trưởng phát triển tốt, mở ra nhiều kỳ vọng trong phát triển kinh tế những năm tới”.

Cùng niềm vui này, ông Trịnh Duy Tâm-Giám đốc HTX Nông nghiệp Duy Tâm (xã Hbông) cho hay: “Hợp tác xã thành lập năm 2019 và đã liên kết với nhiều hộ trong xã chăn nuôi, tiêu thụ gia súc. Không chỉ cạnh tranh trong tỉnh mà HTX còn mở rộng sang thị trường các tỉnh, thành khác, mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực giúp các thành viên yên tâm phát triển chăn nuôi gia súc”.

Tạo đà cho HTX phát triển

Khoảng 3 năm trở lại đây, cùng với các nguồn lực hỗ trợ của huyện, các HTX đã chủ động tìm hướng phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn một số HTX hoạt động cầm chừng do quy mô nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế không cao.

Để tạo đà cho các HTX phát triển, thu hút nhiều tổ chức và người dân cùng tham gia, huyện đã áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ phù hợp. Đồng thời, huyện đưa cán bộ, thành viên HTX tham gia các lớp bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ do các sở, ngành và Liên minh HTX tỉnh tổ chức; hướng dẫn các HTX hoàn thiện thủ tục thành lập mới, hỗ trợ tư vấn xây dựng điều lệ, phương án sản xuất kinh doanh; tuyên truyền, vận động người dân tham gia HTX và tạo điều kiện để HTX cùng tham gia các chương trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Cán bộ và người dân tham quan vườn dược liệu do HTX Nông nghiệp công nghệ cao Quang Minh trồng tại xã Ia Hlốp (huyện Chư Sê). Ảnh: Hồng Thi
Cán bộ và người dân tham quan vườn dược liệu do HTX Nông nghiệp công nghệ cao Quang Minh trồng tại xã Ia Hlốp (huyện Chư Sê). Ảnh: Hồng Thi
Ông Nguyễn Mậu Phong-Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh: “Những năm gần đây, huyện Chư Sê là một trong những địa phương có nhiều chính sách hỗ trợ phù hợp cho các HTX đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, từng bước củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới cũng như phát triển HTX theo hướng bền vững”.

Giám đốc HTX Cà phê Tân Nông Nguyên bộc bạch: “Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, cuối năm 2015, biết HTX Cà phê Tân Nông Nguyên tuyển người, tôi nộp hồ sơ phỏng vấn rồi trúng tuyển vào làm việc cho đến bây giờ. Trong 2 năm trở lại đây, huyện đã hỗ trợ chi trả lương cho 2 cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học về công tác tại HTX. Cách làm này rất hiệu quả, tạo đà để thu hút nguồn nhân lực trẻ có trình độ về làm việc tại các HTX trên địa bàn huyện, giúp HTX ngày càng phát triển. Bên cạnh đó, chính sách đầu tư hỗ trợ liên kết sản xuất-tiêu thụ sản phẩm gắn với chuỗi giá trị và Chương trình OCOP… cũng đang mở ra cơ hội để HTX đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập cho các thành viên”.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê-cho biết: Thời gian qua, UBND huyện rất quan tâm triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách và nghị quyết của Đảng về phát triển kinh tế tập thể, HTX. Hàng năm, huyện xây dựng kế hoạch hỗ trợ các HTX nông nghiệp và dịch vụ ở các xã phát triển ổn định.

Đặc biệt, huyện đã vận dụng các chính sách ưu tiên hỗ trợ HTX liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị; hỗ trợ một số HTX xây dựng trụ sở, nhà kho…; triển khai chính sách thu hút sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp về làm việc có thời hạn tại các HTX… Cách làm này đã củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động sản xuất kinh doanh của các HTX trên địa bàn, tạo thu nhập cho các thành viên, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Dù vậy, quá trình thực hiện và phát triển HTX vẫn còn khó khăn như trình độ quản lý của cán bộ HTX còn hạn chế, cơ sở hạ tầng và nguồn vốn còn thiếu…

“Để các HTX phát triển bền vững, trong thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn Luật HTX năm 2012 cũng như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các HTX. Đồng thời, huyện triển khai các chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho các HTX, lồng ghép các chương trình tập huấn kỹ thuật cho thành viên và người lao động trong các HTX trong sản xuất nông nghiệp, hướng tới đạt tiêu chuẩn VietGAP”-ông Hợp thông tin thêm.

 NGUYỄN DIỆP
 

Có thể bạn quan tâm

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.

Rơ Châm Pyik: Điển hình sản xuất kinh doanh giỏi

Rơ Châm Pyik: Điển hình sản xuất kinh doanh giỏi

(GLO)- Nhờ biết tính toán và tích cực lao động sản xuất nên gia đình ông Rơ Châm Pyik (làng Châm Aneh, phường Chi Lăng, TP. Pleiku) có nguồn thu ổn định hơn 900 triệu đồng/năm. Không những thế, ông còn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động ở cơ sở.

Ia Grai: Giống lúa HG12 năng suất đạt từ 70-77 tạ/ha

Ia Grai: Giống lúa HG12 năng suất đạt từ 70-77 tạ/ha

(GLO)- Chiều 29-10, tại xã Ia Tô, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Công ty cổ phần Giống cây trồng, vật nuôi Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo đánh giá kết quả sản xuất giống lúa HG12 trên địa bàn huyện trong vụ mùa năm 2024.