Hiện, hai yếu tố "chi phí quản lý", "chi phí khấu hao thiết bị và tài sản cố định" chưa được tính vào giá khám-chữa bệnh. Theo Luật Khám chữa bệnh hiện hành, chi phí công nghệ thông tin được xếp vào nhóm "chi phí quản lý".
Trong Kế hoạch, Bộ Y tế yêu cầu đảm bảo hoàn thành triển khai hồ sơ bệnh án điện tử tại tất cả bệnh viện trên toàn quốc, chậm nhất trong tháng 9-2025.

Đồng thời, Vụ Kế hoạch-Tài chính chủ trì phối hợp đơn vị liên quan xây dựng quy định kết cấu chi phí ứng dụng công nghệ thông tin trong giá dịch vụ khám-chữa bệnh, cần hoàn thành trong tháng 6-2025.
Nhằm đảm bảo tiến độ đề ra, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức yêu cầu: Trong tháng 4-2025, Cục Khoa học công nghệ và đào tạo, chủ trì việc sửa đổi, cập nhật Thông tư hướng dẫn triển khai hồ sơ bệnh án điện tử (thay thế Thông tư 46/2018/TT-BYT).
Bộ Y tế cũng yêu cầu Cục Quản lý khám, chữa bệnh có trách nhiệm hoàn thiện bộ danh mục thuật ngữ lâm sàng, bộ danh mục chỉ số cận lâm sàng để áp dụng trong hồ sơ bệnh án điện tử.
Cùng đó, Vụ BHYT phối hợp xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật đối với các dịch vụ chẩn đoán hình ảnh y tế trên hệ thống RIS-PACS, làm cơ sở để xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt giá dịch vụ sử dụng hệ thống RIS-PACS không in phim.
Được biết, RIS là hệ thống phần mềm được triển khai tại khoa chẩn đoán hình ảnh, thông tin dữ liệu của RIS gồm dạng văn bản và dạng ảnh; PACS là hệ thống lưu trữ, truyền và thu nhận hình ảnh từ các thiết bị siêu âm, x-quang, chụp cộng hưởng từ (MRI) hay chụp cắt lớp (CT)...
Việc đưa chi phí ứng dụng công nghệ thông tin vào giá dịch vụ khám-chữa bệnh được kỳ vọng sẽ giúp các bệnh viện có nguồn lực để đầu tư trang thiết bị, cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ khám-chữa bệnh.