Thành phố khởi nguồn hạnh phúc - bài cuối: Bắt 'trend' khuấy động du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Hà Văn Siêu từng đánh giá Đà Nẵng là địa phương điển hình của đổi mới sáng tạo, luôn tìm cách để du khách trải nghiệm, thụ hưởng cảnh quan, đắm chìm trong các sự kiện, lễ hội nhiều nhất.

Thành phố bước vào mùa mưa lạnh cuối năm với thời tiết nhiều bất lợi nhưng vẫn không “ngủ vùi trong chăn” mà liên tục tung ra sản phẩm, thổi luồng khí ấm cho du lịch Đà Nẵng.

Đắm trong lễ hội

Đến Đà Nẵng công tác và lưu trú ở một khách sạn trong khu phố du lịch An Thượng (quận Ngũ Hành Sơn), chị Calliope (29 tuổi, Mỹ) tỏ ra rất thích thú vì từ đầu tháng 12, chị đã thấy rất nhiều điểm vui chơi, cửa hàng trang trí Giáng sinh, năm mới. “Nhân viên khách sạn giới thiệu cho tôi năm nay Đà Nẵng còn có lễ hội rất lớn với nhiều sự kiện liên tiếp. Thật tuyệt vời vì được tận hưởng không khí cuối năm rộn ràng, vui tươi như vậy”, chị Calliope vui mừng.

Du khách chơi lướt sóng trên biển Đà Nẵng. Ảnh: Thanh Hiền.
Du khách chơi lướt sóng trên biển Đà Nẵng. Ảnh: Thanh Hiền.

Lễ hội mà chị Calliope nhắc tới là lễ hội Đón Giáng sinh - Chào năm mới Đà Nẵng kéo dài đến 20 ngày từ giữa tháng 12 đến đầu tháng 1/2025. Đây là lần đầu tiên thành phố tổ chức chương trình Giáng sinh và đón năm mới nơi công cộng, trên quy mô lớn và nhiều sự kiện như thế này. Hai bên bờ cầu Rồng bố trí những không gian check-in với mô hình cây thông ánh sáng rực rỡ, hộp quà khổng lồ, bộ chữ Chào năm mới 2025 sắc màu. Cùng với đó là nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật, hiệu ứng hình ảnh, âm thanh và ánh sáng sống động.

Bà Nguyễn Thị Hoài An - Phó Giám đốc Sở Du lịch - chia sẻ, điểm nhấn của lễ hội là cuộc diễu hành “Vui cùng ông già Noel” từ phố đi bộ Bạch Đằng đến cây thông ánh sáng (bờ Tây cầu Rồng) kết hợp đồng diễn nhảy và hát với sự tham gia hưởng ứng đồng diễn của các doanh nghiệp du lịch, người dân và du khách trong trang phục Giáng sinh.

Dịp này, người dân và du khách cũng được tham gia phiên chợ cuối năm để mua sắm đồ thủ công, lưu niệm, các sản phẩm OCOP, trải nghiệm không gian ẩm thực Việt Nam - quốc tế với hơn 100 món ăn. Nhiều trò chơi thú vị cũng góp mặt như truy tìm quả châu, thi uống bia, ăn xúc xích nhanh, giải đố vui nhộn.... Du khách còn được trải nghiệm làm thiệp, nến, vòng nguyệt quế, lịch 2025 và chế biến các món Việt như bánh xèo, chả giò... “Thành phố đã rất nỗ lực để tạo nên chuỗi sản phẩm độc đáo, mới lạ và diễn ra liên tục để gia tăng trải nghiệm, tạo dấu ấn đặc biệt đối với người dân, du khách. Trong mùa mưa lạnh khách nội địa ít nhưng là cao điểm của khách quốc tế, cần có sản phẩm phù hợp, đáp ứng nhu cầu của họ”, bà An nói.

“Đà Nẵng nhiều năm nay đã không còn mùa du lịch thấp điểm, kể cả vào mùa mưa lạnh vẫn có nhiều chương trình, sự kiện hấp dẫn. Thành phố chỉ có mùa du lịch quanh năm và mùa cao điểm” - ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng - nói.

Dạo qua những con phố Bạch Đằng, Lê Duẩn, Trần Phú, An Thượng, Hoàng Kế Viêm..., hơi lạnh mùa đông dường như tan hẳn bởi sắc đỏ Noel từ các dãy hàng quán. Đêm về, ánh đèn chớp nháy, quả châu đầy màu sắc khiến thành phố lung linh. Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho hay, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, ẩm thực, khu điểm du lịch, siêu thị… đã trang trí theo chủ đề Giáng sinh và năm mới để tạo sự đồng bộ, hiệu ứng thu hút khách. Đồng thời triển khai các chương trình ưu đãi, quảng bá sản phẩm.

