Một lần vào kho đạo cụ của Hãng phim truyện Việt Nam, tôi kéo thử chiếc xe kéo tay (thường gọi là xe tay) được phục chế nguyên bản để làm phim. Chỉ một đoạn tôi đã toát mồ hôi vì nó quá nặng, và chợt ngẫm đến thân phận những người phu xe.
Uống nước sái thuốc phiện để có sức kéo
Phương tiện giao thông của thị dân Hà Nội cuối thế kỷ 19 là xe ngựa, cáng (như cáng cứu thương ngày nay do 2 người khiêng, khách đi xa có thêm 2 người nữa để thay phiên nhau khiêng), xe bò đẩy (xe bằng gỗ có 1 bánh, hai càng do một người kéo một người đẩy). Quan phủ oai hơn, đi công cán họ ngồi võng hay kiệu, có lính khiêng.
Người phu bên chiếc xe tay. |
Khi Pháp chiếm Hà Nội, năm 1883, xe ngựa không thể chở người Pháp đi lại trong phố vì đường chật chội do hàng quán lấn chiếm. Họ cũng không thể ngồi cáng vì sức hai người Việt chỉ khiêng ông Tây một đoạn là phải nghỉ. Lại càng không thể ngồi xe đẩy vì chỗ ngồi không đủ rộng cho mông ông Tây bè bè.
Người Pháp loay hoay tìm kiếm một phương tiện khác giúp họ dễ dàng di chuyển nhưng chưa được. Năm 1884, Công sứ Hà Nội là Bonnal sang Nhật và ông này đã mang về 2 chiếc xe tay. Xe Bonnal mang về là xe hòm, bánh bằng sắt. Nhiều công chức Pháp cũng muốn có xe riêng đi làm, vợ con họ cũng muốn có một cái đi chợ. Nắm được nhu cầu ấy, viên quan thuế nghỉ hưu Leneven đã nhập xe từ Nhật và Hồng Kông về cho thuê. Từ đó sinh ra phu xe, phần lớn ở quê ra.
Leneven cho phu ăn mặc như lính triều đình: quần túm ống, quấn xà cạp, đội nón chóp. Vì bánh sắt nên trọng lượng của xe rất nặng, nhất là với phu trung tuổi; có ông Tây to béo khiến phu phải lấy hết sức ghìm càng xe xuống đất. Kéo cuốc xe được mấy xu mà bã người. Và trong cuốn hồi ký Đông Dương ngày ấy 1898 -1908, viên quan thuế Claude Bourrin từng sống ở Hà Nội kể lại chuyện ông ta phát hiện ra phu kéo xe tay trung tuổi phải uống nước có sái thuốc phiện mới đủ sức kéo.
Thấy xe nhập quá đắt, năm 1890, Công ty Verneuil et Gravereand ở phố Rialan (nay là Phan Chu Trinh) đã tự sản xuất xe. Họ làm xe bánh sắt và xe bánh bọc cao su. Xe bánh sắt giá rẻ bán cho các tỉnh quanh Hà Nội. Để xe nhẹ bớt, công ty này tiếp tục cải tiến, chỗ ngồi thấp hơn, có dù che nắng mưa, bánh sắt được thay bằng cao su đặc nên đi êm hơn, nhẹ hơn. Tuy nhiên khung xe làm bằng gỗ tốt, càng xe vẫn dài nên xe vẫn nặng, để có sức kéo, phu lớn tuổi vẫn phải uống nước sái thuốc phiện.
Ngồi xe tay ban đầu là người Pháp, công chức, nhà giàu và me Tây. Sợ thiên hạ nghĩ mình là me Tây, con gái nhà lành không dám ngồi xe này. Sau này, các cô mới sử dụng mà cũng chỉ đi xe bánh sắt để phân biệt với đám me Tây chuyên đi xe bánh cao su.
