Cải thiện chỉ số SIPAS và PAPI: Cần giải pháp căn cơ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Năm 2021, Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) cũng như Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của Gia Lai đều giảm so với năm 2020, lần lượt xếp thứ 45/63 và 53/60 tỉnh, thành. Sự tụt giảm này đòi hỏi tỉnh phải có nhiều giải pháp mang tính căn cơ để cải thiện cả 2 chỉ số.

Còn nhiều tồn tại

Ông Nguyễn Đình Tiến-Giám đốc Sở Nội vụ-cho biết: Chỉ số SIPAS được triển khai nhằm đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước thông qua khảo sát 5 yếu tố cơ bản trong cung ứng dịch vụ hành chính công gồm: Tiếp cận dịch vụ hành chính công; thủ tục hành chính (TTHC); công chức trực tiếp giải quyết công việc; kết quả cung ứng dịch vụ hành chính công và việc tiếp nhận, giải quyết góp ý, phản ánh, kiến nghị. Theo công bố, Chỉ số SIPAS năm 2021 của tỉnh đạt 86%, thấp hơn năm 2020 là 0,41%, xếp thứ 45/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và thấp hơn 17 bậc so với năm 2020 (năm 2020 là 86,41%, xếp thứ 28/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương).  

Kết quả khảo sát việc cung ứng dịch vụ hành chính công cho thấy vẫn còn xảy ra tình trạng nộp hồ sơ, nhận kết quả dịch vụ công ngoài bộ phận một cửa. Cụ thể, số liệu phản ánh ngoài nộp hồ sơ, nhận kết quả tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả huyện, xã, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh thì vẫn còn 1,05% nộp và nhận kết quả ở những nơi khác (năm 2020 là 0,3%). Đồng thời, ở cấp tỉnh, bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả của các sở, ban, ngành đã chuyển qua Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh nhưng vẫn còn 6,9% người được hỏi cho biết nộp hồ sơ, nhận kết quả tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả các cơ quan cấp tỉnh.

Người dân làm thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: Phương Vi
Người dân làm thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: Phương Vi


Bên cạnh đó, cũng qua khảo sát, việc tiếp cận thông tin về quy định TTHC thông qua công chức tại cơ quan nơi nộp hồ sơ, nhận kết quả dịch vụ công là hình thức được người dân, tổ chức sử dụng nhiều nhất trong 6 hình thức được lựa chọn để điều tra xã hội học với tỷ lệ là 51,46% (năm 2020 là 69,23%). Tiếp đến là các hình thức: thông qua tài liệu, văn bản niêm yết tại cơ quan giải quyết TTHC với tỷ lệ là 29,92% (năm 2020 là 6,51%); thông qua người thân, bạn bè với tỷ lệ 16,11% (năm 2020 là 21,01%); thông qua mạng internet với tỷ lệ 6,27% (năm 2020 là 18,79%) và cuối cùng là thông qua hình thức khác với tỷ lệ 0,21% (năm 2020 là 0,59%). Ngoài ra, so với năm 2020, tỷ lệ người dân, tổ chức đi lại từ 1 đến 2 lần (1 lần nộp hồ sơ, chờ nhận kết quả ngay và 1 lần nhận kết quả) để giải quyết TTHC giảm 5,45%. Điều đó đồng nghĩa với việc vẫn còn xảy ra tình trạng người dân, tổ chức phải đi lại nhiều lần (đi lại 3 lần trở lên là 6,41%), tăng 5,37% so với năm 2020.

Còn đối với Chỉ số PAPI phản ánh tiếng nói người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp, theo kết quả khảo sát năm 2021, Gia Lai bị giảm 2,26 điểm, xếp thứ 53/60 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, giảm 2,26 điểm, giảm 10 bậc so với năm 2020. Trong 8 chỉ số nội dung thì có 1 chỉ số tăng điểm (cung ứng dịch vụ công), 7 chỉ số còn lại đều thấp điểm hơn năm 2020 (gồm: tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; TTHC công; quản trị môi trường; quản trị điện tử).

Kết quả khảo sát cho thấy, trách nhiệm giải trình thông qua kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân tới các cấp chính quyền chưa thực sự hiệu quả; tỷ lệ người dân được hỏi cho biết đã gửi khuyến nghị, tố giác, khiếu nại nhưng chưa được chính quyền phúc đáp thỏa đáng vẫn còn khá cao; hiệu quả hoạt động của tòa án và bộ phận tư pháp ở một số địa phương chưa được người dân đánh giá cao, vẫn có tình trạng người dân cho biết sẽ sử dụng các biện pháp phi tòa án khi có tranh chấp dân sự. Bên cạnh đó, một số địa phương vẫn còn hiện tượng nhũng nhiễu trong cung cấp dịch vụ hành chính; vẫn còn phổ biến tình trạng người dân cho biết phải “chung chi” để làm thủ tục cấp mới, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...

Mặc dù chỉ số cung ứng dịch vụ công của tỉnh tăng điểm so với năm 2020 nhưng vẫn nằm trong nhóm đạt điểm thấp nhất và cho thấy những tồn tại trong lĩnh vực này. Cụ thể, chất lượng các dịch vụ công trong ngành Y tế chưa cao, người dân vẫn phải trả thêm phí để được quan tâm trong khi sử dụng các dịch vụ y tế; cơ sở hạ tầng căn bản chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân; rác thải sinh hoạt chưa được thu gom thường xuyên; tình hình an ninh, trật tự ở một số nơi còn kém; hệ thống mặt đường giao thông tại một số địa phương chưa được cứng hóa; an ninh nông thôn vẫn tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp...  

