Cảnh báo tình trạng cháy nhà sàn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Nhà sàn là nét văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc bản địa Tây Nguyên. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tại khu vực Đông Nam tỉnh liên tục xảy ra các vụ cháy nhà sàn mà phần lớn nguyên nhân đến từ sự bất cẩn của người dân trong sinh hoạt hàng ngày.
9 tháng, 12 vụ cháy nhà sàn
Vụ cháy nhà sàn mới đây nhất xảy ra vào lúc 11 giờ 2 phút ngày 26-8-2019 tại nhà chị Ksor H'Lang (SN 1997, trú buôn Ma H'Rrai, xã Ia Hiao, huyện Phú Thiện). Khi chị H'Lang vừa nấu cơm trưa xong, mới có việc ra chưa đến đầu làng đã nghe tiếng bà con hô hoán cháy nhà. Mọi người trong làng xách theo xô, chậu nhằm hướng có tiếng tri hô mà chạy đến. Chị H'Lang hớt hải chạy theo về đến nhà thì 2 chân khuỵu xuống đất. Dân làng hò nhau xách nước dập lửa, nhưng ngọn lửa cứ theo gió, nắng hanh mà bùng cao, bao trùm hết căn nhà sàn bằng gỗ rộng hơn 70 m2 của gia đình.
Khoảng 20 phút sau khi phát hiện đám cháy, Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ khu vực Ayun Pa đã điều 2 xe chữa cháy chuyên dụng cùng 17 cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường để dập tắt đám cháy, chống cháy lan sang các nhà dân xung quanh. Đến 12 giờ 45 phút cùng ngày, đám cháy được dập tắt hoàn toàn. Tuy nhiên, toàn bộ căn nhà sàn bằng gỗ lợp tôn của gia đình chị H'Lang cùng hầu hết các vật dụng sinh hoạt đã bị thiêu rụi. Chị H'Lang ngồi thẫn thờ, nhẩm tính thiệt hại hơn 210 triệu đồng. Theo cơ quan chức năng, nguyên nhân vụ cháy là do gia đình chị H'Lang bất cẩn trong sử dụng lửa. Ngọn lửa từ bếp nấu ăn của gia đình do chưa được dập tắt hoàn toàn nên đã bùng lên gây thiệt hại nghiêm trọng.
 Ngôi nhà sàn của chị Nay HTươi (tổ 8, phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa) sau vụ cháy. Ảnh: Đ.P
Ngôi nhà sàn của chị Nay H'Tươi (tổ 8, phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa) sau vụ cháy. Ảnh: Đ.P
Theo thống kê, trong 9 tháng qua, trên địa bàn 4 huyện, thị xã khu vực Đông Nam tỉnh đã xảy ra 15 vụ cháy, tổng thiệt hại hơn 3 tỷ đồng. Trong đó có đến 12 vụ cháy nhà sàn, làm chết 1 người, thiệt hại tài sản hơn 2,8 tỷ đồng. Cụ thể, huyện Phú Thiện xảy ra 4 vụ, Ia Pa xảy ra 3 vụ, Krông Pa 3 vụ và thị xã Ayun Pa 2 vụ. 
Trung tá Nguyễn Kỳ Á-Phó Đội trưởng phụ trách Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ khu vực Ayun Pa-cho hay: Có nhiều vụ cháy nhà rất thương tâm. Chẳng hạn như vụ cháy xảy ra vào lúc 22 giờ 45 phút ngày 20-4-2019 tại nhà bà Kpă H'Mranh (SN 1967, trú buôn Ia R'Niu, xã Ia Broăi, huyện Ia Pa). Chỉ 10 phút sau khi nhận được tin báo, Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ khu vực Ayun Pa đã có mặt tại hiện trường để triển khai phương án chữa cháy. Nhưng vì đám cháy diễn ra vào ban đêm, nhà sàn toàn bằng gỗ nên ngọn lửa bùng phát rất nhanh, thiêu rụi toàn bộ căn nhà. Lực lượng chữa cháy chỉ kịp dập ngọn lửa và phòng-chống cháy lan sang các nhà sàn liền kề. Hậu quả, căn nhà sàn 2 gian bằng gỗ, rộng 40 m2 cùng toàn bộ tài sản, vật dụng sinh hoạt của gia đình bà H'Mranh bị thiêu rụi, 3 con bò cột dưới gầm nhà sàn cũng chết cháy. Đau lòng hơn, khi kiểm tra hiện trường, mọi người đau đớn phát hiện 1 cháu bé 4 tuổi đã tử vong. 
