WHO thông tin về sốt xuất huyết Marburg có tỉ lệ tử vong cực cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

 Theo Tổ chức Y tế thế giới, virus Marburg có khả năng lây nhiễm cao tương tự Ebola, tỉ lệ tử vong từ 24-88%.

Hãng tin Reuters trích dẫn tuyên bố của WHO hôm 7-7 cho hay 2 người ở Ghana đã tử vong sau khi xét nghiệm dương tính với virus Marburg. Mẫu bệnh phẩm của họ sẽ được gửi đến phòng thí nghiệm khác ở Senegal để xét nghiệm khẳng định trước khi công bố đợt bùng phát mới.

 

 Hang động của loài dơi Rousettus được cho là nơi khởi nguồn của dịch bệnh do virus Marburg - Ảnh: WHO
Hang động của loài dơi Rousettus được cho là nơi khởi nguồn của dịch bệnh do virus Marburg - Ảnh: WHO


Trước đó, 2 bệnh nhân ở vùng Ashanti phía Nam Ghana đều có các triệu chứng tiêu chảy, sốt, buồn nôn và nôn, sau đó tử vong tại bệnh viện. Nếu 2 ca bệnh này được xác nhận, đây sẽ là đợt bùng phát thứ 2 của bệnh Marburg tại Tây Phi từ trước tới nay, sau lần đầu tiên hồi năm ngoái (tại Guinea).

Theo WHO, virus này có khả năng lây nhiễm cao tương tự như Ebola. "Các công tác chuẩn bị cho phản ứng bùng phát có thể xảy ra đang được thiết lập nhanh chóng, các cuộc truy vết đang được tiến hành" - cơ quan y tế của Liên Hiệp Quốc cho biết.

Virus Marburg gây bệnh sốt xuất huyết với tỉ lệ tử vong cực cao ở người và động vật linh trưởng. Đã có hàng chục đợt bùng phát sốt xuất huyết Marburg lớn kể từ năm 1967 chủ yếu ở khu vực phía Nam và phía Đông châu Phi, với tỉ lệ tử vong 24-88% tùy thuộc chủng virus.

Theo WHO, khi một người bị nhiễm virus Marburg, bệnh sẽ tiếp tục lây lan mạnh từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với làn da bị tổn thương hay với máu, chất tiết từ các cơ quan hoặc các chất dịch cơ thể khác của người bị nhiễm bệnh hay lây gián tiếp thông qua các bề mặt, vật dụng bị nhiễm dịch tiết từ người bệnh.

 


Thêm 2 ca tử vong do đậu mùa khỉ

Cũng trong ngày 7-7, WHO đã xác nhận thêm 2 ca tử vong do đậu mùa khỉ, nâng tổng số ca tử vong đã được xét nghiệm khẳng định lên 3 người kể từ đợt bùng phát ngoài vùng lưu hành.

Trước đó, có khoảng 70 ca tử vong khác được Congo và Nigeria - các nước mà dịch đậu mùa khỉ lưu hành thường xuyên nhiều năm nay - công bố, tuy nhiên các bệnh nhân này chưa được xét nghiệm khẳng định. Năng lực xét nghiệm đậu mùa khỉ ở châu Phi còn hạn chế nên đa số các ca được coi là "nghi nhiễm", được thống kê dựa trên biểu hiện lâm sàng và điều trị tương tự các ca đã xét nghiệm khẳng định.

Trong khi chủng Congo gây tử vong rất cao thì chủng Tây Phi lưu hành ở các châu lục khác vừa qua được cho là chủng nhẹ, tỉ lệ tử vong thấp, đa số bệnh nhân khỏi bệnh sau vài tuần.

Theo báo cáo dịch tễ mới nhất được WHO công bố ngày 6-7, số ca đậu mùa khỉ toàn cầu (đã xét nghiệm) là 6.072 ca.

Slovakia là quốc gia mới nhất xác định có ca mắc đậu mùa khỉ vào ngày 7-7. Tại Đông Nam Á, Singapore vừa thông báo về ca mắc thứ 3, là một trường hợp nhập cảnh.


Theo Anh Thư (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Đức Cơ chú trọng chăm sóc sức khỏe người dân

Đức Cơ chú trọng chăm sóc sức khỏe người dân

(GLO)- Cùng với đầu tư về cơ sở vật chất và trang-thiết bị y tế, Trung tâm Y tế huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) còn tạo điều kiện cho y-bác sĩ được học tập nâng cao trình độ chuyên môn nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân.
Gia Lai: Kỳ tích nuôi sống trẻ sinh non chỉ nặng 500 gram

Gia Lai: Kỳ tích nuôi sống trẻ sinh non chỉ nặng 500 gram

(GLO)- Mang thai 27 tuần, chị N.T.D.L (thôn Kê, thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã chuyển dạ và sinh non. Bé gái chỉ nặng 500 gram được chuyển qua Bệnh viện Nhi Gia Lai để chăm sóc đặc biệt. Qua hơn 60 ngày chăm sóc, điều trị, cháu bé bước đầu đã có chuyển biến đáng mừng.
Bộ Y tế đề xuất cấm thuốc lá điện tử

Bộ Y tế đề xuất cấm thuốc lá điện tử

Theo Bộ Y tế, nếu không được ngăn chặn kịp thời, do khả năng gây nghiện cao và lan nhanh trong cộng đồng, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tạo ra một thế hệ mới nghiện nicotine và các chất gây nghiện khác.