Chư Pưh: Nông dân thiệt hại nặng do chanh dây nhiễm bệnh

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai), trên địa bàn xã Ia Hla hiện có khoảng 60 ha chanh dây bị bệnh xoắn lá, phình dây, chết dây... Qua kiểm tra sơ bộ, diện tích bị sâu bệnh hại chủ yếu là giống chanh dây được mua từ Công ty cổ phần Chanh leo Nafoods thông qua Hợp tác xã (HTX) Thành Đạt (xã Ia Hla, huyện Chư Pưh).

Ông Nguyễn Chí Thanh (thôn 6C) cho biết: Cuối tháng 4-2022, tận dụng diện tích hồ tiêu bị chết, ông đầu tư mua thêm dây kẽm để làm giàn trồng chanh dây. Sau đó, ông mua 4 thùng giống chanh dây (100 cây/thùng) Đài Nông 1 tại HTX Thành Đạt để trồng.

Theo ông Thanh, khi mới trồng, cây phát triển bình thường. Tuy nhiên, đến khi cây lên đến giàn thì xuất hiện bệnh phình thân, xoăn lá, ngọn. Lứa đầu tiên, gia đình ông chỉ thu hoạch được 1,5 tấn quả. Hiện ông đang thu hoạch lứa chanh dây thứ 2 nhưng do cây bị bệnh nên quả chanh nhỏ, sần sùi, năng suất cũng chẳng được bao nhiêu. “Bình thường chanh dây sẽ cho thu hoạch 4 đợt nhưng với tình hình này, có lẽ sau khi thu hết đợt 2, tôi sẽ phá bỏ để trồng lại”-ông Thanh buồn rầu nói.

Cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh kiểm tra vườn chanh dây bị bệnh tại xã Ia Hla. Ảnh: Lê Nam

Cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh kiểm tra vườn chanh dây bị bệnh tại xã Ia Hla. Ảnh: Lê Nam

Tương tự, tháng 5-2022, ông Huỳnh Văn Khánh (làng Tông Kek) mua 2 thùng giống chanh dây về trồng trên diện tích hơn 3 sào. Sau khi trồng được 2-3 tháng, cây lên cao khoảng 1-1,5 m là bắt đầu có hiện tượng phình dây. Đến lúc cây leo giàn thì lá và ngọn cũng bắt đầu có hiện tượng xoăn lại nên quả nhỏ và rất ít.

“Nhiều năm nay, chúng tôi mua giống chanh dây Đài Nông 1 của Công ty cổ phần Chanh leo Nafoods thông qua HTX Thành Đạt. Vụ này, quả ra bằng ngón cái chân là bị nứt, vỏ nhăn nheo, thân cây bị phình to, ngọn thì xoăn lại. Hiện gia đình tôi mới chỉ thu hoạch được hơn 1 tấn. Coi như vụ chanh dây năm nay lỗ nặng”-ông Khánh cho hay.

Từ năm 2019, huyện Chư Pưh triển khai Dự án liên kết chuỗi tiêu thụ sản phẩm chanh dây. Đơn vị thực hiện liên kết là HTX Thành Đạt và đơn vị tiêu thụ là Công ty cổ phần Chanh leo Nafoods. Đến nay, diện tích chanh dây trên địa bàn xã Ia Hla phát triển ổn định với hơn 60 ha.

Ông Nguyễn Đức Tôn-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Hla-cho biết: Thời gian qua, việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ chanh dây trên địa bàn vẫn chưa thực hiện được mà mới chỉ dừng lại ở khâu cung ứng giống. Hiện nay, tình hình sâu bệnh xảy ra trên cây chanh dây đã bộc lộ nhiều vấn đề trong liên kết sản xuất. “Qua đây, UBND xã cũng đề nghị phía Công ty cung ứng giống cần có hướng hỗ trợ để người dân khắc phục và tiếp tục trồng chanh dây trong thời gian tới”-ông Tôn nhấn mạnh.

Rất nhiều cây chanh dây bị bệnh phình thân, làm giảm năng suất. Ảnh: Lê Nam

Rất nhiều cây chanh dây bị bệnh phình thân, làm giảm năng suất. Ảnh: Lê Nam

Vừa qua, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cùng với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, UBND xã Ia Hla, Công ty cổ phần Chanh leo Nafoods và HTX Thành Đạt phối hợp kiểm tra, đánh giá tình hình sâu bệnh hại cây chanh dây nhưng hiện chưa có kết luận chính thức nguyên nhân.

Ông Nguyễn Long Khánh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho biết: Qua đây, chúng ta cần làm rõ trong liên kết giữa Công ty cổ phần Chanh leo Nafoods và HTX và giữa HTX với người dân trong sản xuất chanh dây thời gian qua như thế nào để có hướng giải quyết. Qua thực tế kiểm tra cho thấy, các bên mới dừng lại ở khâu cung ứng giống chứ chưa phải liên kết chuỗi.

Trong khi đó, ông Bùi Văn Tý-Trưởng phòng Bảo vệ thực vật và Kiểm định thực vật (Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh) thì cho hay: Qua kiểm tra tình hình sâu bệnh tại xã Ia Hla cho thấy, hầu hết các vườn có khoảng 90% cây bị nhiễm vi rút cứng trái. Bệnh hiện chưa có thuốc đặc trị. Ngoài ra, trong các vườn còn xuất hiện tình trạng cây bị phình thân là do nấm Fusarium làm cho cây bị tắc mạch dẫn nước nuôi cây, quả bị thiếu nước, cây phát triển kém.

“Trước mắt, chúng tôi đề nghị phía Công ty cổ phần Chanh leo Nafoods xem xét lại lô giống đã cung ứng cho người dân trồng từ tháng 5 đến tháng 8-2022 về nguồn mắt ghép có đảm bảo chất lượng hay không. Đồng thời, Công ty có trách nhiệm tập huấn cho người dân về quy trình chăm sóc, phòng trừ bệnh”-Trưởng phòng Bảo vệ thực vật và Kiểm định thực vật nói.

Có thể bạn quan tâm

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

(GLO)- Vụ Đông Xuân 2024-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) sẽ gieo trồng 2.988 ha cây trồng các loại, trong đó có hơn 2.000 ha lúa. Để đảm bảo vụ sản xuất đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp huyện đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ.

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.