Không ít lần trên mạng xã hội xuất hiện clip những shipper vẻ mặt thẫn thờ, buồn bã, thậm chí bật khóc khi bị khách “bom” hàng. Những đơn hàng đôi khi vài chục ngàn, cũng có khi lên tới cả triệu đồng. Đối với mặt hàng ăn uống, khi khách hàng không nhận thì người chịu thiệt chính là shipper khi không thể trả lại cho tiệm. Có những đơn hàng bị “bom” lên đến mười mấy ly trà sữa trị giá gần cả triệu đồng hay đồ ăn nhanh đắt đỏ, nhân viên giao hàng cũng chỉ biết ngậm ngùi nhờ người quen hay người đi đường mua giúp, bù lại phần nào chi phí mà mình đã bỏ ra.
Không nhận hàng cũng có nhiều hình thức. Bên cạnh tắt điện thoại, chặn số, xem hàng xong không nhận thì nhiều người còn sử dụng địa chỉ giả, số điện thoại không phải của mình để đặt hàng. Một số người còn viện ra nhiều lý do rất vô lý để từ chối không nhận hàng. Bạn tôi kinh doanh giày dép, quần áo, mỹ phẩm. Tất cả đều là hàng đặt từ các store chính hãng ở nước ngoài. Hình thức mua là khách yêu cầu đặt hàng, bạn bỏ tiền túi mua về và giao đến tận nhà. Đối với những người quen, cô ấy không bao giờ yêu cầu đặt cọc hay chuyển khoản trước. Vì thế, đôi khi có những chuyện “dở khóc dở cười” với các lý do bị hủy hàng. Có khách hủy vì chờ lâu quá, không còn thích món đồ đó nữa. Khách thì từ chối nhận vì hàng không về kịp cho chuyến đi du lịch; người lại do mập lên không còn mặc được nữa. Bạn tôi đành phải tìm cách bán lại những món hàng đã đặt về để lấy lại tiền vốn. Vậy mới thấy, bán được một đơn hàng online suôn sẻ cũng không phải việc dễ dàng.
Đặc biệt, gần đây, một vụ “bom” hàng hội đồng đã khiến nhãn hàng và một TikToker nổi tiếng thiệt hại nặng nề. Chỉ vì không thích những phát ngôn, nhận xét về đồ ăn của nữ TikToker này, cộng đồng anti-fan của cô đã đồng loạt kéo vào livestream bán hàng để đặt hàng “cho vui”. Những lời kêu gọi “bom” hàng được đăng tải rầm rộ trên các hội, nhóm. Trong buổi livestream, nữ TikToker đã bán sạch hàng nhưng sau đó, hàng loạt đơn hàng bị “bom”. Nhiều đơn vài triệu đồng, có đơn lên đến chục triệu đồng bị trả về. Những người “bom” hàng tỏ vẻ hả hê, vui sướng trước hành động của mình nhưng không lường được điều đó gây ảnh hưởng không chỉ người mình ghét mà còn đến đơn vị, nhãn hàng và những người khác vốn không liên quan đến “scandal” của nữ TikToker ấy.
Sau các vụ bị “bom” hàng, đối với các mặt hàng giá trị, bạn tôi thường yêu cầu khách đặt cọc hoặc chuyển khoản 100% giá trị. Với những người “bom” nhiều lần, bạn cho vào danh sách “đen” và từ chối nhận lời đặt hàng của họ. Dù vậy, cũng cần nhìn nhận, việc “bom” hàng là hành động thiếu đạo đức, đáng lên án, thậm chí vi phạm pháp luật. Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Vì thế, việc khách không nhận hàng chính là hành vi vi phạm trách nhiệm, nghĩa vụ phải thực hiện trong hợp đồng.
Ở một số trường hợp, những đơn hàng có giá trị lớn, chủ cơ sở có thể khởi kiện người “bom” hàng nhằm đền bù thiệt hại. Nhưng trước hết, xuất phát từ lương tâm của mỗi người, hãy là người mua hàng văn minh, đặt mình vào hoàn cảnh của người bán và người giao hàng, chỉ nên trả hàng trong trường hợp hàng hóa được giao đến không đúng như cam kết, thỏa thuận.