Cho vay nhà ở xã hội nguồn vốn chưa đáp ứng nhu cầu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hàng năm, Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) tỉnh Gia Lai được Trung ương phân bổ khoảng 10-15 tỷ đồng từ chương trình cho vay nhà ở xã hội. Với mức cho vay tối đa 500 triệu đồng/khách hàng thì chỉ có thể đáp ứng cho 20-30 người vay. Trong khi đó, nhu cầu vay vốn chương trình này lên đến 70-80 tỷ đồng/năm.

Tại Gia Lai, chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ được Ngân hàng CSXH tỉnh triển khai từ năm 2018. Theo quy định, lãi suất ưu đãi 4,8%/năm; thời hạn vay được thỏa thuận phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng nhưng tối đa không quá 25 năm; mức cho vay tối đa bằng 70% giá trị dự toán hoặc phương án vay trong trường hợp xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở; đồng thời, mức vay tối đa không quá 500 triệu đồng và không vượt qua 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay. Trên thực tế, chương trình đã tạo ra cơ hội lẫn động lực để các đối tượng được vay vốn là người có công cách mạng, thu nhập thấp, lao động, công chức, viên chức… xây dựng nhà ở, sớm ổn định cuộc sống. Sau gần 4 năm triển khai, chương trình cho vay nhà ở xã hội đã “phủ sóng” 5 huyện, thị xã, thành phố với tổng dư nợ 32,303 tỷ đồng/90 khách hàng.

 Từ nguồn vốn vay nhà ở xã hội, gia đình anh Huỳnh Tấn Mạnh (tổ dân phố 6, phường An Bình, thị xã An Khê) đã xây được căn nhà khang trang. Ảnh: Sơn Ca
Từ nguồn vốn vay nhà ở xã hội, gia đình anh Huỳnh Tấn Mạnh (tổ 6, phường An Bình, thị xã An Khê) đã xây được căn nhà khang trang. Ảnh: Sơn Ca


Anh Huỳnh Tấn Mạnh (tổ dân phố 6, phường An Bình, thị xã An Khê) cho biết: “Vợ chồng tôi đều là lao động tự do, mỗi tháng thu nhập trên dưới 10 triệu đồng. Mặc dù được cha mẹ cho đất nhưng vợ chồng tôi vẫn chưa đủ khả năng tài chính để xây nhà. Đầu năm 2021, thông qua sự giới thiệu của tổ vay vốn phường An Bình, tôi được tạo điều kiện tiếp cận chương trình cho vay nhà ở xã hội. Hồ sơ thủ tục vay vốn được cán bộ tín dụng Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH thị xã An Khê nhiệt tình hỗ trợ. Kết quả, tôi vay 500 triệu đồng”. Sau gần 4 tháng thi công, ngôi nhà cấp 4 với diện tích hơn 108 m2 của vợ chồng anh Mạnh đã hoàn công. Anh Mạnh cho biết thêm: “Nếu không nhờ có vốn chương trình cho vay nhà ở xã hội, không biết khi nào vợ chồng tôi mới có được ngôi nhà khang trang như thế này. Giờ đây, vợ chồng tôi cố gắng làm ăn, tiết kiệm để đóng lãi và gốc 4 triệu đồng/tháng. Thời hạn vay dài, mức đóng này rất phù hợp với khả năng trả nợ của gia đình”.

Thị xã An Khê là một trong số địa phương được Ngân hàng CSXH tỉnh ưu tiên triển khai chương trình này ngay từ những ngày đầu tiên. Qua 3 năm triển khai chương trình (2019-2021), tổng dư nợ cho vay nhà ở xã hội tại thị xã đạt 8,2 tỷ đồng/22 khách hàng. Bà Trần Thị Thủy Tiên-Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH thị xã An Khê-thông tin: “Với mức vay lên tới 500 triệu đồng, thời gian cho vay kéo dài 15-20 năm nên chúng tôi phải làm chặt chẽ ngay từ đầu nhằm đảm bảo đúng đối tượng và đáp ứng đủ điều kiện”. Hiện nay, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH thị xã đang tiếp nhận 8 trường hợp có nhu cầu vốn cho vay nhà ở xã hội năm 2022.

