Cây sáo vỗ không lỗ bấm bị gãy trong quá trình đi biểu diễn nhưng NSND Trịnh Mạnh Hùng tìm mọi cách sửa chữa và đồng hành trong suốt quãng đời cầm ca. TRONG ẢNH: NSND Trịnh Mạnh Hùng đang thổi sáo ca khúc “Nỗi đau của rừng” được ông sáng tác và biểu diễn năm 2016. Ảnh: H.T.V |
Cần nhất là đam mê
Vừa đến con hẻm nhỏ nhà NSND Trịnh Mạnh Hùng, tôi thoáng nghe tiếng sáo vang lên du dương hệt tiếng nước chảy, lánh lót như tiếng chim hót nơi rừng xanh đại ngàn. Càng đến gần, tôi càng cảm nhận rõ tiếng sáo thổi trong giai điệu bài hát “Cô gái vót chông” (sáng tác nổi tiếng của nhạc sĩ Hoàng Hiệp) do NSND Trịnh Mạnh Hùng và những người bạn trong CLB Thơ quận Thanh Khê đang thưởng trà giao lưu vài vần thơ cùng tiếng nhạc.
Mỗi khi thổi sáo trên sâu khấu trong và ngoài nước, trong tôi bỗng tự hào quá đỗi bởi ngày nào còn tiếng sáo vang lên thì ngày đó thanh âm dân tộc còn tồn tại, vẫn đang từng bước len lỏi và được mọi người dang rộng vòng tay đón nhận. Mong rằng, trong tương lai, sáo trúc vẫn còn hiện diện khắp nơi trên đất nước để thế hệ trẻ biết đến mà giữ gìn, bảo tồn một loại nhạc cụ mà nhiều người thường gọi vui là "Lạ nhưng mà quen".
NSND Trịnh Mạnh Hùng
Nâng niu cây sáo quấn chằng chịt dải băng dính trắng dài khoảng 3 gang tay, NSND Trịnh Mạnh Hùng hồ hởi nói, cây sáo dù bị gãy trong quá trình đi biểu diễn nhưng ông tìm mọi cách sửa chữa. Với ông, cây sáo rất quý vì được người thầy mến tặng, đặc biệt hơn, cây sáo là loại sáo vỗ không lỗ bấm, người thổi chỉ cần dùng tay vỗ vào đầu cây sáo và được người Pháp gọi với cái tên độc đáo là “Cây sáo ma quái” bởi thanh âm của nó ma mị, cao hứng nhưng đôi lúc nhẹ nhàng, mềm mại. Cây sáo vỗ không lỗ bấm thích hợp để thổi những giai điệu về rừng, về núi.
Chia sẻ nhân duyên gắn bó cùng cây sáo, NSND Trịnh Mạnh Hùng nhớ lại, cây sáo đến trong đời ông khá tình cờ khi người anh trai làm việc tại Hà Nội cứ cuối tuần về thăm nhà và mang theo cây sáo trúc thổi nghêu ngao. Âm thanh ấy đã khơi gợi sự tưởng tượng trong tiềm thức cậu bé 7 tuổi bởi ông nghĩ rằng, tại sao một cây tre đơn thuần lại có thể phát ra thứ âm thanh tuyệt diệu, thánh thót mê hoặc lòng người đến thế. Ước mơ có cây sáo cho riêng mình đến cháy bỏng, ông lại tìm tre, tìm trúc quanh nhà vót thành cây sáo và giữ khư khư thổi líu lo đêm ngày suốt quãng tuổi thơ.
Nhờ niềm đam mê mãnh liệt, mùa hè năm 1963, đang học cấp 2, Đoàn Tuồng cổ Thanh Hóa - Quảng Nam kết nghĩa đến biểu diễn tại miền quê ông sinh sống và tuyển chọn thành viên vào đoàn. Ông là cậu bé duy nhất tại thị trấn Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) được tuyển chọn nhờ kỹ năng thổi sáo. Rong ruổi cùng đoàn đi khắp nơi biểu diễn, ông được các thế hệ đi trước hướng dẫn thêm kỹ năng chơi trống và các loại đàn. Đến năm 1965, ông quay trở lại học văn hóa cũng như nhạc lý và tốt nghiệp Trung cấp ngành Nhạc cụ dân tộc tại Trường Nghệ thuật Sân khấu (nay là Trường Đại học - Sân khấu Điện ảnh) năm 1967 và sau này ông biên chế làm việc tại Đoàn Văn công Quân khu 5 đến khi nghỉ hưu năm 1990.
Âm nhạc không biên giới
Về sau, từ cây sáo vỗ không lỗ bấm, NSND Trịnh Mạnh Hùng cải tiến bằng cách khoét thêm một rãnh vuốt xẻ nhỏ nơi đầu cây sáo và biển diễn đạt trình độ cao, mang lại thành công lớn trong nghề thổi sáo. Sự sáng tạo không làm mất đi âm thanh vốn có của cây sáo mà còn tăng thêm độ rung, độ cảm cho người nghe. Điều độc đáo đó giúp ông là người Việt Nam đầu tiên thổi cây sáo không lỗ bấm, có khoét rãnh. Theo ông, muốn thổi cây sáo này buộc người thổi phải cảm âm tốt, có độ nhạy và làn hơi đều. Cây sáo vỗ mang lại cho ông khá nhiều giải thưởng trong và ngoài nước, được báo chí Pháp đưa tin năm 1994 và cùng ông ngao du trình diễn trong các chương trình giao lưu văn hóa nghệ thuật nhiều nước ở châu Âu và châu Á.
