Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên: Quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Tại Hội nghị lần thứ 11 (mở rộng) diễn ra vào ngày 5-4, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai khóa XVI đã tập trung đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác quý I, đề ra nhiệm vụ công tác trọng tâm quý II-2023 và giải quyết một số công việc thuộc thẩm quyền.

Chủ trì hội nghị gồm các đồng chí: Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Trương Hải Long-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Rah Lan Chung-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy.

Dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Quốc Tuấn-Phó Vụ trưởng Vụ Địa phương II (Ban Nội chính Trung ương); các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Tỉnh ủy viên, đại diện các cơ quan chuyên trách, giúp việc Tỉnh ủy và lãnh đạo các sở, ban, ngành.

Kết quả khả quan

Báo cáo tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn đã thông tin những kết quả mà tỉnh đã đạt được trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị quý I-2023.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Đức Thụy
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Đức Thụy

Theo đó, tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP) quý I của tỉnh đạt 5,91%. Vụ Đông Xuân 2022-2023, toàn tỉnh gieo trồng được hơn 78.883 ha cây trồng các loại (tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2022). Công tác phòng-chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi được theo dõi, chỉ đạo thường xuyên; chú trọng đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, phòng-chống cháy rừng vào mùa khô được chỉ đạo quyết liệt.

Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 6.917 tỷ đồng (tăng 15,86% so với cùng kỳ năm 2022). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 23.832 tỷ đồng (tăng 31,89%). Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 220 triệu USD (tăng 10%). Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt trên 7.065 tỷ đồng (tăng 1,71%). Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh ước đạt hơn 1.667 tỷ đồng (tăng 0,3% so với cùng kỳ năm trước).

Các lĩnh vực văn hóa-xã hội có nhiều khởi sắc. Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân được triển khai kịp thời, đúng đối tượng. An ninh chính trị, an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Công tác phòng-chống tham nhũng, tiêu cực, cải cách tư pháp, đối ngoại tiếp tục được quan tâm lãnh đạo.

Song song với đó, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị cũng đạt được những kết quả quan trọng. Các cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương đã triển khai rà soát, đưa ra khỏi quy hoạch và bổ sung quy hoạch các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý theo quy định; nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên và công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên gắn với xây dựng chi bộ thôn, làng, tổ dân phố có cấp ủy; thực hiện tốt chương trình kiểm tra, giám sát năm 2023. Công tác dân vận, dân tộc, tôn giáo được chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả gắn với các chương trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước...

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Đức Thụy
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Đức Thụy

Bên cạnh ghi nhận kết quả đạt được, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên đã thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh trong quý I; đồng thời, đề nghị các đại biểu phát huy tinh thần trách nhiệm, tập trung làm rõ những tồn tại, hạn chế, nhất là phân tích nguyên nhân và khó khăn, vướng mắc gặp phải; từ đó, đề xuất các giải pháp khắc phục, góp phần triển khai thực hiện tốt hơn nhiệm vụ trong quý II-2023.

Bàn thảo nhiều nội dung quan trọng

Theo báo cáo tại hội nghị, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 đã giao là trên 3.666 tỷ đồng; tính đến ngày 29-3, toàn tỉnh mới chỉ giải ngân 5,3% kế hoạch. Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đinh Hữu Hòa lý giải: “UBND tỉnh đã chỉ đạo, giao trách nhiệm cho các sở, ngành, địa phương và chủ đầu tư tập trung thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân ngay từ khi giao kế hoạch vốn. Tuy nhiên, kết quả giải ngân trong 3 tháng đầu năm vẫn đạt thấp. Nguyên nhân là do quý I chủ yếu tập trung vào thực hiện các thủ tục để phê duyệt dự án và đấu thầu”.

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đinh Hữu Hòa đề xuất giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong thời gian tới. Ảnh: Đức Thụy
Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đinh Hữu Hòa đề xuất giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong thời gian tới. Ảnh: Đức Thụy

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất một số giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian đến. Cụ thể: tập trung rà soát, chấn chỉnh, củng cố năng lực của các chủ đầu tư trong quản lý dự án; phối hợp làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, nhất là các dự án trọng điểm của tỉnh; cá thể hóa trách nhiệm của người đứng đầu, gắn kết quả giải ngân vào đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, chậm trễ trong giải ngân vốn; điều chuyển, cắt giảm các dự án không thực hiện hoặc chậm giải ngân để chuyển sang các dự án có tính chất về vốn tương tự…

Trong quý II, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tham mưu UBND tỉnh tổ chức hội nghị chuyên đề về công tác xúc tiến đầu tư gắn với xây dựng cơ bản nhằm đánh giá kết quả đạt được và tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân trong thời gian đến.