Phải có kế hoạch khắc phục cụ thể

Việc Gia Lai sụt giảm vị trí trên các bảng xếp hạng SIPAS, PAPI do nhiều nguyên nhân, từ cơ sở hạ tầng còn hạn chế đến năng lực của một số cán bộ chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Vì vậy, ông Nguyễn Cường-Giám đốc Bưu điện tỉnh-cho rằng: Tỉnh đang đẩy mạnh giải quyết các TTHC thông qua dịch vụ công trực tuyến. Để nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến, ngoài vấn đề công nghệ, các sở, ngành cần tuyên truyền nâng cao nhận thức, giúp người dân hiểu rõ lợi ích của dịch vụ công trực tuyến, từ đó sử dụng nhiều hơn.

Còn ông Vũ Mạnh Định-Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ thì cho hay: “Hệ thống quản lý điều hành văn bản hiện nay làm việc khá tốt, tuy nhiên đôi lúc còn bị treo, chưa được trơn tru. Vì vậy, Sở Thông tin và Truyền thông cần quan tâm nâng cấp để hệ thống hoạt động tốt hơn. Đồng thời, nên cập nhật thống kê số liệu xử lý trên dịch vụ công theo thời gian cụ thể ngày, tháng, năm vì hiện chỉ mới thực hiện thống kê theo tháng”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Trường Sơn-Chủ tịch UBND thị xã Ayun Pa-lại quan tâm đến vấn đề con người. “Ayun Pa có chỉ số cải cách hành chính xếp thứ 14/17 huyện, thị xã, thành phố. Trong đó, 2 lĩnh vực chúng tôi bị trừ điểm đều liên quan đến chất lượng con người. Nếu có nguồn nhân lực đảm bảo thì mọi việc sẽ trôi chảy, tốt hơn. Nhưng nguồn lực của mỗi địa phương đều khác nhau, ảnh hưởng đến công tác cải cách hành chính”-ông Sơn nêu giải pháp.

Để tiếp tục cải thiện các chỉ số SIPAS, PAPI, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đỗ Tiến Đông chỉ đạo: “Phải có kế hoạch khắc phục cụ thể cho từng chỉ tiêu, tiêu chí giảm điểm; đồng thời, giữ vững các chỉ tiêu, tiêu chí đã đạt. Đặc biệt, các sở, ngành và địa phương trong các kế hoạch khắc phục phải đồng bộ, không mâu thuẫn với nhau. Các địa phương, các ngành có tỷ lệ trễ hẹn hồ sơ cao tiếp tục kéo giảm tỷ lệ trễ hẹn xuống còn 0,5%. Các đơn vị đã đưa ra giải pháp thì phải gắn với trách nhiệm, nhất là tiếp tục nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu”.

 

 HÀ DUY

 

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai quy định mức tỷ lệ % để tính đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, đất có mặt nước

Gia Lai quy định mức tỷ lệ % để tính đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, đất có mặt nước

(GLO)- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế vừa ký ban hành Quyết định số 61/2004/QĐ-UBND quy định mức tỷ lệ phần trăm (%) để tính đơn giá thuê đất, mức đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, mức đơn giá thuê đất đối với đất có mặt nước trên địa bàn tỉnh.

Những mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân Ia Rtô

Những mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân Ia Rtô

(GLO)- Hưởng ứng cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, xã Ia Rtô (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đã triển khai một số mô hình hay nhằm giúp người dân nâng cao nhận thức, tự lực vươn lên phát triển kinh tế.

Ia Ka đa dạng giải pháp hỗ trợ giảm nghèo

Ia Ka đa dạng giải pháp hỗ trợ giảm nghèo

(GLO)- Những năm qua, xã Ia Ka (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đồng thời thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo.

Kông Chro mùa gió

Kông Chro mùa gió

(GLO)- Những dãy núi cứ thế hiện ra huyền ảo trong sương sớm. Mặt trời mùa gió thắm nhẹ vén màn mưa để trải ánh vàng xuống miền đất của người Bahnar phía rừng già. Và tôi đã có những ngày mê đắm nơi vùng đất Kông Chro.

Các doanh nghiệp, nhà đầu tư, hợp tác xã có thể gửi ý kiến về các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất thông qua hệ thống Google form. Ảnh: Hà Duy

Gia Lai: Tiếp nhận kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp qua Google form

(GLO)- Sở Kế hoạch và Đầu tư vừa có Công văn số 3260/SKHĐT-DN đề nghị các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố; các doanh nghiệp, nhà đầu tư, hợp tác xã và các Hội nghề nghiệp triển khai tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của các nhà đầu tư, doanh nghiệp qua hệ thống Google form.

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

(GLO)- Sáng 6-11, tại TP. Pleiku, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức hội thảo khoa học di tích lịch sử “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947, xã Kông Bơ La, huyện Kbang” nhằm hoàn thiện hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền đề nghị xếp hạng di tích quốc gia.