Bộ GTVT chuyển giao ngay 5 doanh nghiệp lớn về Ủy ban

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Hai ngày sau khi Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chính thức ra mắt, chiều 2/10, Bộ trưởng GTVT đã chủ trì buổi làm việc về công tác chuyển giao các doanh nghiệp về Ủy ban này quản lý.

 Vietnam Airlines là 1 trong 5 doanh nghiệp lớn sẽ được Bộ GTVT chuyển giao sớm về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước - Ảnh: Thanh Bình
Vietnam Airlines là 1 trong 5 doanh nghiệp lớn sẽ được Bộ GTVT chuyển giao sớm về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước.




Không để công việc chồng chéo, đình trệ

Theo quy định tại Nghị định số 131 ngày 29/9/2018 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, có 7 tập đoàn và 12 tổng công ty được Chính phủ giao Ủy ban trực tiếp làm đại diện chủ sở hữu. Trong số này, có 5 tổng công ty thuộc Bộ GTVT gồm TCT Hàng không VN (Vietnam Airlines), TCT Cảng hàng không VN (ACV), TCT Đường sắt VN (VNR), TCT Đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC) và TCT Hàng hải VN (Vinalines).

Ngay khi mở đầu cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định: “Thủ tướng yêu cầu các đơn vị phải làm tốt công tác bàn giao, đảm bảo công việc không chồng chéo, đình trệ”.

“Nghị định số 131 nêu rõ, trong vòng 45 ngày phải bàn giao xong. Bộ GTVT sẽ tiên phong bàn giao trước để các tổng công ty sớm ổn định, tập trung cho công việc”, Bộ trưởng nói và cho rằng, sẽ có rất nhiều việc phải làm.

Dẫn ví dụ về việc Bộ đang triển khai dự án 7.000 tỷ đồng của đường sắt, vừa qua, Bộ có phân cho Ban QLDA Đường sắt 2 dự án, TCT Đường sắt VN 2 dự án. Tuy nhiên, về nguyên tắc, thời gian tới TCT Đường sắt VN sẽ trực thuộc Ủy ban. Rõ ràng không thể giao TCT Đường sắt VN làm chủ đầu tư dự án vốn của Bộ GTVT được. “Cần khẩn trương tách bạch rõ chức năng quản lý nhà nước (QLNN) của Cục Đường sắt VN và TCT Đường sắt VN. Cái nào thuộc QLNN phải chuyển hết toàn bộ cho Cục Đường sắt VN”, Bộ trưởng yêu cầu. “Tương tự, với TCT Cảng hàng không VN (ACV), kế hoạch giao làm các sân bay cũng sẽ phải tách bạch”, Bộ trưởng nói.

Phát biểu tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Đường sắt VN Vũ Quang Khôi cho rằng, việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng bằng nguồn vốn ngân sách, theo quy định của Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách Nhà nước, Bộ GTVT không thể giao trực tiếp TCT Đường sắt VN thực hiện được. Kế đó, về việc quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt, Bộ sẽ chủ trì cùng Ủy ban thực hiện đặt hàng, giao nhiệm vụ cho TCT Đường sắt VN thực hiện nhiệm vụ công ích. “Việc thực hiện bảo trì hàng năm thực hiện thông qua đặt hàng, không giao trực tiếp như hiện nay”, ông Khôi nói.

Đối với việc quản lý tài sản, Cục Đường sắt VN đang xây dựng Đề án quản lý khai thác đường sắt, TCT Đường sắt VN vẫn sẽ là đơn vị quản lý sử dụng và khai thác tài sản này. Đơn vị quản lý Nhà nước Bộ giao sẽ quản lý tài sản, lập sổ sách.

Phía Cục Hàng không VN, Cục trưởng Đinh Việt Thắng cho rằng, không có vấn đề thay đổi gì trong công tác QLNN. “Đối với việc duy tu bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng không, theo Đề án Quản lý khai thác kết cấu hạ tầng hàng không đang được xây dựng, sẽ tiến hành đấu thầu. Còn về đầu tư kết cấu hạ tầng của hàng không, có 2 phương án. Thứ nhất, theo Luật Hàng không dân dụng VN, nhà khai thác cảng có trách nhiệm đầu tư. Bộ GTVT sẽ xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ giao ACV. Trường hợp không được sẽ làm theo quy định về đầu tư PPP, tiến hành đấu thầu”, ông Thắng nói.


 

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chủ trì buổi làm việc chiều qua (2/10) về việc chuyển giao 5 tổng công ty thuộc Bộ GTVTvề Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chủ trì buổi làm việc chiều qua (2/10) về việc chuyển giao 5 tổng công ty thuộc Bộ GTVTvề Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp



Quản lý theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, để công việc sắp tới được suôn sẻ, cần đẩy nhanh xây dựng các Đề án quản lý khai thác hạ tầng, liệt kê nội dung bàn giao với Ủy ban, làm rõ trách nhiệm các bên trong giai đoạn giao thời.

Cho rằng lâu nay mọi việc đều tương đối rõ ràng, rành mạch giữa QLNN và DN, Thứ trưởng Lê Đình Thọ nói: “Bộ GTVT sẽ thực hiện chức năng QLNN trên cơ sở chiến lược, quy hoạch. Việc của Bộ GTVT là nghiên cứu kế hoạch đầu tư và cơ chế chính sách”.

Đối với TCT Đầu tư đường cao tốc VN, TCT Hàng không VN, Thứ trưởng Thọ cho rằng: “Sẽ bàn giao nguyên trạng”.

Cũng như vậy, với TCT Hàng hải, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công cho biết: “Đã tách bạch rõ chức năng QLNN và chức năng kinh doanh của doanh nghiệp nên việc bàn giao sẽ không gặp khó khăn gì”.

Liên quan đến việc bàn giao VEC, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho hay, Bộ GTVT đang thực hiện tái cơ cấu lại TCT Cửu Long (CIPM) theo hướng sáp nhập về VEC. Để thuận lợi hơn, cần hoàn tất việc sáp nhập trước khi chuyển giao.

Một lần nữa khẳng định, phải tiến hành bàn giao nhanh nhất để các DN sớm ổn định hoạt động, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng nêu rõ: “Quan điểm là bàn giao nguyên trạng nhưng phải có hồ sơ rõ ràng”.

Bộ trưởng giao Thứ trưởng Nguyễn Nhật chủ trì cùng với Vụ Quản lý DN, Vụ Tổ chức cán bộ và các cơ quan có liên quan, khẩn trương làm các thủ tục để bàn giao CIPM sang VEC trước khi bàn giao cho Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN. “Các đồng chí Thứ trưởng cần chủ trì, làm rõ lộ trình bàn giao như thế nào, công việc gì ai làm, khi nào xong. Các cục, tổng cục chuyên ngành cũng cần rà soát lại công tác QLNN. Phía các tổng công ty cũng cần chủ động hơn. Khi chuyển giao có nguyện vọng gì, khó khăn ở đâu, phải nghiên cứu đề xuất, báo cáo lãnh đạo Bộ”, Bộ trưởng lưu ý.

Thanh Bình (baogiaothong)

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.