Liên quan đến sản xuất nông nghiệp, Bí thư Huyện ủy Chư Prông Đinh Văn Dũng cho hay: “Trong 3 năm qua, trên địa bàn huyện, cây sầu riêng và chanh dây có chiều hướng phát triển “nóng” về diện tích. Đến nay, toàn huyện có trên 1.000 ha sầu riêng; trong đó, 1/3 diện tích đã cho thu hoạch, còn lại là trồng mới theo hình thức xen canh. Từ năm ngoái đến nay, người dân cũng trồng gần 900 ha chanh dây, riêng vùng đồng bào dân tộc thiểu số có 150 ha”.

Bí thư Huyện ủy Chư Prông Đinh Văn Dũng bày tỏ lo lắng trước tình trạng người dân phát triển "nóng" diện tích sầu riêng và chanh dây. Ảnh: Đức Thụy
Bí thư Huyện ủy Chư Prông Đinh Văn Dũng bày tỏ lo lắng trước tình trạng người dân phát triển "nóng" diện tích sầu riêng và chanh dây. Ảnh: Đức Thụy

Về vấn đề này, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lưu Trung Nghĩa phân tích: Thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 11-11-2019 của Tỉnh ủy về phát triển sản xuất rau, hoa và cây ăn quả trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2040, đến nay, toàn tỉnh đã phát triển được 30.000 ha cây ăn quả; riêng chanh dây và sầu riêng mỗi loại đạt khoảng 6.000 ha. Căn cứ vào số liệu này, việc phát triển chanh dây và sầu riêng ở huyện Chư Prông chưa phải là quá “nóng” về mặt diện tích. Ngành Nông nghiệp cũng đã phối hợp UBND các huyện hướng dẫn người dân chỉ tổ chức sản xuất khi có hợp đồng ký kết với doanh nghiệp, sử dụng nguồn giống được quản lý và tích cực ứng dụng tưới tiết kiệm nước vào trồng trọt.

Đối với công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Huỳnh Quang Thái thông tin: “Tính đến hết quý I, toàn tỉnh kết nạp được 311 đảng viên, nâng tổng số đảng viên trong toàn Đảng bộ tỉnh lên 65.002 đảng viên. Trong đó, một số Đảng bộ có tỷ lệ kết nạp đảng viên khá thấp. Mặc dù số liệu này chưa thể hiện được bản chất nhưng nếu không có sự quan tâm nhất định thì sẽ rất khó đạt được chỉ tiêu đề ra trong năm và cả nhiệm kỳ”.

Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Huỳnh Quang Thái tham gia ý kiến tại hội nghị về công tác tổ chức, cán bộ và phát triển đảng viên. Ảnh: Đức Thụy
Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Huỳnh Quang Thái tham gia ý kiến tại hội nghị về công tác tổ chức, cán bộ và phát triển đảng viên. Ảnh: Đức Thụy

Trong khi đó, Bí thư Huyện ủy Krông Pa Tô Văn Chánh nêu thực trạng: Trên địa bàn tỉnh nói chung, huyện Krông Pa nói riêng có khá đông người dân từ nơi khác đến công tác. Trong quá trình phát triển đảng, hồ sơ lý lịch phải xác minh rất xa; thậm chí có những trường hợp huyện đã gửi đi xác minh 2 năm rồi nhưng không nhận được phản hồi. Điều này đã gây ách tắc trong thẩm định, kết luận tiêu chuẩn chính trị của cán bộ, đảng viên trước khi thực hiện công tác phát triển đảng và công tác cán bộ. Đề nghị tỉnh quan tâm kiến nghị với Ban Tổ chức Trung ương để có sự chỉ đạo chung trên cả nước, tạo điều kiện cho các địa phương hoàn thành nhiệm vụ.

“Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh yêu cầu các cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm quán triệt đến cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất; tiếp tục phát huy trách nhiệm, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, thấy đúng phải bảo vệ, thấy sai phải đấu tranh để tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương. Kịp thời chấn chỉnh, khắc phục mọi biểu hiện thụ động, trì trệ, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong tham mưu, đề xuất và giải quyết công việc theo chức năng, nhiệm vụ được giao”-Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên nhấn mạnh.

