'Hiện nay, lực lượng Công an đang đấu tranh với 124 băng nhóm với 831 đối tượng hoạt động có tổ chức cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê', Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho hay.
Thượng tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an, trả lời chất vấn tại Quốc hội, chiều 30-10 |
Trong phiên thảo luận tình hình kinh tế xã hội ngày 26-10, đại biểu Đinh Duy Vượt (đoàn Gia Lai) nêu thực trạng tín dụng "đen" hoành hành từ thành thị đến nông thôn, tới từng ngóc ngách, bản làng, gây bất an xã hội.
"Với cách đòi nợ kiểu xã hội đen hiện nay, họ đẩy nhiều gia đình vào cảnh nghèo đói. Nhiều người vì cùng quẫn trong vòng vây nợ lãi cao trở thành “những chị Dậu mới”, thậm chí cùng quẫn, gây hậu quả lớn đến trật tự xã hội", ông Đinh Duy Vượt lo lắng.
Tại phiên chất vấn chiều nay (30-10), đại biểu Lê Công Đỉnh (đoàn Long An) tiếp tục bày tỏ quan tâm tới vấn đề này và đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an cho biết giải pháp.
Trả lời đại biểu, Thượng tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, "tín dụng đen" là quan hệ vay mượn, tự thỏa thuận, thường là với lãi suất cao và không có quy định. Đây là hoạt động dân sự nhưng đằng sau thường là tổ chức tội phạm.
Theo thống kê, trong 4 năm (2015-2018), toàn quốc xảy ra 7.624 vụ liên quan tới "tín dụng đen", trong đó có 56 vụ giết người, 389 vụ cố ý gây thương tích, 629 vụ cướp tài sản, 836 vụ cưỡng đoạt tài sản, 1.809 vụ lừa đảo, 3.581 vụ lạm dụng tín nhiệm, 165 vụ hủy hoại tài sản.
Hiện nay, lực lượng Công an đang đấu tranh với 124 băng nhóm với 831 đối tượng hoạt động có tổ chức trong hoạt động cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê.
Thượng tướng Tô Lâm chỉ ra 3 nguyên nhân dẫn tới tình trạng này. Thứ nhất, do kinh tế còn khó khăn, nhiều cá nhân, tổ chức gặp khó khăn về vốn nên tìm đến các cơ sở cho vay nặng lãi.
Thứ hai, một bộ phận thanh niên không chịu làm ăn, ham mê cờ bạc nên vay nặng lãi để thỏa mãn thú ăn chơi, khi cần thì bất kể lãi suất nào cũng vay. Thứ ba, các chế tài xử lý các đối tượng này chưa tương xứng với tính chất, mức độ vi phạm, chưa đủ sức răn đe; chính quyền cơ sở, cơ quan chức năng chưa quan tâm đúng mức.
Từ phân tích trên, Bộ trưởng Bộ Công an đưa ra các giải pháp. Thứ nhất, cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân, nhất là các quy định về giao dịch vay mượn, sử dụng vốn an toàn cũng như các phương thức, thủ đoạn của tội phạm cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê.
Thứ hai, cần làm tốt công tác quản lý Nhà nước về an ninh trật tự, quản lý chặt chẽ nhân viên các cơ sở kinh doanh tài chính, cầm đồ tạm trú trên địa bàn; các đối tượng bất minh về kinh tế nghi vấn có liên quan tới hoạt động tín dụng đen; phát hiện xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm. Thứ ba, cần nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác về tội phạm.
Thứ tư, phải mở các cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, triệt phá các băng nhóm, đường dây cho vay nặng lãi, vi phạm pháp luật. Thứ năm, cần rà soát, nghiên cứu, đề xuất Chính phủ bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp lý.
Băng Tâm (ANTD)