“Bắt trend” chiều khách

Đà Nẵng sẽ mở tua thưởng trà trên đỉnh Bàn Cờ, bắt “trend” tỷ phú Bill Gates. Ảnh: Thanh Hiền.
Đà Nẵng sẽ mở tua thưởng trà trên đỉnh Bàn Cờ, bắt “trend” tỷ phú Bill Gates. Ảnh: Thanh Hiền.

Một ngày đầu tháng 12, trời Đà Nẵng âm u và mưa phùn, gió thốc từng cơn lạnh lẽo, biển ngả sang màu vàng xám, mù mù. Chạy dọc biển chẳng tìm đâu ra khách nội địa, chỉ toàn gặp mấy ông bà Tây. Đến bãi biển Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn), tiếng hò hét vang lên từ bờ, phía ngoài xa lấm tấm những chấm nhỏ thoắt ẩn thoắt hiện trong con sóng lớn. Anh Charlotte (34 tuổi, Úc) nằm xoài xuống cát, vừa thở hổn hển vì mệt vừa cười nói, anh mới lướt sóng cả tiếng đồng hồ xong, pha cuối cùng bị ngã mà đuối sức nên anh bơi luôn vào.

Mới đây, UBND TP Đà Nẵng đã mời Hoa hậu Việt Nam 2022, Hoa hậu Quốc tế 2024 Huỳnh Thị Thanh Thủy làm Đại sứ Du lịch và được Hoa hậu nhận lời. Ông Hồ Kỳ Minh, Chủ tịch UBND thành phố bày tỏ mong muốn trong các chương trình, hoạt động của mình, Hoa hậu sẽ dành tình cảm và sự quan tâm cho quê hương, góp phần quảng bá Đà Nẵng là điểm đến của sự kiện và lễ hội, có nhiều cảnh quan, con người thân thiện.

“Hầu như ngày nào tôi cũng ra đây lướt sóng. Tôi không quen ai ở Đà Nẵng trước khi tới đây, nhưng giờ tôi có hàng chục người bạn ở khắp các nước nhờ xuống biển lướt sóng. Mỗi sáng, chúng tôi không cần hẹn, cứ ra biển sẽ gặp nhau”, anh cởi mở. Anh Charlotte đánh giá biển Đà Nẵng khá êm, đáy biển ít đá và san hô nên không gây nguy hiểm khi bị ngã, nhưng thích hơn cả là “view” quá đẹp, có thể nhìn thấy núi Sơn Trà xanh ngát phía xa.

Đà Nẵng thấy được tiềm năng từ môn thể thao này, nhiều năm nay cứ tới mùa biển cồn cào là tổ chức giải lướt sóng ngay trên bãi biển Mỹ An để thu hút du khách. Những vận động viên, du khách trong và ngoài nước hào hứng tham gia. Từng đường lướt mềm mại, kỹ thuật, pha nhảy ván, cưỡi đầu sóng điêu luyện khiến người xem đã mắt trầm trồ. Giải kết thúc, dư âm còn lại là sự lan tỏa về môn thể thao mạo hiểm được mọi người biết đến ngày càng nhiều, chơi càng đông “đốt nóng” bãi biển trong mùa mưa lạnh.

Hoa hậu Thanh Thủy nhận lời làm Đại sứ Du lịch cho Đà Nẵng. Ảnh: Thanh Hiền.
Hoa hậu Thanh Thủy nhận lời làm Đại sứ Du lịch cho Đà Nẵng. Ảnh: Thanh Hiền.

Ông Hà Văn Siêu - Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia - từng đánh giá Đà Nẵng là địa phương điển hình của đổi mới sáng tạo, luôn tìm cách để du khách có thể trải nghiệm, thụ hưởng các sản phẩm du lịch độc đáo, mới lạ, không để quá nhiều “thời gian chết” khi tới thành phố. Mà thực tế là vậy, hầu như năm nào Đà Nẵng cũng tung ra sản phẩm mới, “bắt trend” rất nhanh.

Mới đây, khi tỷ phú Bill Gates đến thành phố và lên bán đảo Sơn Trà ngắm cảnh thưởng trà, liền sau đó, du khách kéo lên đây bất kể nắng mưa, sương mù gió lạnh. Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng “nhanh tay” tham mưu và được Sở Du lịch đồng ý sẽ tổ chức tua thưởng trà trên đỉnh Bàn Cờ. Tour sẽ bố trí du khách đi theo các khung giờ thưởng trà đặc biệt, ít người để tránh ảnh hưởng đến khách tham quan chung. Sản phẩm này hướng đến các đối tượng khách chất lượng cao, mê trải nghiệm, thích tìm hiểu văn hóa, trà đạo…, hứa hẹn sẽ gây ấn tượng đặc biệt, đáp ứng mong muốn... thử cảm giác tỷ phú của du khách. Đây là sản phẩm mang tính đột phá của du lịch Đà Nẵng trong năm 2025.

Theo Thanh Hiền (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.