Tại Bệnh viện Nhi tỉnh, số ca nhập viện do bệnh tay chân miệng từ đầu năm đến nay không nhiều nhưng lại tăng số ca nặng. Do đó, đội ngũ y-bác sĩ phải theo dõi sát sao sức khỏe từng trẻ để xử trí kịp thời. Khoa Hồi sức tích cực chống độc vừa cho 1 ca nặng chuyển viện để truyền IVIG (thuốc điều trị hỗ trợ hiệu quả đối với những trường hợp trẻ mắc tay chân miệng nặng). Tại Khoa Bệnh nhiệt đới cũng vừa điều trị 1 trường hợp mắc tay chân miệng độ 2B (giai đoạn bệnh chuyển từ mức độ nhẹ sang mức độ nặng hơn).
Có con đang điều trị tại Khoa Bệnh nhiệt đới, chị Nguyễn Thị Bích Hạnh (thôn 3, xã Diên Phú, TP. Pleiku) chia sẻ: “Khi phát hiện chân tay cháu nổi hạt, tôi lập tức đưa đi khám và nhập viện điều trị. Hiện sức khỏe của cháu đã khá ổn. Bệnh này diễn biến phức tạp, phụ huynh phải hết sức cẩn thận, tránh biến chứng nguy hiểm”.
Khi có dấu hiệu nghi ngờ bệnh tay chân miệng, phụ huynh cần cho trẻ đi khám để kịp thời phát hiện và điều trị. Ảnh: Như Nguyện |
Trường hợp con chị Đỗ Thị Thu Huyền (thôn Phú An, xã Ia Le, huyện Chư Pưh) cũng nhờ phát hiện bệnh kịp thời nên tránh được tai biến nặng. Thấy con sốt cao 3 ngày liên tiếp, miệng nổi hạt, cho uống thuốc hạ sốt không đỡ, chị Huyền vội cho con nhập viện. “Bác sĩ cho biết con tôi bị bệnh tay chân miệng. Tôi xem thông tin trên báo, đài thấy bệnh nguy hiểm nên rất lo. May nhờ phát hiện và điều trị kịp thời nên sức khỏe của cháu đã ổn định”-chị Huyền cho hay.
Bác sĩ Nguyễn Thị Mới-Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Bệnh nhiệt đới-cho biết: Bệnh tay chân miệng là bệnh nhiễm vi rút cấp tính, lây lan chủ yếu qua đường tiêu hóa, lây trực tiếp thông qua tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, dịch tiết mũi họng hay nốt phỏng bị vỡ của người đang bị bệnh. Bệnh được phân loại theo 4 cấp độ (theo mức độ nặng của bệnh), riêng độ 1 (thể nhẹ, chỉ gây loét miệng và/hoặc tổn thương da) có thể điều trị tại nhà. Đa phần trẻ mắc bệnh tay chân miệng ở thể nhẹ nhưng nếu không điều trị kịp thời thì có thể biến chứng nguy hiểm.
Bác sĩ Nguyễn Thị Mới-Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Bệnh nhiệt đới: “Hiện chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ tập trung điều trị hỗ trợ; do đó, chú trọng phòng bệnh là biện pháp tốt nhất. Các bậc phụ huynh cần chú ý chăm sóc trẻ, vệ sinh, tẩy rửa đồ chơi, phòng ốc hàng ngày; đồng thời, cần theo dõi sát để phát hiện sớm và điều trị biến chứng ngay khi có dấu hiệu. Khi trẻ bị bệnh nên cách ly ít nhất 8-10 ngày để tránh lây lan cho trẻ xung quanh”.
Cũng theo bác sĩ Mới, bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt diễn biến nặng với trẻ dưới 2 tuổi. Bệnh tay chân miệng đang gia tăng ở các tỉnh phía Nam, đặc biệt các ca nặng có xu hướng tăng. Bệnh có các dấu hiệu như: nổi mụn nước lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối, mông, đặc biệt là có nốt loét trong miệng nên bé có biểu hiện biếng ăn, chảy dãi, sốt. Những dấu hiệu trẻ có nguy cơ nặng là sốt cao liên tục, quấy khóc nhiều, đi đứng loạng choạng, giật mình, run chi chới với, khó ngủ, tay chân lạnh. Những trẻ có dấu hiệu bệnh nặng nếu không được chữa trị kịp thời sẽ dẫn tới biến chứng rất nguy hiểm như: tổn thương thần kinh, sốc, suy tim, thậm chí tử vong.
Trước tình hình trẻ mắc tay chân miệng có chiều hướng gia tăng, các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng-chống bệnh cho trẻ; tăng cường truyền thông giáo dục sức khỏe, thực hiện 3 sạch: ăn uống sạch; ở sạch; bàn tay sạch và chơi đồ chơi sạch.
Các học sinh Trường Mầm non Hoa Phong Lan (TP. Pleiku) được cô giáo hướng dẫn cách vệ sinh bàn tay phòng-chống bệnh tay chân miệng. Ảnh: Như Nguyện |
Cô Nguyễn Thị Hương Thủy-Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Phong Lan (phường Hoa Lư, TP. Pleiku) thông tin: Trước tình hình bệnh tay chân miệng có chiều hướng gia tăng, nhà trường đặc biệt quan tâm tới việc chăm sóc cho trẻ. Nếu phát hiện cháu nào có biểu hiện bệnh tay chân miệng thì các cô thông báo ngay cho phụ huynh. Tại trường, các cô dọn vệ sinh, sát khuẩn phòng học hàng ngày; hàng tuần vệ sinh môi trường xung quanh đảm bảo sạch sẽ, an toàn cho trẻ.
Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, đơn vị đã đề nghị Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố phối hợp chặt chẽ với Phòng Giáo dục và Đào tạo triển khai các biện pháp phòng-chống bệnh tay chân miệng trong trường học. Tăng cường tập huấn, hướng dẫn chuyên môn về giám sát và xử lý dịch tay chân miệng cho các trạm y tế; yêu cầu các trạm y tế hướng dẫn các trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học và các cơ sở trông giữ trẻ thường xuyên thực hiện các biện pháp phòng-chống bệnh tay chân miệng, đặc biệt là công tác vệ sinh khử khuẩn tại các cơ sở giáo dục. Ngoài ra, tăng cường giám sát, phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng; tổ chức cách ly và xử lý ổ dịch kịp thời, không để lây lan.