Theo Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Gia Lai), các đối tượng lừa đảo qua không gian mạng luôn thay đổi phương thức hoạt động, đánh vào tâm lý lo lắng, sự cả tin của người dân.

Đặc biệt, sau khi cả nước tiến hành sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, các đối tượng đã lợi dụng việc này để giả danh cơ quan chức năng chiếm đoạt tài sản, dữ liệu cá nhân để sử dụng vào những mục đích xấu.
Theo đó, các đối tượng giả danh cán bộ hành chính, nhân viên điện lực, Công an… yêu cầu người dân cập nhật thông tin theo đơn vị hành chính mới để đồng bộ. Sau đó, các đối tượng gửi các link, ứng dụng độc hại nhằm chiếm đoạt dữ liệu cá nhân, mã OTP… với mục đích cuối cùng là chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng của bị hại.
Một số người dân cả tin, thiếu cảnh giác, có tâm lý sợ mất quyền lợi nên bị dẫn dắt thực hiện thao tác chuyển tiền cho kẻ lừa đảo. Tại Gia Lai, ngày 2-7 vừa qua, chị N.T.H (SN 1994, thôn Tân Tiến, xã Kdang) đã bị lừa 5,6 triệu đồng với thủ đoạn này. Một đối tượng đã gọi điện cho chị H. nói rằng là nhân viên điện lực yêu cầu chị thay đổi thông tin, tải ứng dụng mới để đóng tiền điện.
Chị H. cho biết: “Ban đầu, người gọi cho tôi nói rằng là nhân viên điện lực đề cập chuyện đóng tiền điện. Tôi nói đã đóng rồi thì họ yêu cầu gửi hóa đơn. Sau đó, một người khác liên hệ với tôi rồi trao đổi qua Zalo. Họ nói từ ngày 1-7 phải thay đổi thông tin sau sáp nhập nên hướng dẫn tôi cài đặt ứng dụng của điện lực. Tôi tưởng thật làm theo, sau đó họ gửi tôi một mã QR để xác nhận. Khi tôi quét vào mã này không hiện lên số tiền và nội dung mà chỉ yêu cầu nhập mã PIN, tôi vừa nhập xong thì thấy toàn bộ tiền trong tài khoản của mình bị chuyển đi mất”.
Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cũng cho biết: Có đối tượng không trực tiếp chiếm đoạt tài sản của bị hại mà giả danh cảnh sát khu vực gọi điện yêu cầu người dân trên địa bàn tiến hành cập nhật định danh điện tử mức 2 cho thân nhân.
Các cuộc gọi này thường mang giọng điệu đe dọa, gây tâm lý hoang mang, buộc người nghe phải làm theo hướng dẫn của chúng một cách thụ động. Khi nhận thấy nạn nhân có dấu hiệu "sa lưới", chúng lập tức yêu cầu tải ứng dụng lạ về thiết bị di động cá nhân nhằm "giả lập môi trường" tương tác thuận tiện với "cơ quan nhà nước". Sau đó, chúng dẫn dụ bị hại cài đặt các ứng dụng như: “Dịch vụ công”, “DICHVUCONG-QUOCGIACC”, “VED”...
Song thực chất đây đều là ứng dụng giả mạo và bị cài cắm các mã nguồn độc hại để chiếm đoạt dữ liệu cá nhân của nạn nhân. Sau đó, chúng liên tục thúc giục nạn nhân vào các ứng dụng giả mạo này để chụp ảnh chân dung, xác thực sinh trắc học, tải lên ảnh chụp thẻ căn cước...
Khi đã có đầy đủ thông tin, dữ liệu cá nhân của nạn nhân, các đối tượng sử dụng để đăng ký hồ sơ vay tại các công ty tài chính với khoản vay từ 50 - 100 triệu đồng. Đồng thời, sử dụng các thông tin, dữ liệu này cung cấp để mở tài khoản ngân hàng trực tuyến đứng tên nạn nhân để nhận tiền giải ngân từ khoản vay.
Ngay khi nhận được tiền, các đối tượng thực hiện chuyển khoản nhiều lần đến nhiều tài khoản khác nhau nhằm che giấu "đường đi" của dòng tiền, với hy vọng đánh lạc hướng công tác điều tra, xác minh, xử lý của lực lượng chức năng. Nạn nhân chỉ phát hiện sự việc trong trường hợp nhận thông báo nợ xấu từ phía công ty tài chính hoặc bị liên hệ đòi nợ quá hạn.

Theo thượng tá Đinh Văn Sơn - Phó Trưởng phòng Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ được cơ quan chức năng tự động cập nhật, đảm bảo đầy đủ, chính xác. Người dân không cần đến xã hay khai báo bổ sung dưới bất kỳ hình thức nào, nếu không có thông báo chính thức.
Tất cả các số điện thoại lạ gọi đến yêu cầu người dân cập nhật, gửi link lạ đều là do các đối tượng lừa đảo lợi dụng việc sáp nhập nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng của người dân.
Cơ quan Công an đề nghị người dân cảnh giác khi nhận các cuộc gọi điện thoại từ người lạ, tự xưng là cán bộ của các cơ quan để thông báo, yêu cầu bổ sung, cung cấp thông tin dữ liệu dân cư qua điện thoại.
“Người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân như số căn cước, mã định danh, tài khoản ngân hàng, mã OTP, ảnh chụp giấy tờ cá nhân… qua điện thoại, mạng xã hội cho bất kỳ ai chưa được xác minh danh tính rõ ràng. Tuyệt đối không truy cập link lạ, không quét mã QR từ người không quen biết” - Thượng tá Sơn nhấn mạnh.
Trường hợp nhận được các tin nhắn và cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần kịp thời trình báo cơ quan Công an để ngăn chặn và xử lý theo quy định của pháp luật.