Đoàn khảo sát của huyện Chư Păh tiến hành khảo sát tại hang đá thuộc làng Doch 2, xã Ia Kreng. Ảnh: Hà Phương |
Tại khu căn cứ xã Ia Kreng có 1 hang đá rộng hơn 20 mét và dài khoảng 1.000 mét; nơi đây là khởi nguồn dòng suối Ia Kreng thuộc làng Doch 2. Hang đá này được coi như một “địa đạo” che chở bộ đội ta và dân quân, du kích địa phương trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nơi đây được bao bọc bởi cây cối rậm rạp.
Đi sâu vào hang đá, đoàn khảo sát đã phát hiện nhiều hiện vật của chiến tranh còn sót lại như: Nhiều ống thủy tinh đựng thuốc kháng sinh, hộp sắt, túi xách chứa thuốc của y-bác sĩ...
Túi đựng thuốc và dụng cụ y tế được tìm thấy tại hang đá. Ảnh: Hà Phương |
Những hiện vật đã qua trải qua hơn 50 năm vẫn nằm trong hang đá này.
Được biết, khu vực xã Ia Kreng căn cứ thời kỳ chống Mỹ cứu nước của quân và dân ta (giai đoạn 1968-1973). Hang đá này từng là Bệnh xá dã chiến của Bệnh viện Quân y 211 (Quân đoàn 3) phục vụ cứu chữa thương binh sau mỗi trận chiến.
Đầu đạn từ thời kỳ kháng chiến chống Mỹ được tìm thấy trong hang đá. Ảnh: Hà Phương |
Từ năm 2009 đến nay, Đội quy tập mộ liệt sỹ (Cục Chính trị, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3) đã tìm kiếm và quy tập được trên 30 bộ hài cốt tại nơi đây và đưa về an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Gia Lai. Những chiến sĩ hy sinh chủ yếu thuộc Trung đoàn 24, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3.
Xi ranh tiêm thuốc. Ảnh: Hà Phương |
Ông Rơ Châm Tâm-Chủ tịch UBND xã Ia Kreng cho biết: Trong thời gian qua, địa phương đã tiếp đón nhiều đoàn là những cựu chiến binh Sư đoàn 10 đến đây để tìm kiếm người thân, đồng đội đã hy sinh để cất bốc, đưa về quê hương. Xã cũng dẫn đường cho các đoàn ở các tỉnh, thành phía Bắc vào tìm kiếm, cất bốc mộ liệt sĩ.
Những hiện vật chiến tranh còn sót lại là chứng tích lịch sử, gợi nhớ về một thời chiến tranh khốc liệt, hào hùng của các chiến sĩ bộ đội ta đã anh dũng chiến đấu, hy sinh để giải phóng đất nước.
Theo ông Nay Kiên-Chủ tịch UBND huyện Chư Păh: Sau khi khảo sát các địa điểm, vùng căn cứ cách mạng trên địa bàn, huyện sẽ cử các phòng, ban chuyên môn tiếp tục thực hiện việc thu thập thông tin, đặc biệt là tìm gặp các nhân chứng để tập hợp làm tư liệu về lịch sử, đồng thời nghiên cứu xây dựng phương án bảo vệ, bảo tồn; xây dựng "địa chỉ đỏ" nhằm giáo dục truyền thống, lịch sử cho các thế hệ mai sau.