Chư Pưh: Đưa vốn tín dụng chính sách đến hộ nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Việc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) mở các điểm giao dịch tại tất cả các xã, thị trấn trong huyện đã tạo thuận lợi cho người nghèo trên địa bàn tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách để đầu tư phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
“Ngân hàng lưu động” của người nghèo
Cách đây hơn 1 tuần, theo chân cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Chư Pưh (Gia Lai), chúng tôi có mặt tại điểm giao dịch xã Ia Hla. Tại đây, từ sáng sớm, cán bộ tín dụng của Phòng Giao dịch đã chuẩn bị đầy đủ thiết bị để phục vụ phiên giao dịch với người dân. Anh Nguyễn Bùi Hoàng Nam-Tổ trưởng Tổ giao dịch xã Ia Hla-cho biết: “Theo quy định, chúng tôi tổ chức phiên giao dịch với người dân tại xã vào ngày 23 hàng tháng. Cứ đến hẹn là chúng tôi về giao dịch, không kể thứ bảy hay chủ nhật”.
 Cán bộ, nhân viên Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Chư Pưh xuống xã Ia Hla tổ chức phiên giao dịch với người dân. Ảnh: H.T
Cán bộ, nhân viên Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Chư Pưh xuống xã Ia Hla tổ chức phiên giao dịch với người dân. Ảnh: Hồng Thương
Có mặt tại điểm giao dịch từ sớm, bà Siu H'Dư (thôn Tai Pêr) vui vẻ cho biết, từ năm 2015 đến nay, bà 2 lần được vay vốn của Phòng Giao dịch với tổng số tiền 60 triệu đồng. Từ nguồn vốn này, bà trồng được 5 sào hồ tiêu và mua 2 con bò về nuôi. “Có cán bộ ngân hàng về tận nơi nên mình không phải tốn nhiều thời gian, chi phí đi lại để làm hồ sơ, nhận vốn, nộp lãi, gửi tiết kiệm cũng như trả gốc. Không chỉ vậy, mình còn được hướng dẫn cách sử dụng đồng vốn hiệu quả”-bà H'Dư chia sẻ.
Còn ông Nguyễn Văn Sơn-Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và Vay vốn thôn Cây Xoài-cho rằng, việc giao dịch tại xã đã giúp tất cả các khâu, từ bình xét, làm hồ sơ đến thu lãi, nhận tiền gửi tiết kiệm, thu nợ gốc diễn ra nhanh chóng, kịp thời. “Nếu không có điểm giao dịch tại xã thì mỗi tháng ít nhất 2 lần tôi phải ra trung tâm huyện để họp giao ban và nộp hồ sơ, tiền lãi, tiền tiết kiệm của các tổ viên cho ngân hàng. Ngoài ra, Tổ trưởng không được phép thu nợ gốc nên 28 tổ viên phải ra tận trung tâm huyện để trả nợ khi đến hạn. Trong khi đó, đường từ xã ra trung tâm huyện dài 18 km nên việc đi lại rất bất tiện. Khi ngân hàng về giao dịch tại xã, bà con đã tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí và công sức đi lại”-ông Sơn bày tỏ.
Có mặt tại phiên giao dịch, ông Kpui Bôk-Chủ tịch UBND xã Ia Hla-cho hay: Ia Hla là xã vùng III của huyện Chư Pưh, đời sống người dân còn rất khó khăn. Do đó, việc đặt điểm giao dịch cố định tại xã đã tạo thuận lợi cho bà con trong quá trình giao dịch. Đặc biệt, qua hoạt động của điểm giao dịch tại xã, người dân được gặp gỡ, chia sẻ, hướng dẫn cách sử dụng vốn, kinh nghiệm sản xuất nên đã phát huy được hiệu quả vốn vay. Tính đến nay, toàn xã có 755 hộ vay với dư nợ trên 22,2 tỷ đồng.
Kênh dẫn vốn xuống vùng sâu

Bà Lê Thị Thanh-Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Chư Pưh: “Thông qua điểm giao dịch tại xã, toàn huyện có trên 8.000 hộ được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi với dư nợ trên 231,3 tỷ đồng. Đồng thời, huy động được hơn 18,3 tỷ đồng vốn nhàn rỗi trong nhân dân”.

Bà Lê Thị Thanh-Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Chư Pưh-cho biết: Toàn huyện có 9 điểm giao dịch cố định tại các xã, thị trấn. Hàng tháng, vào những ngày cố định, các tổ giao dịch của đơn vị  gồm tổ trưởng và 3 giao dịch viên được trang bị đầy đủ thiết bị để về UBND xã giao dịch với người dân. Phòng Giao dịch cũng niêm yết công khai, rõ ràng các chế độ, chính sách, quy định của ngân hàng, lãi suất cho vay tại trụ sở UBND xã, thị trấn để người dân nắm rõ. Đồng thời, đơn vị cử cán bộ tín dụng và tổ trưởng đến từng gia đình để thông báo cũng như đôn đốc các hộ đóng lãi, gửi tiết kiệm. Riêng đối với những hộ đã đến hạn trả nợ gốc sẽ được thông báo trước ngày giao dịch từ 2 đến 3 tháng để chuẩn bị.
Cũng theo bà Thanh, sau khi giao dịch với người dân, tổ giao dịch tổ chức họp giao ban với các đơn vị ủy thác và tổ trưởng các tổ tiết kiệm và vay vốn để hướng dẫn nghiệp vụ sổ sách, triển khai các chủ trương, chính sách mới, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn liên quan đến vấn đề thu nợ gốc, lãi. Ngoài ra, phiên giao dịch nào có tổng thu nợ cao trên 1 tỷ đồng, đơn vị sẽ xin ý kiến của lãnh đạo cấp trên mở phiên giao dịch phụ sau đó từ 3 đến 5 ngày để giải ngân lại nhằm giúp hộ nghèo, các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn ưu đãi sớm nhất. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ rà soát lại các đối tượng trên địa bàn còn nằm trong diện nghèo có nhu cầu vay vốn; đồng thời, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động các điểm giao dịch tại xã để tạo thuận lợi cho người nghèo, đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn ưu đãi”-bà Thanh khẳng định.
Hồng Thương

Có thể bạn quan tâm

Khai trương MB Smartbank Đak Đoa

Khai trương MB Smartbank Đak Đoa

(GLO)- Sáng 9-1, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB Bank) Chi nhánh Gia Lai khai trương hoạt động ngân hàng tự động (Smartbank) Đak Đoa tại số 289 Nguyễn Huệ (thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa).

Quang cảnh hội nghị.

Pleiku phấn đấu thu ngân sách trên 1.700 tỷ đồng

(GLO)-Chiều 24-12, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Pleiku Đoàn Hữu Dũng chủ trì hội nghị với các xã, phường triển khai Nghị quyết HĐND thành phố khóa XII, kỳ họp thứ 17 và giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025. Trong đó, thành phố phấn đấu thu ngân sách trên 1.700 tỷ đồng.

Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp

Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp

(GLO)- Tại công văn lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết kéo dài thời gian miễn thuế này đến hết năm 2030, thay vì kết thúc vào ngày 31-12-2025 như quy định hiện hành.