Việc mở mang các tuyến đường giao thông được chính quyền thành phố làm khá nhanh, tính đến ngày 1-1-1902, Hà Nội có 52 km đường, trong đó hơn 10 km đã rải đá và đây là yếu tố làm tăng nhanh số xe kéo tay. Theo báo cáo thông qua quyết toán thuế do Đốc lý Baille ký ngày 10-1-1902, số tiền thuế xe tay thành phố thu được năm 1897 là 26.530 đồng, năm 1898 là 32.165 đồng, năm 1899 là 40.450 đồng và năm 1901 là 43.370 đồng. Trước đó, ngày 15.3.1892, Đốc lý Beauchamp ký mức thuế 1 năm cho một chiếc xe tay là 60 đồng. Năm 1897 Hà Nội có 442 xe và đến năm 1901 là 728 chiếc. Thu thuế xe tay còn cao hơn 2 lần rưỡi thuế đánh vào lò mổ và kém tí chút thuế chợ. Cho thuê xe tay phất nhanh nên nhiều chủ người Việt lao vào mở hiệu và sản xuất như: Hữu Tam Đồng ở Hàng Buồm, Nguyễn Huy Hợi ở phố Hàng Chiếu. Khi Bưu điện Hà Nội có bưu chính, bưu tá nhận thư từ trung tâm là có xe tay đưa đi các phố giao.
Phóng sự tôi kéo xe rúng động Hà Thành
Đầu những năm 1930, giao thông công cộng Hà Nội thay đổi đáng kể, đường xe điện kéo dài hơn, số xe hơi và xe đạp tăng lên. Thế nhưng, số xe tay vẫn lên tới gần 3.000 chiếc. Công việc của phu xe nặng nhọc nhưng thu nhập lại không đáng là bao, bị chủ xe ăn hết. Từ phu chuyên nghiệp thuê cả ngày đến kẻ làm thêm chỉ thuê vài tiếng đều phải trả tiền trước. Trả chậm vài phút bị phạt, xe va quệt phải đền rất cao nên nhiều phu chạy quanh năm không trả hết nợ. Cực khổ mà chẳng biết kêu ai.
Năm 1931, một phu xe đang chở khách đuối sức đã gục chết giữa đường. Chuyện đó khiến trái tim nhà báo Tam Lang rung động. Ông quyết định thuê xe đóng vai phu để viết lên sự thật. Nhiều lúc ông chạy cả đêm để hiểu kiếp phu xe nhọc nhằn, khốn nạn thế nào. Ông kéo xe đến phố “Vợ Tây” (phố có nhiều phụ nữ Việt lấy lính và sĩ quan Pháp đóng trong thành, nay là Phó Đức Chính) chầu chực chở khách đi chợ. Ông cũng lăn lộn ở xóm Bãi Cát (khu vực An Dương và Phúc Xá hiện nay) nơi có nhiều phu thuê trọ để tìm hiểu. Và ông đã phát hiện họ thường xuyên phải vay nặng lãi trả tiền thuê xe. Ông cũng tận mắt chứng kiến phu chết mà những kẻ trọ cùng không biết chôn ở đâu vì không có tiền mua đất, đành vùi xuống dải cát ven sông Hồng chờ nước dâng lên cuốn xác đi. Và rồi vợ họ đẻ con không làm được khai sinh, người lớn không giấy tờ. Phóng sự điều tra Tôi kéo xe được đăng tải trên Hà Thành ngọ báo năm 1932 đã thức tỉnh những người có lương tâm trong xã hội lúc bấy giờ. Phu xe kéo tay cũng trở thành đề tài cho nhiều nhà văn và tiêu biểu là truyện ngắn Người ngựa, ngựa người của Nguyễn Công Hoan đăng báo lần đầu tiên cũng trong năm này gây chấn động như phóng sự Tôi kéo xe của Tam Lang.
Dưới bút danh Nguyễn Bách Khoa, Trương Tửu nhận định trên báo Loa: “Tôi kéo xe được Tam Lang thu góp chất liệu sống cực khổ, nhọc nhằn của phu xe kéo”. Còn Hoài Thanh viết trên Tiểu thuyết thứ bảy: “Tôi kéo xe vẫn là tập phóng sự giá trị. Tác giả đã làm cho ta nghe thấy những điều ở ngay trước mắt ta, bên tai ta, mà ta không nghe thấy…”.
Hơn 10 năm sau khi phóng sự Tôi kéo xe ra đời, Hà Nội không còn bóng dáng xe tay. Ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời ngày 2.9.1945, một sắc lệnh xóa bỏ xe tay được chính phủ lâm thời ban hành, chấm dứt hoàn toàn phương tiện mà Công sứ Bonnal gọi là “Văn minh phương Đông” sau nửa thế kỷ tồn tại.
Theo thanhnien