Có thể nhận thấy rõ, số đối tượng thụ hưởng của chương trình này khá đa dạng. Tuy nhiên, để có thể tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi này, đối tượng thụ hưởng phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện, hồ sơ thủ tục theo quy định. Khi vay vốn để xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà ở, phải đáp ứng đủ các điều kiện của ngân hàng như: giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, có thiết kế, có phương án tính toán giá thành, có giấy phép xây dựng… Chị Lê Thị Phương Duyên (làng Brel, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) cho biết: “Gia đình tôi đang có kế hoạch xây nhà nên đã tìm hiểu thông tin về gói vay này. Tuy nhiên, phần hồ sơ thủ tục đòi hỏi khá nhiều giấy tờ chứng minh về điều kiện cư trú, thu nhập, giấy tờ liên quan đến nhà ở, đất đai. Ngoài ra, người vay cần phải có hóa đơn chứng từ mua vật liệu xây dựng. Trên thực tế, nếu đáp ứng yêu cầu về hóa đơn chứng từ thì chi phí vật liệu xây dựng sẽ tăng khoảng 10% so với thông thường. Việc quy định về giải ngân nhiều lần theo tiến độ cũng sẽ khiến người vay khó chủ động sắp xếp công việc hoặc kế hoạch xây dựng”.    

Tương tự, anh Lê Văn Ngọc (thôn 1, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) cho rằng: “Chương trình cho vay nhà ở xã hội được triển khai rất kịp thời và đúng tâm tư nguyện vọng, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của người dân. Tuy nhiên, để đáp ứng các điều kiện vay vốn cũng rất khó như đất phải chính chủ. Trong trường hợp mình không đủ điều kiện mua đất, phải xây dựng trên phần đất bố mẹ cho nhưng chưa làm thủ tục sang tên. Nhiều trường hợp đúng đối tượng, có nhu cầu vay vốn nhưng lại bị vướng chỗ này nên không thể tiếp cận vốn vay”.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Đình Lý-Trưởng phòng Nghiệp vụ tín dụng (Ngân hàng CSXH tỉnh), tính đến đầu tháng 9-2021, tổng dư nợ chương trình cho vay nhà ở xã hội đạt 32,303 tỷ đồng với 90 khách hàng dư nợ. Nguồn vốn đã cho vay đúng đối tượng thụ hưởng với lãi suất ưu đãi, thời gian cho vay dài, chương trình đã giúp nhiều gia đình chính sách, người có thu nhập thấp ở đô thị, công chức, viên chức có điều kiện xây dựng nhà ở, yên tâm làm việc, ổn định cuộc sống.

“Hàng năm, Chi nhánh được phân bổ 10-15 tỷ đồng. Với mức cho vay tối đa 500 triệu đồng thì Chi nhánh chỉ có thể đáp ứng nhu cầu vay vốn 20-30 người/năm. Trong khi đó, nhu cầu vốn thực tế lên đến 70-80 tỷ đồng/năm. Đây cũng là khó khăn của Ngân hàng CSXH tỉnh khi chưa thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn của các đối tượng”-ông Nguyễn Đình Lý nhận định.

 

SƠN CA

Có thể bạn quan tâm

Ngành Thuế Chư Pưh tiếp tục đôn đốc, khai thác tốt các nguồn thu

Ngành Thuế Chư Pưh tiếp tục đôn đốc, khai thác tốt các nguồn thu

(GLO)- Đến thời điểm này, huyện Chư Pưh đã thu được gần 29 tỷ đồng nộp ngân sách, đạt khoảng 120% dự toán tỉnh và HĐND huyện giao (trừ tiền sử dụng đất). Từ nay đến hết năm 2024, ngành Thuế huyện tiếp tục triển khai các giải pháp để quản lý thuế, chống thất thu cũng như khai thác tốt các nguồn thu.

Tiếp tục giảm 2% thuế VAT tới 1.7.2025

Tiếp tục giảm 2% thuế VAT tới 1.7.2025

Quốc hội đồng ý tiếp tục giảm 2% thuế VAT trong nửa đầu năm 2025; đồng thời yêu cầu chấm dứt việc miễn thuế với hàng giá trị dưới 1 triệu nhập khẩu qua các sàn thương mại điện tử như Shopee, Temu.

Tập huấn kiểm kê tài sản công

Tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công

(GLO)- Ngày 28 và 29-11, Sở Tài chính tỉnh Gia Lai phối hợp với Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Gia Lai.