Báo chí Pháp viết bài về ông năm 1994 nhờ khả năng thổi sáo điêu luyện, vượt bậc. Ảnh: Tư liệu |
NSND Trịnh Mạnh Hùng là người châu Á đầu tiên được Hội Nghệ thuật số 1 thế giới và Hội Nghệ thuật Nall nước Pháp mời sang biểu diễn và tu nghiệp tại châu Âu vào mùa hè năm 1994. Lật lại ký ức biểu diễn đáng nhớ nơi xứ xa, ông hồ hởi nói, sự bắt gặp tình cờ với ông W. Scott Mc Lucas, Chủ tịch Hội Nghệ thuật số 1 thế giới, người phát hiện tài năng thổi sáo và giới thiệu ông đến những buổi biểu diễn khắp các nước châu Âu. Ở nơi đó, giữa dàn nhạc giao hưởng hiện đại trong khán phòng nguy nga, tráng lệ, tiếng sáo giản dị mang tiếng lòng quê hương của ông vang lên như một thứ âm nhạc không biên giới, không cách biệt văn hóa, màu da, ngôn ngữ, chỉ có những nhịp đập con tim trong lồng ngực nóng hổi và thành công hơn, nó đã chinh phục hàng nghìn khán giả tại châu Âu. Ông kể rằng, nhờ những chương trình biểu diễn trong và ngoài nước, nghề thổi sáo vẫn còn đất sống và mang lại thu nhập giúp ông trang trải kinh tế gia đình thời còn khốn khó. Tuy nhiên, để sống với nó là một câu chuyện dài, cũng lắm nỗi lo trầy trật cơm áo gạo tiền nhưng ông chưa bao giờ xem đó là rào cản và luôn cố gắng không ngừng đến hôm nay nhận danh hiệu NSND cao quý.
Nhiều người trong giới văn nghệ sĩ biết đến NSND Trịnh Mạnh Hùng không chỉ qua kỹ năng đỉnh cao thổi sáo mà họ còn biết đến ông là một nhạc sĩ trong lĩnh vực sáng tác những ca khúc về tình yêu quê hương đất nước. Ông vui vẻ nói, sau khi nghỉ hưu tại Đoàn Văn công Quân khu 5, qua tích lũy kinh nghiệm từ năm tháng gắn bó với âm nhạc, ông chuyển hướng sáng tác. Những sáng tác của ông thấm đượm tình yêu quê hương và được trao tặng nhiều giải thưởng từ Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Nhạc sĩ thành phố. Ông hào hứng khoe, gia tài sáng tác của ông đến nay gần 100 ca khúc tiêu biểu như Tình quê, Tiếng chim ca, Tiếng vọng từ đại ngàn…
Sau hơn 60 năm cống hiến cho nghề, nay đến tuổi thất thập cổ lai hy, ông hạnh phúc được nhà nước trao tặng danh hiệu NSND, đó là quả ngọt mà ông đã vun đắp, gieo trồng xen lẫn mồ hôi và nước mắt của cả tuổi trẻ. Ông bộc bạch: “Niềm vui không thể diễn tả bằng câu từ, cảm xúc, chỉ biết là vô vàn hạnh phúc và tự hào. Với tôi, đó là sự động viên vô cùng to lớn. Chỉ cần đủ sức khỏe, tôi sẽ còn cống hiến nhiều hơn nữa để đưa sáo trúc truyền thống vang danh trên bản đồ thế giới”.
Bảo tồn nhạc cụ dân tộc cho thế hệ trẻ
NSND Trịnh Mạnh Hùng bày tỏ, mỗi khi thổi sáo trên sâu khấu trong và ngoài nước, trong ông bỗng tự hào quá đỗi bởi ngày nào còn tiếng sáo vang lên thì ngày đó thanh âm dân tộc còn tồn tại, vẫn đang từng bước len lỏi và được mọi người dang rộng vòng tay đón nhận, chỉ sợ nó bị lãng quên và biến mất. Chính vì vậy, ngoài thành công trong lĩnh vực sáng tác và biểu diễn, ông nhiệt huyết tham gia công tác giảng dạy để lưu giữ bộ môn thổi sáo cho nhiều thế hệ học sinh, sinh viên tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật thành phố hay Trung tâm Nghệ thuật tình thương, cố vấn chuyên môn cho CLB Tiêu sáo Trường Đại học Bách khoa và Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) và mở lớp dạy thổi sáo tại nhà, dìu dắt nhiều học sinh đoạt giải thưởng âm nhạc về thổi sáo. Ông vui mừng khi lớp trẻ vẫn còn muốn tìm về những giai điệu truyền thống, bởi chỉ sợ nhạc cụ dân tộc sẽ nhạt phai theo sự phát triển của xã hội.
NSND Trịnh Mạnh Hùng bày tỏ: “Mấy chục năm qua, tôi đã truyền đạt kiến thức và kinh nghiệm biểu diễn sáo đến hàng nghìn học sinh, sinh viên và cả những ai yêu thích bộ môn này. Tôi mong rằng, trong tương lai, sáo trúc vẫn còn hiện diện khắp nơi trên đất nước để thế hệ trẻ biết đến mà giữ gìn, bảo tồn một loại nhạc cụ mà tôi thường gọi vui là “Lạ nhưng mà quen”.
Giữa dàn nhạc giao hưởng hiện đại trong khán phòng nguy nga, tráng lệ, tiếng sáo giản dị mang tiếng lòng quê hương của NSND Trịnh Mạnh Hùng vang lên như một thứ âm nhạc không biên giới, không cách biệt văn hóa, màu da, ngôn ngữ, chỉ có những nhịp đập con tim trong lồng ngực và thành công hơn, nó đã chinh phục hàng vạn khán giả tại châu Âu.