Gia Lai: Kỳ tích nuôi sống trẻ sinh non chỉ nặng 500 gram

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mang thai 27 tuần, chị N.T.D.L (thôn Kê, thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã chuyển dạ và sinh non. Bé gái chỉ nặng 500 gram được chuyển qua Bệnh viện Nhi Gia Lai để chăm sóc đặc biệt. Qua hơn 60 ngày chăm sóc, điều trị, cháu bé bước đầu đã có chuyển biến đáng mừng.

Bác sĩ Nguyễn Thụy Điển-Phó Trưởng khoa Sơ sinh (Bệnh viện Nhi Gia Lai) thông tin: Đầu tháng 3-2024, Khoa Sơ sinh tiếp nhận một trường hợp sinh non lúc thai mới 27 tuần, bé chỉ cân nặng 500 gram. “Ngay sau khi tiếp nhận, bé được đưa vào đơn vị chăm sóc tích cực nuôi dưỡng trong lồng ấp, thở máy hỗ trợ và tất cả mọi thứ nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch. Các biến chứng xảy ra đối với một em bé sinh non thì ở bé này hầu như có hết như: Suy hô hấp, nhiễm trùng, viêm phổi…Việc chăm sóc và điều trị vô cùng khó khăn bởi bé quá nhỏ và là em bé sinh non nhẹ cân nhất mà Khoa Sơ sinh tiếp nhận từ trước đến nay”- bác sĩ Điển cho hay.

Bác sĩ thăm khám cho bé sinh non, hiện bé đã tăng lên 1,3 kg. Ảnh: Như Nguyện

Bác sĩ thăm khám cho bé sinh non, hiện bé đã tăng lên 1,3 kg. Ảnh: Như Nguyện

Theo bác sĩ Điển, qua hơn 60 ngày nuôi dưỡng-đây là một kỳ tích bởi từ khi thành lập Khoa Sơ sinh đến nay, đây là em bé sinh non nhẹ cân nhất mà tỉnh Gia Lai có thể nuôi dưỡng tới thời điểm hiện tại. “Tuy bé chưa cai được máy thở nhưng vấn đề ăn uống, tiêu hóa tốt. Một bữa trẻ đã ăn được từ 25ml đến 30ml sữa truyền qua đường ống thông dạ dày và cân nặng hiện đã lên được 1,3 kg. Đối với các biến chứng của sinh non vẫn đang tiếp tục được theo dõi sát sao. Thời gian tới, khi bé ổn định hơn sẽ chuyển viện vào TP. Hồ Chí Minh để tầm soát chuyên sâu những biến chứng của trẻ sinh non và có hướng điều trị tốt hơn cho bé”-bác sĩ Điển cho biết thêm.

Được biết, đây là con thứ ba của vợ chồng chị N.T.D.L. Chị L. từng có tiền sử sinh non. “Lúc mang thai được hơn 6 tháng thì tôi sinh non, bé sinh ra chỉ nặng 500 gram. Khi ấy, cháu quá nhỏ, nhân viên y tế cũng thông báo trước cho vợ chồng tôi những tình huống xấu nhất. Con tôi sau đó được chuyển sang Khoa Sơ sinh (Bệnh Viện Nhi Gia Lai) để được chăm sóc và điều trị. Qua hơn 2 tháng nằm điều trị, tình hình của cháu đã có những chuyển biến tích cực, đã lên được 1,3 kg. Có được điều này đều nhờ công của các bác sĩ, điều dưỡng tận tình chăm sóc không quản ngày đêm. Gia đình chúng tôi hết sức biết ơn và vui mừng vì con đã có những chuyển biến tích cực”- chị L. xúc động nói.

