Chư Prông "trải thảm đỏ" thu hút đầu tư

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Sau nhiều nỗ lực cải thiện cơ chế, chính sách, công tác thu hút đầu tư của huyện Chư Prông đã đạt nhiều kết quả ấn tượng. Nhiều nhà đầu tư đã chọn Chư Prông (Gia Lai) để triển khai các dự án, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của địa phương. 

 

Nhà đầu tư hài lòng

Ngày 29-11-2019, tại xã Ia Phìn, Tập đoàn HBRE phối hợp cùng Tập đoàn Super Energy Corporation (Thái Lan) đã tổ chức lễ động thổ giai đoạn 1 Dự án Trang trại phong điện HBRE Chư Prông. Giai đoạn 1 của dự án có tổng vốn đầu tư trên 1.000 tỷ đồng với công suất 50 MW, dự kiến tháng 12-2020 bắt đầu phát điện. Đây là dự án điện gió đầu tiên trên địa bàn tỉnh được Bộ Công thương phê duyệt bổ sung quy hoạch, được UBND tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư và đến nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã ký kết hợp đồng mua bán điện.

 Huyện Chư Prông đang kêu gọi đầu tư dự án trung tâm thương mại. Ảnh: H.D
Huyện Chư Prông đang kêu gọi đầu tư dự án trung tâm thương mại. Ảnh: H.D



Ông Hồ Tá Tín-Chủ tịch Tập đoàn HBRE-cho biết: “Qua thời gian khảo sát trên địa bàn tỉnh, Tập đoàn đã chọn Chư Prông để triển khai dự án bởi đây là nơi có tiềm năng rất lớn về điện gió. Khi triển khai xây dựng dự án, Tập đoàn cũng đồng thời xây dựng kế hoạch tuyển dụng lao động trên cơ sở ưu tiên giải quyết lao động tại chỗ. Chúng tôi cũng sẽ chung tay cùng địa phương thực hiện tốt các hoạt động an sinh xã hội, góp phần vào công tác giảm nghèo, cải thiện đời sống cho người dân nơi dự án triển khai”.

Còn ông Nguyễn Tuấn Hiệp-Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Daily Mart (thị trấn Chư Prông) cũng đánh giá rất cao sự hỗ trợ của địa phương đối với doanh nghiệp trong quá trình triển khai các thủ tục đầu tư. “Chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ rất tích cực từ phía chính quyền địa phương. Lãnh đạo huyện đã chỉ đạo các phòng chuyên môn hướng dẫn cụ thể những thủ tục mà doanh nghiệp phải làm. Việc giải phóng mặt bằng, giao đất cũng được tiến hành rất nhanh để chúng tôi triển khai dự án”-ông Hiệp cho hay.

Tận dụng tối đa tiềm năng

Nói về tiềm năng, thế mạnh của địa phương, ông Đinh Văn Dũng-Chủ tịch UBND huyện Chư Prông-thông tin: Khu vực phía Bắc và phía Đông huyện có khí hậu mát mẻ, phù hợp với các loại cây công nghiệp dài ngày như cà phê, hồ tiêu; còn phía Tây và Nam có nhiệt độ cao hơn, thích hợp để trồng điều, chuối và các loại cây ăn quả. Dân số toàn huyện hơn 130.000 người với 60% trong độ tuổi lao động và 40% trong số này đã qua đào tạo nghề. Đây là “nguồn lực vàng” của địa phương. Trên địa bàn huyện còn có công trình thủy lợi Ia Mơr với khả năng cung cấp nước tưới cho 8.500 ha cây trồng; nhiều hồ đập như Ia Lốp, Bàu Cạn... thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Bên cạnh đó, hệ thống giao thông như quốc lộ 19, tỉnh lộ 665, các đường liên huyện, liên xã... được đầu tư nâng cấp thuận lợi cho giao thương kết nối với các địa phương trong vùng.

Chư Prông đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư để thu hút đầu tư.
Chư Prông đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư để thu hút đầu tư. Ảnh: Hà Duy



Với những tiềm năng, thế mạnh đó, Chư Prông thu hút nhiều doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế đến đầu tư. “Hiện Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (THACO) đang đầu tư trang trại chăn nuôi với 24.000 con bò, tổng mức đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng. Về phát triển năng lượng tái tạo thì có Tập đoàn HBRE, Công ty Kinh doanh hàng xuất khẩu Quang Đức, Công ty cổ phần Kinh doanh và Phát triển Miền núi. Ngoài ra, đã có khoảng 100 hộ gia đình trên địa bàn huyện đang đề nghị đầu tư điện mặt trời mái nhà kết hợp với chăn nuôi, trồng trọt. Nhiều doanh nghiệp cũng đang đề nghị được đầu tư các dự án nông nghiệp công nghệ cao khi công trình thủy lợi ở Ia Lâu, Ia Mơr hoàn thành như Tập đoàn Hòa Phát, Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao... Nếu thuận lợi, các dự án này không chỉ góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển mà còn đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống của người dân”-Chủ tịch UBND huyện Chư Prông cho biết thêm.

