Bộ Tài chính: Không để khan hiếm, đầu cơ tăng giá hàng hóa sau bão số 3

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bão số 3 đi qua gây hậu quả nặng nề, thiệt hại đến sản xuất nông nghiệp, Bộ Tài chính nhấn mạnh việc quản lý, điều hành giá cần tiếp tục tăng cường để góp phần kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.
Người dân mua sắm hàng hóa tại siêu thị Winmart. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Người dân mua sắm hàng hóa tại siêu thị Winmart. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Ngày 13/9, Bộ Tài chính đã có Công điện gửi các bộ, cơ quan ngang bộ; Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thủ trưởng các đơn vị, tổ chức trực thuộc Bộ Tài chính về việc đẩy mạnh, tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá sau bão số 3 (bão Yagi).

Theo Công điện, bão Yagi đi qua một số địa phương đã gây hậu quả nặng nề, gây thiệt hại đến sản xuất nông nghiệp và làm đứt gẫy giao thông vận chuyển hàng hóa một số nơi, một số thời điểm đã xuất hiện việc khan hiếm một số mặt hàng như rau, củ quả, thực phẩm, nước uống... cũng như dẫn đến tăng giá cục bộ tại một số địa bàn dẫn đến khó khăn cho sinh hoạt, tiêu dùng của nhân dân....

Vì vậy, Bộ Tài chính nhấn mạnh việc quản lý, điều hành giá cần tiếp tục tăng cường để góp phần kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đề nghị các cơ quan, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh, tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá. Cụ thể, sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ, biện pháp điều tiết giá theo quy định của pháp luật về giá để kiểm soát, bình ổn thị trường.

Đồng thời, tăng cường triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá; tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá.

Cùng với đó, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, đảm bảo kịp thời, minh bạch thông tin về giá, nhất là diễn biến giá các vật tư quan trọng, các mặt hàng thiết yếu liên quan đến sản xuất và đời sống người dân để hạn chế gia tăng lạm phát kỳ vọng, ổn định tâm lý người tiêu dùng sau bão lũ.

Chợ dân sinh trên đường Bạch Đằng đã lại nhộn nhịp trở lại, hàng hóa ê hề phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Chợ dân sinh trên đường Bạch Đằng đã lại nhộn nhịp trở lại, hàng hóa ê hề phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Bộ Tài chính cũng đề nghị các Bộ theo chức năng, nhiệm vụ chủ động trong công tác tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá đề xuất các giải pháp đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu, bị đứt gãy, hạn chế nguồn cung sau bão lũ.

Bên cạnh đó, tổ chức, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu thuộc lĩnh vực quản lý để có biện pháp điều hành phù hợp; chuẩn bị và tính toán kỹ các phương án điều hành giá các mặt hàng Nhà nước định giá, các dịch vụ công theo lộ trình thị trường để tránh tác động cộng hưởng lên CPI trong thời điểm thị trường giá cả bị tác động do bão lũ.

Ngoài ra, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nắm bắt sát diễn biến giá cả thị trường, cung cầu hàng hóa trên địa bàn nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu của người dân.

Cùng đó, giám sát thị trường hàng hóa tại các chợ đầu mối, trung tâm mua sắm, siêu thị không để xảy ra tình trạng tạo khan hiếm, đầu cơ nâng giá, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tình trạng khẩn cấp, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh để tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý nhằm trục lợi.

Song song với đó, đảm bảo và tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa nhất là đến các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng chịu thiệt hại của bão lũ; tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường và báo cáo giá thị trường trên địa bàn theo đúng quy định.

Sở Tài chính chủ động phối hợp với các Sở, Ban, ngành để kịp thời tham mưu cho Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác quản lý, điều hành, bình ổn giá, căn cứ điều kiện, tình hình thực tế tại địa phương để xem xét quyết định việc thực hiện chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn khi có biến động bất thường xảy ra theo thẩm quyền và quy định pháp luật.

Tổng cục Dự trữ Nhà nước chỉ đạo các Cục Dự trữ nhà nước khu vực bố trí lực lượng 24/24h; tổ chức xuất cấp gạo, các phương tiện, vật tư cứu nạn, cứu hộ...kịp thời từ các kho dự trữ quốc gia cho các tỉnh, thành phố theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền, đúng quy định pháp luật.

Theo Thùy Dương (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Kiểm soát chặt hàng hóa dịp Tết

Kiểm soát chặt hàng hóa dịp Tết

(GLO)- Trước nhu cầu tiêu dùng tăng cao vào dịp cuối năm và Tết Ất Tỵ 2025, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả sẽ diễn biến phức tạp. Lực lượng chức năng tỉnh Gia Lai đã dồn toàn lực kiểm tra, kiểm soát thị trường, trong đó chú trọng các địa bàn nông thôn.

Các chủ thể OCOP đã lên thiết kế mẫu hộp quà tặng Tết. Ảnh: V.T

Sản phẩm OCOP vào mùa phục vụ Tết

(GLO)- Dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa, trong đó có các sản phẩm OCOP thường tăng rất cao. Thời điểm này, các chủ thể OCOP trên địa bàn tỉnh Gia Lai đang tập trung đẩy mạnh sản xuất, thiết kế mẫu mã bao bì phục vụ nhu cầu tiêu dùng và mua làm quà tặng dịp Tết.