Vợ chồng chị N.T.D.L. đang chăm sóc bé. Ảnh: Như Nguyện

Vợ chồng chị N.T.D.L. đang chăm sóc bé. Ảnh: Như Nguyện

Bệnh viện Nhi Gia Lai là Bệnh viện Nhi tuyến cuối của tỉnh. Thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2017 đến nay, đơn vị đã có nhiều bước tiến trong công tác chăm sóc và điều trị cho trẻ sơ sinh và bệnh nhi trên địa bàn tỉnh. Bác sĩ Hoàng Ngọc Thành-Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Gia Lai cho biết: Khi mới thành lập, Khoa Sơ sinh đã thành công trong chăm sóc, nuôi sống nhiều trẻ sinh non từ 1.000 gram đến 1.200 gram nhưng dưới 1.000 gram thì tỉ lệ sống rất thấp. Qua thời gian được học tập, đào tạo nâng cao chuyên môn và được tiếp cận những kỹ thuật mới, nhận chuyển giao nhiều kỹ thuật của các bệnh viện tuyến trên, nhất là Bệnh viện Nhi Đồng 2, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP. Hồ Chí Minh) và ứng dụng các kỹ thuật mới vào trong điều trị đã góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc và điều trị cho bệnh nhi trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt trong lĩnh vực chăm sóc sơ sinh đã có nhiều chuyển biến tích cực, những bước tiến mới vượt bậc so với trước. Hiện nay, Bệnh viện Nhi Gia Lai đã có thể nuôi sống nhiều ca sinh non chỉ nặng 800 gram, 700 gram, 580 gram và nay là ca sinh non nặng 500 gram.

Theo Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Gia Lai, bệnh viện hiện được đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng được tạo điều kiện tập huấn, đào tạo thường xuyên, nhiều kỹ thuật mới trước đây chưa triển khai được thì hiện nay cũng đã được triển khai áp dụng hiệu quả trong công tác khám chữa bệnh. “Với những đầu tư về cơ sở vật chất, về nhân lực; Bệnh viện Nhi Gia Lai nói chung, Khoa Sơ sinh nói riêng sẽ đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao cho các bệnh nhi trên địa bàn tỉnh. Qua đó giúp các bệnh nhi được thuận lợi điều trị tại chỗ, giảm tình trạng chuyển tuyến và giảm thiểu các chi phí thay vì phải chuyển lên tuyến trên điều trị”- bác sĩ Thành nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai tăng tốc chiến dịch tiêm vắc xin phòng-chống dịch sởi

Gia Lai tăng tốc chiến dịch tiêm vắc xin phòng-chống dịch sởi

(GLO)- Trước diễn biến phức tạp của bệnh sởi, tỉnh Gia Lai khẩn trương triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng-chống dịch sởi, phấn đấu hoàn thành vào 31-3-2025. Mục tiêu chung của chiến dịch là tăng tỷ lệ miễn dịch phòng bệnh sởi trong cộng đồng, giảm tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh sởi.

TP. HCM: Bắt đầu công bố hết dịch sởi

TP. HCM: Bắt đầu công bố hết dịch sởi

Sáng 27-3, Sở Y tế TPHCM cho biết, hiện có 22 phường, xã thuộc Quận 1, 4 và huyện Củ Chi đủ điều kiện công bố hết dịch sởi, Sở Y tế đã có báo cáo và đề nghị UBND TPHCM ban hành quyết định công bố hết dịch sởi tại các phường xã này theo quy định.

Phú Thiện triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng-chống dịch sởi

Phú Thiện triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng-chống dịch sởi

(GLO)- Từ ngày 26-3 đến 31-3-2025, huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng-chống dịch sởi với mục tiêu chung tăng tỷ lệ miễn dịch phòng bệnh sởi trong cộng đồng nhằm chủ động phòng-chống dịch sởi, giảm tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh sởi trên địa bàn huyện.

Bác sĩ khám bệnh cho chị Ksor Hlai (làng Chan, xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ). Ảnh: N.N

Bệnh lao tiềm ẩn trong cộng đồng

(GLO)- Mỗi năm, toàn tỉnh Gia Lai phát hiện khoảng 700 bệnh nhân lao. Hiện vẫn còn khoảng 40% bệnh nhân lao tiềm ẩn trong cộng đồng, là nguồn lây lan bệnh nếu không kịp thời điều trị. Ngoài ra, số bệnh nhân lao kháng thuốc gia tăng đang là gánh nặng trong công tác phòng-chống lao tại tỉnh.