Người trẻ lấy binh làm nghiệp - kỳ 2: Nhà thơ và mơ ước sỹ quan chính trị

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

“Trở thành một sinh viên mặc áo lính, được học tập, rèn luyện dưới mái trường Quân đội là một niềm tự hào hết sức to lớn đối với bản thân và gia đình.

Niềm tự hào ấy gắn liền với trách nhiệm của mình trong việc học tập, rèn luyện, để trở thành người chính trị viên mẫu mực, góp phần phát huy truyền thống của nhà trường, của Quân đội anh hùng”, Trần Việt Hoàng (22 tuổi, học viên năm cuối Trường Sĩ quan Chính trị) chia sẻ.

Tự hào được khoác màu xanh áo lính

Trần Việt Hoàng sinh ra trong gia đình thuần nông, bố mất khi Hoàng lên ba, một mình mẹ nuôi em khôn lớn. Trong quá trình học tập, Hoàng luôn phấn đấu để trở thành học sinh xuất sắc, sự cố gắng đó giúp Hoàng đạt giải Ba học sinh giỏi Quốc gia môn Ngữ văn năm 2020. Trần Việt Hoàng cho hay, chính những trải nghiệm qua các tác phẩm văn học viết về người lính thời phổ thông đã làm em thêm yêu quý hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ và tự hào về truyền thống của Quân đội.

Tập thơ “Ngày chưa sương vội”
Tập thơ “Ngày chưa sương vội”

Truyền thống ấy tiêu biểu cho khí chất, cốt cách của con người Việt Nam, sức mạnh Việt Nam. Từ truyền thống đó đã thôi thúc Hoàng phấn đấu thành sĩ quan chuyên nghiệp. “Em vinh dự đoạt giải Ba học sinh giỏi Quốc gia, được tuyển thẳng vào nhiều trường đại học trong cả nước. Thời điểm ấy em có rất nhiều sự lựa chọn, nhưng vì yêu màu xanh áo lính, yêu truyền thống của Quân đội em đã chọn Trường Sĩ quan chính trị. Đó là một môi trường sư phạm quân sự hết sức đặc thù, nhưng sẽ là một môi trường học tập hấp dẫn để thử thách bản thân, nơi mình có thể tạo ra những bước ngoặt mới, giới hạn mới”, Việt Hoàng chia sẻ.

Nhà thơ trẻ Trần Việt Hoàng
Nhà thơ trẻ Trần Việt Hoàng

“Viết về đề tài người lính đặc biệt là người lính hôm nay, em không chỉ là việc ghi lại những trăn trở trong cảm xúc của mình và cao hơn còn là trách nhiệm. Thơ ca sẽ đóng góp một phần quan trọng trong việc phản ánh, thể hiện sống động hình ảnh người chiến sĩ hôm nay. Vẻ đẹp của hình tượng này luôn lấp lánh, gợi dậy những rung ngân cho tất cả mỗi người khi nghĩ về”.

Trần Việt Hoàng

Được trở thành một sinh viên mặc áo lính, được học tập, rèn luyện dưới mái trường Sĩ quan Chính trị, để mai này trở thành người chính trị viên trong Quân đội là một niềm tự hào hết sức to lớn với bản thân và gia đình. Và niềm tự hào ấy gắn liền với trách nhiệm của bản thân trong việc học tập, rèn luyện, góp phần phát huy truyền thống của Quân đội anh hùng.

Trong những sáng tác của mình Hoàng thường tập trung vào đề tài quê hương, đất nước, người lính và chiến tranh cách mạng. Các đề tài này trở đi trở lại trong các sáng tác của người học viên trẻ tuổi với những lát cắt và khoảnh khắc khác nhau. Đó chính là hai vùng hiện thực khiến Hoàng có nhiều cảm hứng sáng tạo.

Trần Việt Hoàng (thứ 2 bên phải) cùng đồng đội gói bánh chưng đón xuân
Trần Việt Hoàng (thứ 2 bên phải) cùng đồng đội gói bánh chưng đón xuân

“Với mục tiêu, yêu cầu đào tạo của nhà trường là tạo ra đội ngũ cán bộ chính trị - người chủ trì về hoạt động công tác Đảng, công tác Chính trị trong toàn quân. Nói một cách hình ảnh, người cán bộ chính trị chính là những “Linh hồn”, “Mạch sống”, “Người sĩ quan tâm hồn” trong Quân đội. Điều đó, khiến em thấy rõ hơn ưu thế riêng của văn chương trong việc tác động trực tiếp đến đời sống tư tưởng, tâm hồn người chiến sĩ, “khơi dậy những tình cảm chưa có” và “luyện những tình cảm sẵn có”, để người chiến sĩ hôm nay có thể có được một đời sống tâm hồn phong phú dẫu cho hoạt động huấn luyện sẵn sàng chiến đấu hết sức khó khăn, vất vả”, Việt Hoàng tâm sự.

