(GLO)- Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) có hiệu lực từ ngày 1-1-2018 đã khiến ngành sản xuất mía đường nước ta gặp rất nhiều khó khăn. Tại huyện Phú Thiện, đối lập với cảnh “tranh mua tranh bán” của các niên vụ trước, hiện tại, không ít chủ mía chấp nhận bán tháo, bán lỗ vì sợ không bán được hay mía cháy... Theo đại diện doanh nghiệp thu mua mía nguyên liệu, sản xuất mía theo mô hình cánh đồng lớn là giải pháp tối ưu để người nông dân vượt qua khó khăn này.
Giá mía nguyên liệu giảm sâu
Chưa trọn niềm vui mía đạt năng suất cao nhờ một năm mưa thuận gió hòa thì chị Lâm Thị Lưu (thôn Hồng Hà, xã Ia Peng, huyện Phú Thiện) đã ngao ngán bởi giá mía niên vụ này xuống quá thấp. “Năm nay, tôi có 3 ha mía trồng năm 3, hiện đã thu hoạch được 2 ha. Mía rất tốt, năng suất đạt gần 100 tấn/ha nhưng giá thu mua chỉ 640 đồng/kg cho mía 8 chữ đường nên trừ chi phí, tôi chỉ lãi 3-4 triệu đồng/ha. Nếu phải thuê công chặt mía thì coi như không có lời. Các niên vụ trước, giá mía khá cao nên trung bình tôi thu lãi khoảng 30 triệu đồng/ha”-chị Lưu chia sẻ.
Thu hoạch mía bằng cơ giới trên các cánh đồng mía lớn. Ảnh: L.H |
Gần 20 năm gắn bó với nghề trồng mía, bà Vũ Thị Hằng (thôn Thắng Lợi 4, xã Ia Sol) nhận định: Các niên vụ trước, trung bình mỗi héc-ta mía tốt cho lợi nhuận 30-40 triệu đồng. Nhưng năm nay, do giá mía giảm sâu, hộ nào may mắn thì lời chút ít. Nếu chăm sóc kém hoặc trồng ở vùng đất xấu thì coi như huề vốn. Riêng với hộ bà Hằng, vì cả 15 ha mía đều được đầu tư chăm sóc khá kỹ nên ước tính vụ mía năm nay, bà thu lãi khoảng 10 triệu đồng/ha.
Theo tính toán của ông Mai Ngọc Quý-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Thiện, giá thu mua mía thấp như năm nay thì hộ nào đạt năng suất từ 65 tấn/ha trở lên mới hy vọng có lãi. Hiện tại, huyện Phú Thiện có hơn 4.890 ha mía, vượt 1.000 ha so với quy hoạch của địa phương. “Niên vụ này, năng suất mía canh tác theo phương pháp truyền thống đạt 65-75 tấn/ha. Với năng suất đó, người trồng mía huề vốn hoặc chỉ lãi rất ít”-ông Quý phân tích. Cũng theo ông Quý, các hộ trồng mía theo mô hình cánh đồng lớn thì lợi nhuận đảm bảo hơn nhờ năng suất cao và tiết kiệm công chăm sóc. Đến nay, huyện Phú Thiện đã xây dựng được 8 cánh đồng mía lớn ở 5 xã với tổng diện tích 180,75 ha. Niên vụ mía 2017-2018, mía trồng theo mô hình cánh đồng lớn đạt 75-85 tấn/ha, cá biệt như tại xã Ia Sol có hộ đạt trên 100 tấn/ha.
“Lối thoát hiểm” cho người trồng mía
Nhờ tham gia mô hình cánh đồng mía lớn, cơ giới hóa đồng bộ từ khâu chăm sóc đến thu hoạch nên nhiều nông dân ở xã Ia Sol đã có được lợi nhuận nhờ năng suất đạt cao và tiết kiệm công chăm sóc, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Hộ ông Nguyễn Văn Thái (thôn Thắng Lợi) trồng 2 ha mía cánh đồng lớn cho tổng sản lượng 260 tấn mía cây. Với mức đầu tư khoảng 50 triệu đồng/ha, vụ này, ông Thái lãi khoảng 40 triệu đồng. “Giá mía thấp nhưng lợi nhuận vẫn cao hơn nhiều lần so với trồng lúa. Thay vì chăm sóc mía, tôi có thể dành thời gian, công sức làm việc khác kiếm thêm thu nhập”-ông Thái chia sẻ. Về hiệu quả của cánh đồng mía lớn trên địa bàn, ông Phạm Văn Quyến-Chủ tịch UBND xã Ia Sol, cho biết: Xã phát triển được 33,7 ha/1.750 ha mía cánh đồng lớn, năng suất đạt 100-120 tấn/ha. Nhờ quá trình cơ giới hóa và đặc biệt, trong giai đoạn 3-4 tháng cao điểm mùa khô đầu vụ trồng mới, mía được tưới nước thường xuyên nên phát triển rất tốt, năng suất cao.
Tại làng Pông (xã Chư A Thai), mô hình cánh đồng mía lớn đang mở ra cơ hội thoát nghèo cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Niên vụ 2017-2018, 77 hộ người Bahnar, Jrai ở làng Pông và một số làng lân cận đã dồn điền đổi thửa, tạo thành cánh đồng mía lớn rộng gần 88 ha. “Năm nay là năm đầu trồng theo mô hình cánh đồng mía lớn nên năng suất chưa cao, chỉ tầm 65-70 tấn/ha nhưng các năm sau sẽ cho năng suất cao hơn. Nhờ được đầu tư bài bản theo mô hình cánh đồng mía lớn nên người dân làng Pông có cơ hội thoát nghèo, tích lũy làm giàu và thay đổi tập quán sản xuất”-ông Phùng Trung Toàn-Chủ tịch UBND xã Chư A Thai, nói.
Ông Nguyễn Bá Chủ-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai (TTCS), nhận định: Không riêng nông dân Gia Lai, ATIGA là một thách thức không nhỏ đối với ngành mía đường Việt Nam với khoảng 300.000 ha mía và 1 triệu nông dân ảnh hưởng. Vùng nguyên liệu của TTCS hiện nay mới chỉ có 300 ha/11.500 ha triển khai áp dụng theo mô hình cánh đồng lớn nhưng được dự báo sẽ tăng mạnh trong các năm tiếp theo. “Áp dụng cánh đồng lớn là lựa chọn tối ưu cho người trồng mía nhằm tăng năng suất trên cùng một đơn vị diện tích đất nhờ áp dụng cơ giới hóa đồng bộ. Khi bước vào cuộc chơi lớn, những rào cản thương mại dần được xóa bỏ, chính sách miễn giảm thuế được áp dụng đối với đường nhập khẩu đến từ các nước ASEAN… trong khi chúng ta xuất phát điểm sau họ, vì vậy buộc phải thay đổi tư duy và phương thức canh tác.
Đó là thách thức, đồng thời cũng là cơ hội cho nông dân”-ông Nguyễn Bá Chủ cho biết. Thực tế, từ năm 2015 đến nay, nhận rõ thách thức, TTCS đã bắt tay vào đầu tư xây dựng các cánh đồng mía lớn theo hình thức Công ty đầu tư toàn bộ và sẽ thu hồi vốn khi thu hoạch sản phẩm. “Muốn làm được điều đó, không chỉ có nhà máy và chính quyền địa phương nỗ lực mà rất cần sự vào cuộc của nông dân. Họ mới là chủ thể tạo nên sự thành công của cuộc cách mạng trên đồng mía trong giai đoạn hiện nay”-ông Nguyễn Bá Chủ nhấn mạnh.
Lê Hòa