Không tự ý điều trị bệnh sốt xuất huyết tại nhà

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Lời Tòa soạn: Tuần qua, toàn tỉnh Gia Lai ghi nhận 323 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), tăng gấp 3 lần so với tuần trước, nâng tổng số ca mắc lên trên 800, trong đó có 1 trường hợp tử vong. Để chủ động phòng ngừa dịch bệnh, P.V Báo Gia Lai có cuộc phỏng vấn bác sĩ Siu Ru-Phó Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) về cách nhận biết các dấu hiệu của bệnh SXH và phương pháp điều trị căn bệnh nguy hiểm này.
P.V: Theo bác sĩ thì những biểu hiện dễ nhận biết của bệnh SXH là gì?
- Bác sĩ Siu Ru: Thời gian gần đây, số lượng bệnh nhân mắc SXH nhập viện điều trị tại Khoa Bệnh nhiệt đới tăng cao so với trước. Có ngày, chúng tôi tiếp nhận 15 bệnh nhân cùng lúc, hầu hết từ tuyến huyện chuyển lên và có dấu hiệu cảnh báo như: nôn ói, đau mỏi người, xuất huyết chân răng, xuất huyết da… Năm nay, SXH diễn biến thất thường, một số người mắc bệnh nhưng không có triệu chứng rõ ràng. Vì vậy, nhiều người dễ nhầm lẫn với các bệnh khác, đến khi bệnh chuyển nặng mới nhập viện điều trị.
Để phát hiện sớm, người dân cần chú ý điển hình của SXH là sốt cao và thường kèm theo các triệu chứng (ít nhất 2 triệu chứng) như: đau đầu, đau hốc mắt, buồn nôn hoặc nôn mửa, nổi hạch, đau cơ, đau khớp xương, phát ban… Khi thấy sốt cao và kèm theo các triệu chứng trên, người dân cần đến cơ sở y tế để khám, điều trị kịp thời. Tuyệt đối không tự ý điều trị bệnh SXH tại nhà, đặc biệt là truyền dịch, dùng thuốc hạ sốt khi chưa có sự thăm khám, tư vấn, hướng dẫn của bác sĩ.
Bác sĩ Siu Ru thăm khám cho bệnh nhân SXH. Ảnh: Như Nguyện
Bác sĩ Siu Ru thăm khám cho bệnh nhân SXH. Ảnh: Như Nguyện
P.V: Tại sao cùng mắc bệnh SXH nhưng có người bệnh nhẹ, người bệnh nặng, thưa bác sĩ?
Bác sĩ Siu Ru: Bệnh nhân SXH đa số có thể được điều trị tại nhà dưới sự tư vấn, hướng dẫn của bác sĩ. Tuy nhiên, những bệnh nhân thừa cân, béo phì, có bệnh mãn tính, bệnh nền, phụ nữ có thai, trẻ nhỏ… cần nhập viện điều trị vì trong một số trường hợp, SXH có thể diễn tiến nặng hơn ở nhóm đối tượng này. Trong đó, nhóm thừa cân, béo phì thường khó điều trị, nguy cơ chuyển biến nặng rất cao. Không chỉ riêng bệnh SXH mà hầu hết người thừa cân, béo phì thường có khả năng chuyển nặng cao hơn khi mắc bệnh so với người có cân nặng bình thường. Ngoài ra, cần chú ý theo dõi thường xuyên, sát sao đối với những trường hợp mắc SXH là người có bệnh mãn tính, bệnh nền, phụ nữ có thai… trong quá trình điều trị để xử lý kịp thời khi bệnh diễn tiến nặng, tránh nguy cơ sốc, tử vong.
P.V: Bác sĩ khuyến cáo gì về việc phòng tránh bệnh SXH?
- Bác sĩ Siu Ru: Hiện vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh cũng như thuốc điều trị đặc hiệu bệnh SXH. Một người có thể mắc tối đa 4 lần do 4 chủng vi rút Dengue gây SXH. Khi mắc chủng này sẽ có miễn dịch nhưng khi mắc chủng thứ 2 có thể nặng hơn tùy theo tuýp Dengue và cơ địa bệnh nhân. Sốt xuất huyết lây qua đường muỗi đốt, trong đó, muỗi Aedes Aegypti là trung gian truyền vi rút Dengue gây ra bệnh SXH Dengue.
Vì vậy, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa, phát hiện sớm dấu hiệu chuyển nặng, giảm thấp nhất hậu quả của bệnh. Trong đó, biện pháp phòng ngừa tốt nhất là loại bỏ những khu vực hay có muỗi đẻ trứng ở cả trong và ngoài nhà, thường xuyên vệ sinh môi trường, diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy. Muỗi truyền bệnh SXH thường đốt người vào ban ngày nên khi ngủ ngay cả ban ngày cũng phải mắc màn cẩn thận để tránh muỗi đốt.
P.V: Xin cảm ơn bác sĩ!
NHƯ Ý (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm

Bệnh gì nên hạn chế uống cà phê?

Bệnh gì nên hạn chế uống cà phê?

Nhiều người thường bắt đầu ngày mới với tách cà phê. Thói quen này thực sự mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, theo chuyên gia, cà phê có thể tương tác với một số loại thuốc.
Nhiều tác dụng của lá đu đủ

Nhiều tác dụng của lá đu đủ

Lá đu đủ chứa các hợp chất thực vật đã được chứng minh là có tiềm năng dược lý rộng rãi. Nhiều chế phẩm từ lá đu đủ, như trà, chiết xuất, viên nén..., thường được sử dụng để hỗ trợ điều trị bệnh và tăng cường sức khỏe theo nhiều cách.
WHO phê duyệt vaccine mới ngừa dịch tả

WHO phê duyệt vaccine mới ngừa dịch tả

Do hãng dược phẩm EuBiologics (Hàn Quốc) sản xuất, vaccine Euvichol-S được phát triển từ một công thức đơn giản hóa, sử dụng ít thành phần hơn, rẻ hơn và có thể sản xuất nhanh hơn phiên bản trước.