Một nghiên cứu mới đây cho thấy việc rèn luyện sức khỏe giúp giảm đến 41% nguy cơ ung thư vú xâm lấn ở nữ giới.
Theo The Guardian, một nhóm nhà khoa học Úc, Anh và Mỹ đã thực hiện một nghiên cứu trên 130.957 phụ nữ, trong đó có 76.505 người đang mắc ung thư vú. Kết quả cho thấy mức độ hoạt động thể chất cao hơn giúp giảm đến 41% nguy cơ ung thư vú xâm lấn ở nữ giới. Nghiên cứu này đã được công bố trên tạp chí Y học Thể thao (Anh).
PGS Brigid Lynch - thành viên Hội đồng Ung thư Victoria (Úc), trưởng nhóm nghiên cứu - cho biết: "Trước đây, chưa có căn cứu khoa học nào chứng minh việc rèn luyện sức khỏe có thể ngăn ngừa nguy cơ ung thư vú và mối liên hệ này có bị tác động bởi các yếu tố khác không. Tuy nhiên, những người tập thể dục thường xuyên thường có đời sống lành mạnh hơn và có khả năng chống lại ung thư".
Rèn luyện sức khỏe giúp giảm đến 41% nguy cơ ung thư vú xâm lấn ở nữ giới - Ảnh: https://www.facingourrisk.org/ |
Nhóm nghiên cứu đã áp dụng một kỹ thuật được gọi là Mendel ngẫu nhiên, trong đó sử dụng các biến thể di truyền để nghiên cứu dựa trên các trạng thái vận động và không vận động. Ở phụ nữ tiền mãn kinh, nhóm có hoạt động thể chất cường độ mạnh ít nhất 3 ngày/tuần sẽ có khả năng mắc ung thư vú thấp hơn 38% so với nhóm ngược lại.
"Nếu không vận động trong khoảng 100 phút/ngày, nguy cơ ung thư vú sẽ tăng lên 20%. Đặc biệt, nguy cơ mắc bệnh ung thư vú bộ ba âm tính, là một loại ung thư nặng hơn và khó điều trị hơn, sẽ tăng gấp đôi"-PGS Lynch nói.
PGS Lynch cho biết nhóm nghiên cứu cũng áp dụng các phương thức khác như ăn uống điều độ, giữ vững cân nặng hợp lý và hạn chế sử dụng đồ uống có cồn. Việc duy trì sinh hoạt theo khoa học và tập thể dục giúp làm giảm lượng nội tiết tố estrogen và androgen lưu thông trong máu.
Nhóm cũng thu thập dữ liệu từ Ngân hàng Biobank cũng như 76 nghiên cứu khác của Hiệp hội Ung thư Vú (Anh).
Theo Khánh Thu (NLĐO)