Chư Păh đối thoại gỡ khó cho doanh nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) và hộ kinh doanh (HKD) trên địa bàn, ngày 26-5, UBND huyện Chư Păh tổ chức gặp mặt các doanh nghiệp, HTX, HKD tiêu biểu năm 2022.  

Chủ tịch UBND huyện Nay Kiên cho biết, thời gian qua, UBND huyện đã tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, HTX, HKD. Trong đó, trọng tâm là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện đầy đủ cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước đối với các doanh nghiệp, HTX, HKD. Đến nay, toàn huyện có 172 doanh nghiệp và 15 HTX, trong đó có 22 doanh nghiệp và 6 HTX được thành lập mới trong năm 2021 và 3 tháng đầu năm 2022. Cũng trong khoảng thời gian này, 213 HKD được cấp giấy chứng nhận. Đến nay, toàn huyện có 1.129 HKD.

Quang cảnh hội nghị gặp mặt các doanh nghiệp, HTX, HKD tiêu biểu năm 2022. Ảnh: Đinh Yến
Quang cảnh hội nghị gặp mặt các doanh nghiệp, HTX, HKD tiêu biểu năm 2022. Ảnh: Đinh Yến
Ông Nguyễn Hữu Nguyên-Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư: “Chúng tôi đánh giá cao ý nghĩa của buổi gặp mặt này. Thực tế cho thấy nó rất cần thiết nên huyện cần duy trì tổ chức. Qua đây, chính quyền và các doanh nghiệp, HTX, HKD thấy được trách nhiệm, vai trò của mình trong sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Chư Păh cần làm tốt hơn công tác quảng bá giới thiệu tiềm năng thế mạnh, thực hiện chính sách thuận lợi, thông thoáng hơn nữa để thu hút đầu tư vào huyện”.

Với những tiềm năng, thế mạnh về phát triển nông-lâm nghiệp, du lịch, năng lượng, huyện đã có 17 dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư và triển khai thực hiện. Trên địa bàn có 26 dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt vào danh mục dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh. Ngoài ra, huyện đang tiếp tục rà soát các tiềm năng, lợi thế để bổ sung vào các dự án cần thu hút đầu tư của huyện.

Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp, HTX, HKD đã thẳng thắn trao đổi những vấn đề liên quan, đồng thời nêu kiến nghị. Ông Phan Hữu Dương-Chủ cơ sở sản xuất, chế biến cà phê Xuân Dương thì đề xuất: “Sản phẩm đặc trưng của huyện rất phong phú nhưng phát triển chưa xứng tầm. Do đó các cấp, các ngành cần hỗ trợ, tạo điều kiện, hướng dẫn người dân nâng tầm sản phẩm, thúc đẩy kinh tế và dịch vụ cùng phát triển”. Cùng với đó, ông Dương cũng đề nghị huyện quan tâm xây dựng điểm trưng bày để giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP tốt hơn, giúp người dân, du khách hiểu rõ hơn tiềm năng của huyện.

Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị Chi cục Thuế khu vực Ia Grai-Chư Păh tổ chức thảo luận, trao đổi, hướng dẫn thực hiện chính sách thuế mới thay đổi để doanh nghiệp, HTX, HKD nắm bắt và thực hiện kịp thời. Đề nghị địa phương hỗ trợ tuyên truyền, vận động người dân tham gia cùng doanh nghiệp, HTX triển khai các mô hình điểm về phát triển kinh tế.

Ông Hồ Văn Hiếu-đại diện HTX Dịch vụ-nông nghiệp Núi Cờ-cho hay: Hợp tác xã hiện sở hữu 30 ha rừng trồng và đang tiến hành khai thác 2 sản phẩm: chăn nuôi dê và nấm linh chi đỏ. Cả 2 sản phẩm đều hướng đến chế biến sâu. Tuy nhiên, vận động các hộ dân cùng tham gia mô hình chăn nuôi dê thì bà con còn lo ngại e dè, sợ trách nhiệm khi vật nuôi chết.

Phần lớn những thắc mắc của doanh nghiệp, HTX, HKD đều được đại diện các phòng, ban liên quan, lãnh đạo huyện dành thời gian giải đáp làm rõ. Một số vấn đề khác, Chủ tịch UBND huyện đề nghị các cấp, các ngành, UBND các xã, thị trấn tiếp thu và kịp thời phản hồi kết quả giải quyết. Đồng thời công khai đầy đủ, kịp thời thông tin về các quy hoạch, kế hoạch của huyện; các quy định, thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp cũng như quá trình xử lý, kết quả giải quyết và tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước. Chủ tịch UBND huyện bày tỏ tin tưởng cộng đồng doanh nghiệp, HTX, HKD tiếp tục phát huy vai trò chủ động, đoàn kết, nêu cao đạo đức kinh doanh, phát huy quyền làm chủ và thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước. Tập trung tái cơ cấu, tổ chức lại sản xuất kinh doanh, áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh; chủ động tìm kiếm thị trường, phát triển thương hiệu ra ngoài khu vực. Bên cạnh đó, tích cực tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, đóng góp vào sự nghiệp phát triển chung của huyện trong thời gian tới.

 

ĐINH YẾN - ANH HUY
 

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.