Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung: Xu hướng lãi suất vay VNĐ sẽ tăng?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang khiến các doanh nghiệp (DN) lo tỷ giá USD/VNĐ sẽ biến động tăng. Tình hình càng thêm căng thẳng khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lại đang siết cho vay ngoại tệ theo Thông tư 42/2018/TT-NHNN để chống đô la hóa khiến nhiều DN xuất nhập khẩu như ngồi trên lửa bởi xu hướng lãi suất vay VNĐ có thể tăng.
Thực tế, việc điều hành tỷ giá USD/VND ổn định trong những năm gần đây của NHNN đã tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của các DN, đặc biệt là các DN xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó, lãi suất cho vay bằng đồng USD thấp hơn nhiều so với lãi suất cho vay bằng VND khiến nhu cầu vay USD của các DN tăng cao nhằm giảm chi phí lãi vay.
 
Khách hàng làm thủ tục vay vốn tại Agribank (Ảnh: Quốc Hải)
Doanh nghiệp lo chi phí vốn tăng
Tuy nhiên, từ 1/4/2019, theo Thông tư 42/2018/TT-NHNN, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã chấm dứt cho vay ngoại tệ ngắn hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa để phục vụ nhu cầu trong nước khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay. Đến đến hết ngày 30/9 tới, các TCTD cũng sẽ chấm dứt cho vay ngoại tệ trung và dài hạn để thanh toán ra nước ngoài.
Đáng nói, nhiều DN sản xuất kinh doanh hàng hóa trong nước nếu không có nguồn thu ngoại tệ thì cũng không đủ điều kiện để được vay ngoại tệ từ các ngân hàng. Điều này khiến các DN buộc phải vay VND với lãi suất cao hơn khoảng 3 - 4%/năm để mua USD thanh toán cho các đơn hàng nhập khẩu, khiến chi phí vốn DN có thể tăng lên.
Ông Trần Huân, giám đốc một DN nhập khẩu bao bì đóng tại quận Bình Tân, TP.HCM, lo lắng: “Do không có nguồn thu ngoại tệ nên hiện tại chúng tôi phải vay bằng VND với chi phí vốn cao hơn so với vay USD khoảng 3% - 4%/năm. Mấy hôm nay nghe các chuyên gia kinh tề dự báo tỷ giá có thể sẽ biến động khoảng 2% - 3% trong năm 2019. Đó là chưa kể nếu chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang, đồng nhân dân tệ mất giá,… khiến DN như ngồi trên lửa bởi với đà này, chi phí vốn năm nay có thể sẽ tăng cao”.
“Trước mắt, đáp ứng các lô hàng nhập khẩu, chúng tôi phải vay VNĐ sau đó mua USD để thanh toán, nếu cộng thêm rủi ro tỷ giá nữa thì chắc chắn chi phí vốn sẽ đội lên”, ông Huân cho biết.
Cũng lo lắng không kém, anh Võ Văn Đạo - giám đốc một DN kinh doanh điện trở tại quận 12, chia sẻ: “Trước đây công ty tôi hay vay ngoại tệ để thanh toán các đơn hàng nhập khẩu nhưng bây giờ các ngân hàng không cho vay nữa vì DN không đáp ứng tiêu chuẩn được vay (không có nguồn thu ngoại tệ). Vậy nên bây giờ phải vay VNĐ với lãi suất cao hơn khoảng 3 - 4%/năm để mua USD thanh toán. Cái tôi lo lắng bây giờ là lãi suất này DN nhỏ như chúng tôi còn ráng “gồng” được, nếu lãi suất VNĐ thời gian tới mà tăng thì rất khó khăn”.
Trước lo lắng của các DN, ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM, cho biết: “NHNN đang theo đuổi mục tiêu chống “đô la hóa” trong nền kinh tế, nên chính sách cho vay ngoại tệ sẽ từng bước hạn chế và dần chuyển sang quan hệ mua bán ngoại tệ. Việc siết cho vay ngoại tệ này sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến các DN xuất nhập khẩu vì rủi ro về tỷ giá đến từ khách quan. Tuy nhiên, hiện các ngân hàng thương mại hiện nay đã cung cấp công cụ phái sinh để bảo đảm DN muốn mua ngoại tệ trong tương lai được cung cấp theo hợp đồng kỳ hạn nên các DN xuất nhập khẩu nên mua các hợp đồng kỳ hạn này để đảm bảo nguồn cung USD ổn định".
Lãi suất VNĐ có biến động?
Trước tình hình lượng cung - cầu VNĐ có thể thay đổi khiến mặt bằng lãi suất cho vay VNĐ có thể tăng lên thời gian tới, nhiều chuyên gia kinh tế cũng tỏ ra lo ngại.
TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng, thẳng thắn: "Theo dự báo của tôi thì tỷ giá sắp tới sẽ tăng và lãi suất VNĐ sẽ tăng".
Theo ông Hiếu, các DN xuất nhập khẩu Việt Nam để bảo đảm thanh toán những hợp đồng ngoại thương bằng USD thì tốt nhất là nên mua hợp đồng tương lai với các NHTM. Các NHTM sẵn sàng bán USD cho đối tác với một hợp đồng tương lai với tỷ giá đã định ngày hôm nay trong tương lai. Chẳng hạn hợp đồng 30 ngày, 60 ngày hay 90 ngày trong tương lai thì giá trong tương lai sẽ được hai bên thỏa thuận ngay từ bây giờ. Tới thời điểm hợp đồng đó phải thực hiện thì các DN đã có sẵn một lượng USD với một tỷ giá đã được hai bên thỏa thuận từ trước, vì thế sẽ không rơi vào tình trạng thiếu USD hoặc phải mua USD với giá cao.
“Đây là cách tốt nhất để bảo vệ các DN cần thanh toán bằng đồng USD trong tương lai”, ông Hiếu chia sẻ.
Trong khi đó, TS Đinh Thế Hiển - chuyên gia kinh tế cũng chia sẻ, có thể lãi suất không tăng nhưng các công ty kiếm vốn sẽ hơi khó.
“Các ngân hàng có thể sẽ không tăng lãi suất nhưng DN muốn vay vốn thì phải có gì đó, tôi không nói đến chuyện hối lộ nhưng ít nhất sẽ phải có chi phí gì đó… cộng lại thì cuối cùng cũng tương đương lãi suất tăng. Nên nhớ, trong giai đoạn hiện nay khi NHNN chủ trương hạn chế tăng trưởng tín dụng thì rõ ràng các DN phải biết cách sử dụng vốn, giãn vốn, giảm nhu cầu vốn… Không thể nào mà không có điều chỉnh, không điều chỉnh thì rõ ràng không cùng nhịp với sự tăng trưởng tín dụng”, ông Hiển nói.
Cũng theo ông Hiển, lãi suất VNĐ sẽ không tăng chính thức nhưng sẽ tăng ngầm. Cần logic hai vấn đề, thứ nhất là thiếu tiền, tức là chỉ tiêu tín dụng chỉ có bấy nhiêu đó; thứ 2, lãi suất huy động tăng thì lấy đâu lãi suất cho vay không tăng. Vấn đề là tăng không ồ ạt, tăng ngầm, tăng theo từng dạng vay… rồi tất nhiên chỉ những DN tốt, những khoản thế chấp tốt thì mới có lãi suất ổn định, còn những dạng khác thì ngân hàng phải chọn lựa thì áp lực tăng lãi suất là có chứ không phải không có.
Trong khi đó, lãnh đạo một ngân hàng thương mại tại TP.HCM lại thừa nhận, thanh khoản VND có thể bị ảnh hưởng do ngân hàng phải thu xếp đủ nguồn vốn nội tệ để có thể cho vay. Điều này gây áp lực không nhỏ với những ngân hàng thương mại không có nguồn vốn VND dồi dào. Chưa kể, việc chuyển dần từ quan hệ vay mượn ngoại tệ sang mua bán ngoại tệ, trong ngắn hạn, cạnh tranh trên lãi suất cho vay và huy động vốn bằng VND có thể căng thẳng hơn dẫn đến lợi nhuận biên của ngân hàng thương mại trong các quý tới có khả năng giảm.
Quốc Hải (Dân Việt) 

