(GLO)- Gia Lai có hơn 216.153 ha rừng nằm trong vùng có nguy cơ cao xảy ra cháy, chiếm 34,13% diện tích đất có rừng. Vì vậy, bước vào mùa khô 2020-2021, các ngành, địa phương và đơn vị chủ rừng đã triển khai quyết liệt các giải pháp phòng-chống cháy rừng nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.
Nhiều diện tích rừng nguy cơ cháy cao
Toàn tỉnh hiện có 633.325 ha đất có rừng, trong đó có 543.131 ha rừng tự nhiên và 90.193 ha rừng trồng. Trong số này, diện tích rừng có nguy cơ xảy ra cháy lên đến 216.153,88 ha, tập trung chủ yếu ở diện tích rừng trồng, rừng rụng lá, rừng hỗn giao tre nứa… với thảm thực bì như cỏ tranh, đuôi chồn, lau lách, cành khô, lá rụng được tích tụ nhiều, phân bổ ở những khu vực khí hậu khắc nghiệt, gần khu dân cư sinh sống, đường giao thông và khu vực nương rẫy do người dân sản xuất. Đến nay, cơ quan chuyên môn đã xác định được khoảng 286 vùng trọng điểm cháy rừng, chủ yếu tại các huyện: Chư Păh, Ia Grai, Mang Yang, Đak Đoa, Chư Prông, Đức Cơ…
Ông Phạm Minh Phụng-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Păh-cho biết: Qua rà soát, huyện xác định được 14 vùng trọng điểm có nguy cơ cháy với diện tích 6.009,5 ha. Trong đó, các đơn vị chủ rừng quản lý 10 vùng trọng điểm cháy với diện tích 3.296,6 ha, các xã quản lý 4 vùng trọng điểm cháy với diện tích 2.712,9 ha. Hầu hết diện tích này nằm gần khu dân cư và các tuyến đường liên thôn, xã cùng các khu vực sản xuất nương rẫy của người dân và diện tích rừng trồng nên nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao.
Người dân nhận khoán và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Ly phát dọn thực bì. Ảnh: Nguyễn Diệp |
Còn ông Nguyễn Tất Thành-Phó Trưởng ban phụ trách Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ-cho hay: “Diện tích rừng đơn vị quản lý trải dài trên địa bàn 18 xã, phường, thị trấn của huyện Chư Păh, Ia Grai và TP. Pleiku với hơn 9.000 ha. Đặc biệt, diện tích rừng phòng hộ trồng thông 3 lá khoảng 3.500 ha nên mỗi khi mùa khô đến thì nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao. Qua nhiều năm theo dõi, đơn vị đã xác định 6 khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng ở các xã: Hòa Phú, Nghĩa Hưng, Chư Đang Ya, thị trấn Phú Hòa (huyện Chư Păh), phường Chi Lăng và xã Ia Kênh (TP. Pleiku). Ngay từ đầu mùa khô năm nay, lực lượng quản lý, bảo vệ rừng của đơn vị đã túc trực 24/24 giờ nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời các đám cháy, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại. Hiện nay, đơn vị đang triển khai làm đường ranh cản lửa, các công trình phòng-chống cháy rừng, phát đốt thực bì có điều khiển”.
Quyết liệt phòng-chống cháy rừng
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, đầu mùa khô 2020-2021, nguy cơ xảy ra cháy rừng đang ở cấp độ 3-4. Công tác phòng-chống cháy rừng đang được các ngành, địa phương và đơn vị chủ rừng quyết liệt triển khai thực hiện nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại gây ra.
Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, mùa khô 2019-2020, toàn tỉnh xảy ra 5 vụ cháy rừng gây thiệt hại khoảng 35,7 ha. Trong đó, 8,5 ha rừng trồng đã thành rừng; 11,38 ha keo, bạch đàn của người dân; 8,7 ha rừng trồng chưa thành rừng và 7,05 ha bị cháy thực bì dưới tán rừng thông và rừng tự nhiên có khả năng phục hồi. |
Cơ quan chuyên môn và các đơn vị chủ rừng xác định có nhiều nguyên nhân dẫn đến các vụ cháy rừng trong những năm qua. Cụ thể, một bộ phận người dân tộc thiểu số vào rừng săn bắn, khai thác lâm sản phụ; diện tích rẫy sản xuất của người dân ở một số khu vực đan xen trong rừng, ý thức sử dụng lửa còn hạn chế, bất cẩn, dễ gây cháy rừng. Bên cạnh đó, năng lực của lực lượng làm công tác phòng cháy, chữa cháy rừng còn hạn chế. Đặc biệt, kinh phí đầu tư các công trình phòng cháy, chữa cháy rừng chưa đáp ứng yêu cầu mà chỉ tập trung ở các vùng trọng điểm cháy.
Ông Nguyễn Tất Thành thông tin thêm: “Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nguy cơ xảy ra cháy rừng. Đặc biệt, nhiều diện tích rừng do đơn vị quản lý nằm trên những triền đồi dốc, lượng thực bì quá nhiều trong khi lực lượng quản lý, bảo vệ rừng chỉ có 13 người, trong đó có 8 người trực tiếp làm công tác phòng cháy chữa cháy rừng nên gặp nhiều khó khăn khi xảy ra cháy rừng”.
Trao đổi với P.V, ông Trương Văn Nam-Trưởng phòng Quản lý, bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên (Chi cục Kiểm lâm tỉnh) cho biết: Hàng năm, vào đầu mùa khô, Chi cục tham mưu giúp UBND tỉnh và Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành văn bản chỉ đạo, đôn đốc các sở, ngành, địa phương và đơn vị chủ rừng triển khai thực hiện nghiêm các biện pháp phòng-chống cháy rừng. Bên cạnh đó, củng cố, kiện toàn các Ban Chỉ huy phòng-chống cháy rừng các cấp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng-chống cháy rừng cho người dân; tổ chức diễn tập chữa cháy rừng để địa phương, đơn vị chủ rừng và người dân nâng cao ý thức trong quản lý, bảo vệ rừng và phòng-chống cháy rừng. Nhờ đó, những năm gần đây, thiệt hại về tài nguyên rừng giảm so với trước.
Thời gian tới, các địa phương và đơn vị chủ rừng tiếp tục thực hiện các hạng mục phòng-chống cháy rừng; thực hiện nghiêm công tác tuần tra, túc trực 24/24 giờ ở những khu vực có nguy cơ cao xảy ra cháy; tập trung huy động lực lượng tại chỗ nhằm kịp thời phát hiện, dập tắt không để xảy ra cháy lớn; kiểm soát, giám sát chặt chẽ hoạt động sản xuất nương rẫy. Đặc biệt, phối hợp điều tra, xử lý các vụ cháy rừng theo quy định của pháp luật.
NGUYỄN DIỆP