Bi Yông: Làng nông thôn mới kiểu mẫu

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Đến nay, cùng với buôn Biah A (xã Ia Tul), làng Bi Yông (xã Pờ Tó, huyện Ia Pa, Gia Lai) đã cơ bản hoàn thành xây dựng làng nông thôn mới kiểu mẫu. Hiện xã và huyện đang quan tâm định hướng để cải thiện cuộc sống, nâng cao thu nhập cho người dân làng Bi Yông. 
Điểm sáng xây dựng làng nông thôn mới
Thực hiện Chỉ thị 12-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số, huyện Ia Pa đã chọn buôn Biah A và làng Bi Yông để làm điểm trong năm 2018. Tháng 4-2018, huyện Ia Pa phê duyệt “Đồ án xây dựng làng nông thôn mới kiểu mẫu tại làng Bi Yông, xã Pờ Tó, giai đoạn 2018-2020”. Theo đó, bố trí sắp xếp lại khu dân cư Bi Yông với 155 hộ dân, trong đó có 131 hộ đồng bào dân tộc Bahnar; tổng diện tích đất quy hoạch 18,7 ha, tổng kinh phí dự kiến thực hiện trên 10,3 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ hơn 9,5 tỷ đồng, nhân dân đóng góp hơn 837 triệu đồng.
Trong năm đầu tiên thực hiện, huyện Ia Pa đã mở rộng diện tích đất làng Bi Yông lên hơn 3,8 ha; xây dựng một số tuyến đường giao thông nội làng, hệ thống nước sinh hoạt. Về quy hoạch sắp xếp lại dân cư, 71 căn nhà của 71/131 hộ đồng bào dân tộc thiểu số được sửa chữa, xoay hướng tại chỗ và di dời đến một số cụm dân cư mới quy hoạch trong làng. 
 Một góc làng Bi Yông. Ảnh: internet
Một góc làng Bi Yông. Ảnh: internet
Được sự quan tâm, trực tiếp chỉ đạo và kiểm tra của Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang cùng nỗ lực của cả hệ thống chính trị huyện Ia Pa, xã Pờ Tó, sự hỗ trợ của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 21 (Quân đoàn 3) cùng sự đồng tình hưởng ứng của bà con làng Bi Yông nên các phần việc di dời nhà cửa, sắp xếp dân cư diễn ra thuận lợi, đảm bảo kế hoạch. Nhìn ngôi nhà sàn vừa được di dời từ mép ruộng về dựng trên vuông đất bằng phẳng, quay hướng ra đường làng, ông Kpă Suối vui cái bụng lắm: “Gia đình mình có 4 người, trước đây ngôi nhà cũ chật chội, ẩm thấp, mưa thì nước lênh láng. Giờ được huyện hỗ trợ di dời nhà đến vị trí mới cao ráo, sạch sẽ rồi, không còn phải lo nữa”. 
Ông Đinh Xoan-Trưởng thôn Bi Yông-cho hay, đến nay việc di dời 44 căn nhà về nơi ở mới và chỉnh trang tại chỗ 27 căn nhà khác đã hoàn thành. Nhà nước đầu tư làm đường, kéo điện, nước sinh hoạt, hỗ trợ lưới B40 và cọc bê tông cho dân rào nhà, vườn tược… “Đặc biệt, các cán bộ đã giúp người dân thay đổi trong nếp nghĩ, cách làm kinh tế. Mỗi hộ được bố trí 600 m2 đất để làm nhà ở, làm vườn rau xanh và khu chuồng trại chăn nuôi gia súc. Trước đây, dân làng thả rông heo bò rất mất vệ sinh, rau xanh chủ yếu là rau rừng hoặc đi mua, nhưng giờ được cán bộ hướng dẫn nên nhiều hộ đã có mô hình vườn rau để cải thiện đời sống, nhiều nhà rau ăn không hết”-ông Đinh Xoan phấn khởi cho biết.
Về Bi Yông hôm nay ai cũng vui mừng trước sự đổi thay của diện mạo làng nông thôn mới. Ngay giữa làng là mái nhà rông cao vút; các trục đường làng được cứng hóa, bê tông hóa, chia các cụm dân cư theo ô bàn cờ. Những ngôi nhà sàn nằm cạnh nhau, khuôn viên vườn tược rào giậu bằng lưới B40 quy củ. Điện lưới quốc gia đang được kéo về tận nhà dân, 5 bể nước mới được xây dựng chia thành từng cụm dân cư để dân làng dùng chung…
Quan tâm phát triển sản xuất
Đến nay, làng Bi Yông đã định hình làng nông thôn mới kiểu mẫu, cho thấy chủ trương của Đảng đi vào cuộc sống hết sức thuyết phục. Tuy nhiên, để thay đổi tập quán sản xuất, hướng người dân đến việc ổn định và nâng cao thu nhập thì vẫn còn nhiều việc phải làm, bởi làng Bi Yông hiện còn trên 70% hộ nghèo. 
Mô hình vườn rau của hộ dân làng Bi Yông. Ảnh: Đ.P
Mô hình vườn rau của hộ dân làng Bi Yông. Ảnh: Đ.P
Trong dịp về vui Tết Nguyên đán vừa qua với bà con làng Bi Yông, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành bày tỏ sự vui mừng trước các kết quả đã đạt được. Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh cũng rất trăn trở: “Vì trách nhiệm và nghĩa tình với bà con vùng căn cứ cách mạng Bi Yông, tỉnh và huyện đã tập trung xây dựng làng nông thôn mới kiểu mẫu. Chúng ta làm được khu dân cư mới, nhà mới, con đường mới… nhưng đó mới chỉ là bước đầu. Ở đây chưa có kinh tế thị trường, bà con vẫn còn sản xuất tự phát, tự cấp, tự túc là chính. Sắp tới phải tổ chức lại sản xuất, mỗi gia đình có 600 m2 đất vườn, nhà, vì vậy phải tổ chức sản xuất để có hàng hóa đưa ra thị trường. Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND huyện, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể phải vào cuộc để giúp dân tổ chức sản xuất hàng hóa, từ đó thoát nghèo bền vững”. 
Về định hướng phát triển cho làng Bi Yông, Chủ tịch UBND huyện Ia Pa Nguyễn Thế Hùng cho hay, huyện đã mời Công ty cổ phần Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao đến để khảo sát và ký kết với huyện trong sản xuất hàng hóa nông nghiệp. Bước đầu đã có 1 hợp tác xã tại xã Pờ Tó liên kết với Công ty Đồng Giao để trồng dứa, đậu tương và đinh lăng. Sắp tới, huyện định hướng dân làng Bi Yông tận dụng lợi thế của địa phương để trồng điều, góp đất với hợp tác xã làm mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; phối hợp Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai để trồng mía. Trước mắt, huyện khuyến khích mỗi nhà sử dụng khoảnh đất trong khuôn viên nhà, vườn 600 m2 để trồng rau xanh cải thiện bữa ăn, đồng thời trồng rau lang để phát triển chăn nuôi heo đen giống địa phương hiện đang rất được giá.
 PHƯƠNG MAI

Có thể bạn quan tâm

Đức Cơ gặp khó trong thực hiện tiêu chí hộ nghèo

Đức Cơ gặp khó trong thực hiện tiêu chí hộ nghèo

(GLO)- Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong huy động nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới nhưng đến nay huyện Đức Cơ vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong thực hiện tiêu chí hộ nghèo đa chiều. Đến nay, toàn huyện chỉ có 2/9 xã đạt tiêu chí hộ nghèo đa chiều.

Đảng bộ Đồn Biên phòng Ia Púch nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện

Đảng bộ Đồn Biên phòng Ia Púch nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện

(GLO)- Nhờ triển khai thực hiện nghiêm nghị quyết của Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai và nhiệm vụ chính trị của đơn vị, thời gian qua, Đảng bộ Đồn Biên phòng Ia Púch (huyện Chư Prông) đã đạt được những thành tích nổi bật và khẳng định năng lực lãnh đạo toàn diện trên các mặt công tác.

Phú Thiện quyết tâm về đích nông thôn mới vào năm 2025

Phú Thiện quyết tâm về đích nông thôn mới vào năm 2025

(GLO)- Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) lần thứ XIX (nhiệm kỳ 2020-2025) đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 trở thành huyện nông thôn mới. Trên cơ sở mục tiêu đề ra, huyện đã huy động mọi nguồn lực xây dựng nông thôn mới và đạt được những kết quả khả quan.

Chư Păh quan tâm tạo sinh kế cho hộ nghèo

Chư Păh quan tâm tạo sinh kế cho hộ nghèo

(GLO)- Nhằm triển khai có hiệu quả Tiểu dự án 1-Dự án 3 về hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc Chương trình MTQG gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, huyện Chư Păh đã thành lập các tổ cộng đồng theo dõi, giám sát, hướng dẫn và hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo, cận nghèo.

“Điểm tựa” của làng Ngo Le

“Điểm tựa” của làng Ngo Le

(GLO)- Chòm râu dài, ánh mắt sáng, dáng người khỏe khoắn, nhanh nhẹn là ấn tượng của chúng tôi khi gặp già làng Rơ Lan Vọng, người được xem là “điểm tựa” của làng Ngo Le (xã Ia Krêl, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai).