Chữa lành những vết sẹo chiến tranh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Dù tuổi đã cao, nhưng những cựu cán bộ cao cấp trong quân đội Việt Nam vẫn đau đáu với các nạn nhân của bom mìn sau chiến tranh. Hơn ai hết, những người lính dạn dày trận mạc lại tiếp tục khúc quân hành…

Các thành viên của Hội HTKPHQBM Việt Nam chụp ảnh lưu niệm cùng các em học sinh và người dân trong buổi tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức tại tỉnh Gia Lai
Các thành viên của Hội HTKPHQBM Việt Nam chụp ảnh lưu niệm cùng các em học sinh và người dân trong buổi tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức tại tỉnh Gia Lai

Gian nan vận động thành lập Hội

Đất nước đã thống nhất gần 50 năm, nhưng tại 63 tỉnh thành, hàng trăm ngàn tấn bom, mìn vẫn nằm rải rác. Năm nào cũng xảy ra các vụ tai nạn thương tâm do bom, mìn gây ra, khiến nhiều người tử vong hoặc tàn tật suốt đời.

Trước thực trạng ấy, tháng 4/2010, Thủ tướng Chính phủ cho thành lập Ban chỉ đạo Nhà nước về Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh (còn gọi là Ban chỉ đạo 504). Tuy nhiên, vẫn cần có một tổ chức làm cánh tay nối dài của Ban Chỉ đạo 504 tới những nạn nhân của bom, mìn tại các địa phương. Cái tên được chọn cho tổ chức này là Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn (HTKPHQBM) Việt Nam.

Trung tướng Nguyễn Đức Soát- Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân được chỉ định làm Chủ tịch Hội HTKPHQBM Việt Nam.

Hội có phạm vi hoạt động trên toàn quốc, nên theo quy định, phải có ít nhất 100 thành viên tự nguyện tham gia thì mới được thành lập. Một Ban Vận động thành lập Hội nhanh chóng được đề cử, gồm 10 người do Trung tướng Nguyễn Đức Soát làm Trưởng ban. Để thành lập thêm các hội, chi hội ở địa phương và vận động thêm thành viên, Ban đã đi đến hầu hết các tỉnh thành trên cả nước như Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi... để làm việc với Tỉnh ủy, UBND và các cơ quan chuyên môn. Có những tuần, Ban phải làm việc với hàng chục cơ quan, đơn vị tại hơn 10 tỉnh, thành. Để hoàn thành lượng công việc rất lớn, tác phong làm việc của Ban phải khẩn trương không khác gì bộ đội thời chiến. Toàn bộ chi phí đi lại, ăn ở đều do các thành viên của Ban vận động đóng góp.

Từ 10 người ban đầu, sau vài tháng kiên trì vận động, số lượng hội viên đã đạt 102 vào tháng 11/2014. Ngày 11/12/2014, Hội HTKPHQBM Việt Nam chính thức ra đời.

Hội HTKPHQBM Việt Nam trao tặng xe đạp cho học sinh nghèo vượt khó tại huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) trong một buổi tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về bom mìn
Hội HTKPHQBM Việt Nam trao tặng xe đạp cho học sinh nghèo vượt khó tại huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) trong một buổi tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về bom mìn

Cách làm bài bản của nhà binh

Theo Trung tướng Nguyễn Đức Soát, các nhiệm vụ chính của Hội HTKPHQBM Việt Nam bao gồm: Tuyên truyền, giáo dục về các biện pháp nhận biết, phòng tránh tác hại của bom mìn và vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ về mặt tài chính cho các nạn nhân của bom mìn sau chiến tranh. Trong đó, tuyên truyền và giáo dục là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu.

“Chúng tôi quan niệm, một đồng bỏ ra làm công tác giáo dục tuyên truyền có giá trị bằng hàng triệu đồng bỏ ra làm công tác hỗ trợ sinh kế. Có thể phải mất hàng trăm năm để làm sạch toàn bộ khu vực bị ô nhiễm bom mìn tại Việt Nam. Do đó, chúng ta cần giải pháp có hiệu quả lâu dài, chứ không chỉ giải quyết các vấn đề trước mắt”, Đại tá Vũ Quốc Bình - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên truyền vận động của Hội chia sẻ.

Theo ông Bình, khu vực trọng tâm của công tác tuyên truyền, giáo dục là những vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới… Còn đối tượng trung tâm sẽ là các em học sinh từ tiểu học tới trung học phổ thông. Bởi, các em được đọc, hiểu tiếng Kinh nên có khả năng tiếp thu tốt hơn, chưa phải đi làm nên có nhiều thời gian học hỏi hơn. Sau đó, các em còn có thể mang kiến thức đã học về nhà truyền đạt lại cho ông bà, cha mẹ.

“Trong những chuyến đi hỗ trợ nạn nhân, Hội thường kết hợp tổ chức những buổi tuyên truyền, giáo dục về các biện pháp nhận biết và phòng tránh tác hại của bom mìn tại nhà văn hoá hoặc các trường học. Mỗi buổi thường có khoảng 200 - 300 người tham gia, phần lớn là các em học sinh. Các em sẽ được học cách nhận biết các loại bom, mìn, đầu đạn; nguyên nhân gây ra các vụ tai nạn bom mìn; cách xử lý khi phát hiện bom, mìn; cuối cùng là giải các bài tập tình huống”, ông Bình cho biết.

Không chỉ vậy, Hội còn phối hợp nhiều đơn vị khác để sản xuất một bộ truyện tranh với chủ đề giáo dục, nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom mìn sau chiến tranh, dành cho học sinh tiểu học. Theo ông Bình, hiện 3.000 bộ truyện (tương đương 33.000 cuốn truyện tranh) đã được phát hành miễn phí tại các trường học ở những vùng bị ô nhiễm bom mìn nặng.

Theo thống kê của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, hiện nay, vẫn còn 5,6 triệu ha đất (tương đương 17,71% diện tích của cả nước) bị ô nhiễm bom mìn. Lượng bom, mìn nằm rải rác tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó tập trung nhiều tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và miền Đông Nam bộ.

Đến nay, Hội HTKPHQBM Việt Nam có tổng cộng 1.515 hội viên ở khắp các tỉnh thành trên cả nước. Hội cũng đã thành lập 20 chi hội ở các tỉnh, thành phố trọng điểm.

Các em học sinh cầm trên tay bộ truyện tranh giáo dục, nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom mìn sau chiến tranh
Các em học sinh cầm trên tay bộ truyện tranh giáo dục, nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom mìn sau chiến tranh

Khúc quân hành lặng lẽ

Do không phải hội có tính chất đặc thù, nên từ trước đến nay, Hội HTKPHQBM Việt Nam không được hưởng phụ cấp của Nhà nước. Toàn bộ kinh phí hoạt động đều dựa trên sự đóng góp của các thành viên trong hội và kêu gọi tài trợ. Hoạt động của Hội vì thế rất khó khăn, phức tạp, nhất là các thành viên cốt cán đều đã cao tuổi. Chẳng hạn, Trung tướng Nguyễn Đức Soát đã bước qua tuổi 80 và Đại tá Vũ Quốc Bình cũng đã ngoài 70 tuổi.

“Là cán bộ trong quân đội, chúng tôi có điều kiện được học, tiếp thu nhiều kiến thức về phòng chống tác hại của bom, mìn. Trong khi đó, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa hầu như không hiểu biết về vấn đề này. Vì vậy, mình nên truyền đạt các kiến thức có ích tới những người kém may mắn hơn”, Đại tá Vũ Quốc Bình nói.

Còn với Trung tướng Nguyễn Đức Soát, ông từng là Phó Chủ tịch thường trực của Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Hồi ấy, cứ chỗ nào có bão, lụt là ông có mặt, bất kể đi trực thăng, đi xuồng hay lội bộ trong dòng nước lũ. Vì vậy, ông rất hiểu hoàn cảnh khó khăn của người dân ở những vùng sâu, vùng xa. “Trong kháng chiến chống Mỹ, tôi từng là một phi công tiêm kích, từng chiến đấu không tiếc tuổi xanh để bảo vệ dân tộc. Vậy nên, trong thời bình, việc tiếp tục giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả chiến tranh là một trách nhiệm mà đương nhiên tôi phải làm”, Trung tướng Nguyễn Đức Soát chia sẻ.

Và động lực quan trọng nhất với các ông là vẫn còn rất nhiều tổ chức, cá nhân đang tự nguyện quyên góp, trợ giúp trong các hoạt động của Hội. Họ có thể là lãnh đạo tỉnh, thành phố; lãnh đạo hoặc phóng viên của các cơ quan báo chí truyền thông; các doanh nghiệp; những cá nhân có tấm lòng hảo tâm… Khi tâm nguyện hướng về hòa bình, an lành cho mọi người đang nảy mầm và đơm hoa kết trái, làm sao những người gieo mầm có thể dừng lại.

Theo Việt Thắng (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.