(GLO)- Dù công việc kinh doanh đang phát triển thuận lợi cũng như có cuộc sống sung túc tại TP. Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Chất Sâm (SN 1968) đã quyết định bỏ phố về rừng mở trang trại trồng cây ăn quả kết hợp phát triển du lịch sinh thái.
Nặng tình với Ia Ly
Thật thú vị khi biết ông Sâm từng có thời gian dài gắn bó với mảnh đất Ia Ly khi tham gia xây dựng thủy điện tại đây. Sau khi công trình thủy điện lớn nhất miền Trung-Tây Nguyên hoàn thành, ông cùng gia đình vào TP. Hồ Chí Minh để kinh doanh và dần có cuộc sống sung túc nơi phố thị. Thế nhưng, với ông Sâm, Ia Ly luôn là nơi chất chứa nhiều kỷ niệm, tình cảm. Năm 2018, ông quyết định khăn gói về Ia Ly mua đất, mở trang trại với quy mô hơn 15 ha trồng các loại cây ăn quả như: sầu riêng Musang King, mít Thái, chanh dây… theo hướng hữu cơ. Tổng kinh phí đầu tư đến thời điểm này là hơn 13 tỷ đồng. Sau gần 2 năm, vùng đất cằn cỗi ngày nào giờ đã “thay da đổi thịt”.
Ông Sâm cho biết: “Vùng đất này trước đây được người dân trồng cao su nhiều năm nên chất đất đã bị thoái hóa, bạc màu. Sau thời gian cải tạo với các biện pháp tổng hợp như cày ải, bón phân chuồng… tôi tiến hành trồng hơn 10 ha sầu riêng Musang King xen với mít Thái và trồng hơn 3 ha chanh dây nhằm “lấy ngắn nuôi dài”. Riêng vườn chanh dây, năm vừa rồi tôi thu được hơn 500 triệu đồng. Sầu riêng và mít Thái vẫn đang sinh trưởng và phát triển rất tốt, dự kiến năm tới mít Thái sẽ bắt đầu cho thu hoạch”.
|
Nước được ông Sâm lấy trực tiếp từ núi về qua hệ thống ống dẫn mà không cần máy bơm. Ảnh: Q.T |
Ông Trần Đức Thắng-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pah: Trang trại của ông Sâm được đầu tư khá bài bản. Việc phát triển sản xuất nông nghiệp theo quy mô trang trại sẽ tạo thuận lợi trong quản lý, cấp mã vùng đối với sản phẩm nông nghiệp để kiểm soát nguồn gốc, chất lượng, đưa sản phẩm ra thị trường trong nước và xuất khẩu. Huyện sẽ tạo mọi điều kiện để hỗ trợ ông Sâm phát triển kinh tế trang trại, tiến tới hình thành điểm du lịch canh nông hấp dẫn trong tương lai. |
Với tư duy phát triển kinh tế bền vững, ông Sâm đặc biệt chú trọng áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh tế và ứng phó với sự biến đổi ngày càng khó lường của khí hậu. Theo đó, ông đã đầu tư gần 1 tỷ đồng làm cáp treo kéo đường ống dài hơn 2,5 km dẫn nước từ trên núi (có độ cao hơn 700 m so với mực nước biển) về hệ thống béc tưới cho toàn bộ trang trại mà không cần sử dụng máy bơm. Đặc biệt, với phương châm tạo ra những sản phẩm trái cây sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, ông Sâm ưu tiên dùng các chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ.
Việc phát triển trang trại trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ của ông Sâm không những tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương mà còn mở hướng, khích lệ phong trào phát triển kinh tế tại thị trấn Ia Ly nói riêng và huyện Chư Pah nói chung. Trang trại của ông đang tạo việc làm thường xuyên cho 20-30 lao động với mức lương bình quân hơn 5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, để giúp bà con phát triển kinh tế, tạo vùng nguyên liệu cho Công ty TNHH một thành viên Sâm Phát, ông đã hỗ trợ người dân trên địa bàn thị trấn Ia Ly 1.000 cây mít Thái và hướng dẫn trồng, chăm sóc theo hướng hữu cơ.
Anh Rơ Châm Thu (làng Bloi, thị trấn Ia Ly) phấn khởi cho biết: “Trước đây, cuộc sống của gia đình mình chủ yếu dựa vào 2 sào ruộng lúa và 5 sào mì nên gặp nhiều khó khăn. Từ khi vào làm thuê cho trang trại của ông Sâm, mình có thu nhập ổn định”.
Du lịch nông trại
Bên cạnh đầu tư phát triển nông nghiệp sạch, hướng đến xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ cho nhà máy chế biến nông sản của công ty, ông Sâm cũng từng bước xây dựng cảnh quan trang trại và các dịch vụ du lịch đi kèm, từng bước hình thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn. Theo ông Sâm, Ia Ly có tiềm năng du lịch rất lớn, nhất là du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Chính vì thế, ngay từ khi bắt đầu xây dựng trang trại, ông đã có ý tưởng biến nơi này thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn trong tương lai.
|
Vườn chanh dây đem lại cho ông Nguyễn Chất Sâm thu nhập hơn 500 triệu đồng trong năm 2019. Ảnh: Q.T |
“Trang trại của tôi có địa thế khá đẹp, lưng dựa núi, mặt hướng ra đập Thủy điện Ia Ly, rất thích hợp để phát triển du lịch nông nghiệp. Sắp tới, tôi sẽ tiếp tục đầu tư làm 3 hồ thả cá để mở dịch vụ câu cá thư giãn, trồng thêm nhãn, chôm chôm, dừa xiêm…, vừa tạo cảnh quan vừa phục vụ khách du lịch thích trải nghiệm làm nông nghiệp. Đồng thời, xây dựng các homestay ở lưng chừng đồi, mặt hướng ra hồ thủy điện; xây dựng hồ bơi với nguồn nước mát tự nhiên lấy từ trên núi… Dự kiến khoảng 2-3 năm nữa trang trại sẽ là điểm du lịch lý tưởng”-ông Sâm chia sẻ dự định.
QUANG TẤN