Cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Trong 2 ngày 11 và 12-7, đoàn công tác của Bộ Y tế đã kiểm tra thực tế công tác phòng-chống dịch sốt xuất huyết (SXH) tại huyện Ia Grai, vấn đề thu dung điều trị bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai và làm việc với Sở Y tế về tình hình dịch SXH trên địa bàn tỉnh.

Số ca mắc tăng 3 lần so với cùng kỳ

Ông Rơ Mah Huân-Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh-cho biết: Từ đầu năm đến ngày 11-7, Gia Lai ghi nhận 1.332 ca mắc SXH; trong đó, 1 trường hợp tử vong. Các địa phương có số ca mắc SXH cao gồm: Ia Grai 228 ca, Chư Pưh 163 ca, TP. Pleiku 145 ca… Tỷ lệ mắc SXH trong 7 tháng đầu năm nay là 86 ca/100.000 dân. Dịch bệnh xảy ra tại 302 thôn, làng ở 123 xã, phường, thị trấn của 17 huyện, thị xã, thành phố. Hiện Gia Lai đang lưu hành 3 tuýp SXH gồm: Den I, Den II và Den IV.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh có 354 ổ dịch; trong đó, 298 ổ dịch đã được xử lý, hiện 126 ổ dịch đang hoạt động. “Nhìn chung, tình hình dịch bệnh SXH tăng 3 lần so với cùng kỳ năm 2021. Dự báo năm nay sẽ bùng phát dịch bệnh SXH, cao điểm rơi vào tháng 8 và 9 theo chu kỳ. Do đó, tình hình sẽ rất phức tạp trong thời gian tới”-Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thông tin.

 Từ đầu năm đến ngày 11-7, toàn tỉnh ghi nhận 1.332 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 3 lần so với cùng kỳ năm 2021. Ảnh: Như Nguyện
Từ đầu năm đến ngày 11-7, toàn tỉnh Gia Lai ghi nhận 1.332 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 3 lần so với cùng kỳ năm 2021. Ảnh: Như Nguyện


Kiểm tra thực tế tại xã Ia Krai (huyện Ia Grai), đoàn đã ghi nhận có đến 110 ca mắc SXH, chiếm gần 50% số ca mắc của toàn huyện. Tiến sĩ Bùi Khánh Toàn-Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, trưởng đoàn công tác-nhận định: Dịch SXH ở xã Ia Krai nói riêng và huyện Ia Grai nói chung đã ở mức cảnh báo cao, nguy cơ dịch có thể bùng phát và lan rộng trong thời gian tới. Tuy số ca mắc hiện nay đang giảm dần nhưng công tác phòng-chống SXH không thể chủ quan, lơ là. Để kiểm soát và khống chế dịch trong những ngày tới, đề nghị chính quyền, ngành Y tế huyện cần xây dựng kế hoạch phòng-chống dịch sát với tình hình thực tế của địa phương. Trước hết là phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh xác định rõ nguyên nhân vì sao số ca bệnh gia tăng nhanh, đồng thời xác định chính xác chỉ số véc tơ truyền bệnh SXH. Trên cơ sở đó, đưa ra giải pháp cụ thể trong xử lý ca bệnh cũng như xử lý ổ dịch hiện nay. Bên cạnh đó, cần huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và phải làm thật tốt công tác diệt lăng quăng/bọ gậy tại từng hộ gia đình, ngoài việc phun hóa chất xử lý ổ dịch.

Nâng cao cảnh giác phòng-chống dịch

Báo cáo về công tác thu dung, điều trị SXH tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, bác sĩ Nguyễn Tấn Phúc-Phó Giám đốc Bệnh viện-cho biết: Từ ngày 9-5 đến nay, Khoa Bệnh nhiệt đới đã thu dung, điều trị 144 bệnh nhân mắc SXH; trong đó, 60 trường hợp có dấu hiệu cảnh báo. Đặc biệt, có 4 ca sốc SXH trên bệnh lý nền và đã có 1 ca tử vong. “Dự lường nguy cơ dịch SXH có thể bùng phát và tăng cao, Bệnh viện đã chủ động nguồn thuốc, vật tư, sinh phẩm phục vụ công tác thu dung, điều trị cơ bản đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất mà Khoa Bệnh nhiệt đới đang gặp phải là thiếu nhân lực, hiện chỉ có 3 bác sĩ”-bác sĩ Phúc nói.