Còn Bí thư Thành ủy Pleiku Trịnh Duy Thuân cũng cho hay: “Thành phố cũng đang gặp khó trong công tác tạo nguồn và phát triển đảng viên, nhất là kết nạp đảng viên ở khu dân cư. Đến nay, chúng tôi chỉ mới kết nạp được 5 đảng viên trong tổng số 120 chỉ tiêu đề ra của năm 2023”.

Ngoài ra, một số khó khăn khác tiếp tục được các địa phương đề xuất tháo gỡ tại hội nghị như: Đất san lấp để triển khai thực hiện các dự án giao thông thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia; kế hoạch sử dụng đất cấp huyện năm 2023; một số khoản hụt thu trong tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh; vướng mắc trong quy hoạch sử dụng đất, kêu gọi xúc tiến đầu tư; bất cập trong quy định về bổ nhiệm chức danh phó hiệu trưởng trường học, quy định về chức danh tương đương ở các đơn vị sự nghiệp công lập, kết luận tiêu chuẩn chính trị…

Tại hội nghị lần này, các đại biểu còn nghe Ban cán sự Đảng UBND tỉnh và đơn vị tư vấn báo cáo những nội dung chính về mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu của Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và tham gia đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên, đây là nội dung rất quan trọng, làm tiền đề cho định hướng phát triển của tỉnh thời gian đến. “Đề nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo tiếp thu ý kiến tham gia tại hội nghị nhằm bổ sung, hoàn thiện quy hoạch để triển khai các bước tiếp theo”-Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo.

Bên cạnh đó, hội nghị còn cho ý kiến đối với 2 dự thảo Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 17-11-2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII “về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới” và thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9-11-2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII “về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”. Đối với 2 dự thảo văn bản này, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh giao Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp thu các ý kiến tham gia tại hội nghị để tu chỉnh, hoàn thiện các dự thảo văn bản và ký, ban hành.

Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Đức Thụy
Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Đức Thụy

Sau 1 ngày làm việc nghiêm túc và trách nhiệm, Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI (mở rộng) đã hoàn thành nội dung, chương trình đề ra. Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên đề nghị ngay sau hội nghị, các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội theo chức trách, nhiệm vụ và phạm vi trách nhiệm của mình, phát huy tinh thần đoàn kết nhất trí, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ đã đề ra.

Trong đó, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh phải khẩn trương hoàn chỉnh tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; thực hiện quyết liệt, hiệu quả các biện pháp khắc phục các nội dung theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành có liên quan đánh giá, rà soát hệ thống các chỉ tiêu về kinh tế-xã hội của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI để tham mưu, đề xuất thống nhất cách tính theo đúng quy định. Tập trung chỉ đạo rà soát, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các nghị quyết của Tỉnh ủy; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công.

Đồng thời, sớm phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm của các địa phương; tiếp tục quan tâm đến công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ trên lĩnh vực giáo dục và đào tạo, du lịch, đảm bảo an ninh chính trị, an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; chuẩn bị tốt các nội dung và điều kiện để tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ cấp tỉnh, cấp huyện.

Cùng với đó, tăng cường công tác nắm tình hình tư tưởng, tâm trạng của cán bộ, đảng viên, Nhân dân và dư luận xã hội; tham mưu thực hiện hiệu quả công tác tổ chức, cán bộ, phát triển đảng viên và nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở Đảng; thực hiện nghiêm Chương trình kiểm tra, giám sát năm 2023…

Có thể bạn quan tâm

Cận kề ngày Kiev sử dụng tên lửa tầm xa của Mỹ, Anh và Pháp để tấn công Nga và phản ứng của các nước

Cận kề ngày Kiev sử dụng tên lửa tầm xa của Mỹ, Anh và Pháp để tấn công Nga và phản ứng của các nước

(GLO)- Sau khi tổng thống Biden quyết định cho Kiev sử dụng tên lửa tầm xa của Mỹ để tấn công vào lãnh thổ Nga, Anh và Pháp cũng liền có động thái tương tự. Một số nguồn tin dự đoán vài ngày tới có thể Ukraine sẽ tiến hành những đợt tấn công đầu tiên vào đối phương với tên lửa có tầm bắn tới 306 km.