Người lính trở thành cảm hứng sáng tác

Trần Việt Hoàng mong muốn mình có thể dùng những tác phẩm để song hành với những sáng tác của các thế hệ trước giáo dục, bồi dưỡng những hệ giá trị chân - thiện - mỹ cho bộ đội. Từ đó, họ xác định tốt hơn trách nhiệm của mình, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ, đấy chính là cội nguồn sâu thẳm khiến Hoàng sáng tác thơ ca. “Là một người viết trẻ trong Quân đội, điều đau đáu đối với Hoàng chính là đề tài về người lính, chiến tranh cách mạng. Trong tập thơ đầu tay “Ngày chưa sương vội”, đi từ những thao thức trong vùng kí ức quê hương, gia đình, đến những trải nghiệm, chiêm nghiệm của bản thân về cuộc sống và đến con đường mình đang đi. Men theo chiều dọc ấy, Hoàng đã kết cấu tập thơ thành bốn phần: “Gầy rạc thác lên ánh trăng”, “Tự họa”, “Chứng nhân cho nhiều trắc ẩn” và “Còn cỏ sắc thì thầm”.

“Trong đó, “Còn cỏ sắc thì thầm”, em tập trung ngòi bút của mình để thể hiện những cảm xúc của bản thân về đề tài chiến tranh cách mạng và người lính hôm nay. Với đặc trưng của thơ ca chính là sự cô đọng của khoảnh khắc, sự hàm súc của ngôn ngữ và khả năng khơi gợi liên tưởng, mỗi tác phẩm em luôn cố gắng thể hiện một góc nhìn của chính mình về đề tài này…”, Hoàng cho hay.

Khi viết về đề tài chiến tranh cách mạng, Hoàng đi vào việc khơi gợi những nỗi đau của chiến tranh như trong bài thơ “Viết ở Đồng Lộc”, về 10 cô gái Ngã 3 huyền thoại này: “Lược giờ chải tóc những ngọn núi/Mười ngôi mộ bồ kết rưng rưng/ Con đường giấu tàn tích vào trong/ Nắng Đồng Lộc hong ấm hồi ức/ Cỏ thao thức miệng hố bom/ Những non xanh lặng lẽ… ; hoặc trong bài thơ “Khúc ca tháng Bảy” lại mang đến một cảm nhận khác: “Những người mẹ chưa bao giờ ra đi/ Sau cuộc chiến vẫn trở về/ Họ đã mang thêm một khuôn mặt/ Tháng Bảy chung nhau màu nước mắt”.

Trong bài thơ “Khoảng lặng”, Hoàng viết về sự hi sinh của một người lính trẻ trong cơn bão Yagi vừa qua khi thực hiện nhiệm vụ: “Câu chuyện trước mặt thực hơn cả giấc mơ/ Mưa trắng nhòe mắt quê/ Khói bếp đêm khuya thao thức vẽ người/ Người lính trở về sau bão/ trên vai này thêm những vì sao...”. Bài thơ “Điểm tựa”, viết về những người lính Biên phòng trên tuyến biên giới: “Ngô nghiêng mình ngả màu lên áo lính/ Ruộng bậc thang nhìn dấu chân người về/ Con đường lau lách mờ sương/ Gió mang hương biên giới/ Bản làng bảng lảng khói lam”. Những người lính đặc công huấn luyện trong môi trường hết sức khắc nghiệt và ngời sáng trong bài “Dấu lửa”: Người lính đặc công qua lửa bằng niềm tin/ Lòng xanh như trái núi bốn mùa/ Vòng lửa sáng lên phía điểm cuối con đường/ Bước chân lạnh sắc/ Dấu lửa gọi nhau nhen nhóm những hình hài”…

Sự hi sinh của những người lính thời bình vẫn luôn gợi dậy những ám ảnh sâu sắc, để mỗi người thấy rõ thêm phẩm chất hết sức cao quý của Bộ đội Cụ Hồ. Thực tế, sự hi sinh của 12 chiến sĩ trong đợt diễn tập ở Quân khu 7 vừa qua đã minh chứng cho điều đó. Và Hoàng cũng đã kịp thời ghi lại được những cảm xúc của mình trong những câu thơ như thế này: Chinh chiến qua rồi lính chỉ còn hình dung/ Không biết đêm thâu sẽ trôi vào định mệnh/ Tiếng nổ vượt thoát giới hạn/ Đêm cạn rồi sao phía ấy đầy thêm/ Đất mặn quá/ Hoa trắng rũ rời/ Đất đỏ phơi những giấc mơ đỏ/Cỏ thêm một lần bao dung.

(Còn nữa)

Theo Viết Hà (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.