 Tiến sĩ Bùi Khánh Toàn (bìa trái)-Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên kiểm tra bể chứa nước tại một hộ gia đình ở xã Ia Krai (huyện Ia Grai). Ảnh: Như Nguyện
Tiến sĩ Bùi Khánh Toàn (bìa trái)-Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên kiểm tra bể chứa nước tại một hộ gia đình ở xã Ia Krai (huyện Ia Grai). Ảnh: Như Nguyện


Tại buổi làm việc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đề xuất Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh tăng cường tập huấn chuyên môn điều trị SXH cho các y-bác sĩ. Trong đó có việc mở lớp tập huấn riêng cho đội ngũ điều dưỡng tại Gia Lai, giúp họ nâng cao năng lực chuyên môn. Trong khi đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cũng kiến nghị Cục Y tế dự phòng, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên hỗ trợ hóa chất diệt muỗi, máy phun... tạo điều kiện để các đơn vị chủ động triển khai các hoạt động phòng-chống dịch.

Qua kiểm tra thực tế và làm việc với Sở Y tế, Tiến sĩ Bùi Khánh Toàn nhấn mạnh: Sốt xuất huyết là bệnh lưu hành hàng năm, vì vậy, ngành Y tế tỉnh liên tục cập nhật tình hình, hướng dẫn, đôn đốc công tác phòng-chống dịch, triển khai các chiến dịch mang tính chất cộng đồng để đạt hiệu quả. Sốt xuất huyết đang bùng phát, ghi nhận cả ở những xã vùng xâu, vùng xa, vùng dân cư thưa thớt. Để ngăn chặn, Gia Lai đã triển khai các biện pháp phòng-chống dịch cơ bản đồng bộ, tinh thần khẩn trương. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế ngay tại ổ dịch xã Ia Krai cho thấy, nhận thức của người dân còn chủ quan, lơ là, vẫn còn các ổ lăng quăng/bọ gậy ngay tại hộ gia đình; người dân cũng chưa chủ động diệt lăng quăng/bọ gậy, phòng-chống SXH.

Để phòng-chống SXH hiệu quả, Tiến sĩ Bùi Khánh Toàn đề nghị Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch của tỉnh nhanh chóng triển khai các biện pháp phòng-chống dịch mang tính cộng đồng, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Đẩy mạnh tuyên truyền tác hại của bệnh, cách phòng-chống một cách sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, cơ quan, đơn vị. Song song với tuyên truyền là phát động các chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy tại từng hộ gia đình, đồng thời xử lý các ổ dịch một cách triệt để. Triển khai tốt công tác điều tra, giám sát ca bệnh, thu dung, điều trị bệnh nhân SXH, giảm tỷ lệ tử vong. Chú trọng công tác xét nghiệm vì đây là kênh giám sát ca bệnh SXH để có biện pháp phòng-chống, điều trị hiệu quả. Địa phương chủ động kinh phí mua sắm hóa chất, sinh phẩm, vật tư y tế để đảm bảo công tác phòng-chống dịch, tránh bị động khi dịch bùng phát.

 

NHÓM PHÓNG VIÊN

 

Có thể bạn quan tâm

Nâng cao năng lực chăm sóc và hồi sức trẻ sơ sinh

Nâng cao năng lực chăm sóc và hồi sức trẻ sơ sinh

(GLO)- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai phối hợp với Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Nhi tỉnh vừa tổ chức 2 lớp đào tạo về chăm sóc trẻ sơ sinh bệnh lý và hồi sức trẻ sơ sinh cho 40 cán bộ y tế tuyến huyện trên địa bàn tỉnh.

Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai triển khai hiệu quả kỹ thuật lọc máu liên tục trong hồi sức cấp cứu

Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai triển khai hiệu quả kỹ thuật lọc máu liên tục trong hồi sức cấp cứu

(GLO)- Đi vào hoạt động, Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai không ngừng đầu tư đồng bộ về mọi mặt, triển khai nhiều kỹ thuật cao trong điều trị. Trong đó, kỹ thuật lọc máu liên tục trong hồi sức cấp cứu được đơn vị triển khai hiệu quả cứu sống nhiều ca bệnh nặng, nguy kịch.

Buổi hiến máu thu hút đông đảo người dân huyện Ia Pa tham gia. Ảnh: Vũ Chi

Ia Pa tiếp nhận 316 đơn vị máu an toàn

(GLO)- Sáng 28-10, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Khoa Huyết học-Truyền máu Bệnh viện Đa khoa tỉnh tổ chức hiến máu nhân đạo đợt 2 năm 2024.

Gia Lai: Gần 100 chuyên gia và cán bộ y tế dự hội thảo khoa học Cập nhật kỹ thuật lọc máu liên tục trong hồi sức cấp cứu

Gia Lai: Gần 100 chuyên gia và cán bộ y tế dự hội thảo khoa học Cập nhật kỹ thuật lọc máu liên tục trong hồi sức cấp cứu

(GLO)- Ngày 26-10, tại TP. Pleiku, Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai phối hợp với Hội Hồi sức cấp cứu chống độc Việt Nam, Công ty TNHH Baxter Việt Nam Healthcare tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: "Cập nhật kỹ thuật lọc máu liên tục trong hồi sức cấp cứu".