Được biết, giai đoạn 2016-2018, trên địa bàn huyện Chư Prông có 14 dự án kêu gọi đầu tư, trong đó có 5 dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, 4 dự án công nghiệp chế biến nông-lâm sản, 3 dự án công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng, 1 dự án phong điện và 1 dự án nông-lâm nghiệp. Cùng với đó là 38 dự án được UBND huyện tham gia ý kiến chủ trương đầu tư. Hiện đã có 5 dự án hoàn thành, đi vào hoạt động là Siêu thị Daily Mart; Thủy điện Ia Mơr; cơ sở thu mua và chế biến hạt điều Hưng Bình Phước; Nhà máy Chế biến nông-lâm sản Thiên Tâm và dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải của Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông. Các dự án còn lại đang xây dựng hoặc trong giai đoạn thẩm định. Thời điểm này, huyện tiếp tục đề xuất thu hút đầu tư 12 dự án khác.

“Ngoài việc đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp thì huyện sẽ tiếp tục kết hợp nguồn vốn ngân sách địa phương, tranh thủ nguồn vốn của tỉnh và trung ương để đẩy nhanh tiến độ đầu tư cơ sở hạ tầng. Cùng với đó, huyện công khai quỹ đất tại các khu quy hoạch, thực hiện tốt các chính sách thu hút đầu tư. Hàng năm, huyện sẽ tổ chức gặp mặt doanh nghiệp định kỳ 2 lần nhằm kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tháo gỡ khó khăn. Chúng tôi tin rằng, với những nỗ lực đó, việc thu hút đầu tư của huyện Chư Prông sẽ khởi sắc, đột phá hơn nữa”-Chủ tịch UBND huyện khẳng định.

 

 HÀ DUY

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai quy định mức tỷ lệ % để tính đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, đất có mặt nước

Gia Lai quy định mức tỷ lệ % để tính đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, đất có mặt nước

(GLO)- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế vừa ký ban hành Quyết định số 61/2004/QĐ-UBND quy định mức tỷ lệ phần trăm (%) để tính đơn giá thuê đất, mức đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, mức đơn giá thuê đất đối với đất có mặt nước trên địa bàn tỉnh.

Những mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân Ia Rtô

Những mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân Ia Rtô

(GLO)- Hưởng ứng cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, xã Ia Rtô (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đã triển khai một số mô hình hay nhằm giúp người dân nâng cao nhận thức, tự lực vươn lên phát triển kinh tế.

Ia Ka đa dạng giải pháp hỗ trợ giảm nghèo

Ia Ka đa dạng giải pháp hỗ trợ giảm nghèo

(GLO)- Những năm qua, xã Ia Ka (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đồng thời thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo.

Kông Chro mùa gió

Kông Chro mùa gió

(GLO)- Những dãy núi cứ thế hiện ra huyền ảo trong sương sớm. Mặt trời mùa gió thắm nhẹ vén màn mưa để trải ánh vàng xuống miền đất của người Bahnar phía rừng già. Và tôi đã có những ngày mê đắm nơi vùng đất Kông Chro.

Các doanh nghiệp, nhà đầu tư, hợp tác xã có thể gửi ý kiến về các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất thông qua hệ thống Google form. Ảnh: Hà Duy

Gia Lai: Tiếp nhận kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp qua Google form

(GLO)- Sở Kế hoạch và Đầu tư vừa có Công văn số 3260/SKHĐT-DN đề nghị các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố; các doanh nghiệp, nhà đầu tư, hợp tác xã và các Hội nghề nghiệp triển khai tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của các nhà đầu tư, doanh nghiệp qua hệ thống Google form.

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

(GLO)- Sáng 6-11, tại TP. Pleiku, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức hội thảo khoa học di tích lịch sử “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947, xã Kông Bơ La, huyện Kbang” nhằm hoàn thiện hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền đề nghị xếp hạng di tích quốc gia.