Có thể bạn quan tâm

Ngành Thuế Chư Pưh tiếp tục đôn đốc, khai thác tốt các nguồn thu

Ngành Thuế Chư Pưh tiếp tục đôn đốc, khai thác tốt các nguồn thu

(GLO)- Đến thời điểm này, huyện Chư Pưh đã thu được gần 29 tỷ đồng nộp ngân sách, đạt khoảng 120% dự toán tỉnh và HĐND huyện giao (trừ tiền sử dụng đất). Từ nay đến hết năm 2024, ngành Thuế huyện tiếp tục triển khai các giải pháp để quản lý thuế, chống thất thu cũng như khai thác tốt các nguồn thu.

Tiếp tục giảm 2% thuế VAT tới 1.7.2025

Tiếp tục giảm 2% thuế VAT tới 1.7.2025

Quốc hội đồng ý tiếp tục giảm 2% thuế VAT trong nửa đầu năm 2025; đồng thời yêu cầu chấm dứt việc miễn thuế với hàng giá trị dưới 1 triệu nhập khẩu qua các sàn thương mại điện tử như Shopee, Temu.

Tập huấn kiểm kê tài sản công

Tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công

(GLO)- Ngày 28 và 29-11, Sở Tài chính tỉnh Gia Lai phối hợp với Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Gia Lai.