Cần bố trí lại bếp lửa nhà sàn
Đối với người đồng bào Jrai và Bahnar ở Tây Nguyên, hình ảnh bếp lửa nhà sàn đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa đặc trưng. Ông Rô Du-già làng buôn Bầu (xã Ia Kdăm, huyện Ia Pa) bày tỏ: “Nhà sàn của đồng bào Jrai mình phải có bếp lửa kê ở trên sàn nhà mới tạo cảm giác ấm áp, no đủ”. Tuy nhiên, cách bố trí bếp lửa của bà con là thường kê bếp để đun nấu trực tiếp trên sàn nhà bằng gỗ, phía trên bếp lại có các chạn bằng gỗ rất gần với lửa để treo thịt heo gác bếp, gùi, rổ rá bằng tre, nứa… rất dễ bắt lửa, gây hỏa hoạn.
Bà Rmah H'Yoan (buôn Ma Lim 1, xã CHư Mố) bên bếp lửa nhà sàn.Ảnh: Đ.P
Bà Rmah H'Yoan (buôn Ma Lim 1, xã CHư Mố) bên bếp lửa nhà sàn. Ảnh: Đ.P
Trung tá Nguyễn Kỳ Á cảnh báo, các vụ cháy nhà sàn của đồng bào dân tộc thiểu số vừa qua hầu hết có nguyên nhân từ sự bất cẩn trong sử dụng lửa. Có nhà ở huyện Phú Thiện, chủ nhà nấu cơm xong dập lửa rồi đi công việc, nhưng bếp lửa vẫn còn than cháy âm ỉ bên dưới mà không biết. Đến lúc mỡ thịt heo gác trên bếp nhỏ xuống gặp than hồng liền bùng cháy. Ngọn lửa bắt vào đồ gỗ, vật dụng dễ cháy gần kề dẫn đến cháy nhà. Hoặc như đám cháy xảy ra ngày 1-3-2019 ở nhà chị Nay HTươi (SN 1984, trú tại tổ 8, phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa). Hôm ấy, chị HTươi vắng nhà, giao cho con gái nhỏ ở nhà nấu cơm tối. Nấu xong cháu dập lửa qua quýt rồi chạy sang nhà hàng xóm coi nhờ ti vi. Đến lúc ngọn lửa từ bếp bùng lên thì đã không thể cứu vãn căn nhà sàn rộng gần 40 m2.
Ngoài ra, chập điện cũng là nguyên nhân gây cháy nhiều nhà sàn trong thời gian vừa qua. Theo Trung tá Nguyễn Kỳ Á, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở nhà sàn gỗ nhưng hệ thống điện trong nhà đều tự mắc sơ sài, các mối nối không đảm bảo nên dễ xảy ra chập điện, gây cháy nhà. Cùng với đó, các vụ cháy nhà sàn thường gây thiệt hại nặng nề do người dân bản địa thường tận dụng gầm nhà sàn để làm kho lúa, nơi cất giữ xe máy, tư liệu sản xuất, thậm chí nhốt heo, bò, làm nơi cất trữ củi, rơm… nên khi đám cháy bùng lên thì không kịp di chuyển tài sản.
Do vậy, Trung tá Nguyễn Kỳ Á gợi ý bà con nên thiết kế lại bếp lửa nhà sàn bằng cách dùng một tấm bê tông đủ rộng kê trên sàn gỗ, sau đó đặt một máng bằng tôn dày lên trên để gom than rồi mới kê bếp lửa lên máng nhằm cách ly lửa, than với sàn nhà bằng gỗ. Cùng với đó, không nên kê các chạn gỗ, gác bếp quá thấp và gần bếp để phòng bắt lửa, gây cháy nhà. Người dân cũng không nên chất củi, rơm và các thứ dễ cháy dưới gầm nhà sàn.
ĐỨC PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm