Bí ẩn nguồn tiền 7.400 tỷ ông chủ An Quý Hưng thâu tóm Vinaconex

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Công ty mẹ của Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã VCG) do ông Nguyễn Xuân Đông đã thất bại khi huy động 5.300 tỷ đồng qua hình thức phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Giới đầu tư nghi ngờ năng lực hoạt động của nhóm cổ đông An Quý Hưng trước áp lực tài chính nợ vay lên tới 7.400 tỷ đồng.
Dù lãi suất cam kết tới 12%/năm và tài sản đảm bảo là 255 triệu cổ phần VCG, tương ứng 58% vốn của Vinaconex - giá thị trường hơn 7.000 tỷ đồng nhưng vẫn không có nhà đầu tư nào mua vào.
Thất bại nhưng đợt chào bán trái phiếu huy động vốn "khủng" này cũng hé lộ nguồn tiền mua 255 triệu cổ phiếu VCG trong thương vụ thoái vốn điển hình cuối năm 2018.
Nghịch lý công ty trăm tỷ trở thành công ty mẹ “ông lớn” vạn tỷ.
Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cuối năm vừa qua bán ra 255 triệu cổ phần (57,71% vốn) Vinaconex, chính thức rút khỏi tổng công ty xây dựng lớn này. Nhà đầu tư trả giá cao nhất, đồng thời là gương mặt được "chọn mặt gửi vàng" là Công ty TNHH An Quý Hưng. Tổng giá trị thương vụ lên tới 7.367 tỷ đồng, tức An Quý Hưng đã trúng đấu giá khi hào phóng chi cao hơn 2.000 tỷ đồng so với mức giá khởi điểm của SCIC.
Ở thời điểm thâu tóm Vinaconex, cái tên lạ An Quý Hưng chưa được biết đến trên bản đồ doanh nghiệp Việt Nam song lại "gây sốc" giới tài chính khi đã vượt qua nhiều đối thủ khi chi tới 7.400 tỷ đồng cho thương vụ. 
Ngay sau đấu giá, nhiều lo ngại về nguồn tiền mua lô cổ phiếu Vinaconex được đặt ra, bởi quy mô cuả An Quý Hưng lúc đó khá nhỏ so với Vinaconex. Vốn hoá của Vinaconex lên tới 12.000 tỷ đồng. Tổng tài sản tính đến cuối 2018 cũng vượt 20.000 tỷ. 
 
Ông chủ của An Quý Hưng "nổi lên" bằng thương vụ thâu tóm nghìn tỷ tại Vinaconex 
Trong khi đó, theo hồ sơ thẩm định đấu giá được công bố, đầu năm 2018, An Quý Hưng chỉ có tài sản ngắn hạn gần 550 tỷ đồng, dài hạn 450 tỷ đồng và tổng cộng nguồn vốn chưa đầy 1.000 tỷ đồng. Đáng nói, năm 2017, công ty đạt 956 tỷ đồng doanh thu thuần và 62,4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Vốn điều lệ công ty cuối năm 2018 là 500 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông cũng rất cô đặc khi ông Nguyễn Xuân Đông nắm giữ 78,4% cổ phần và vợ ông Đông - bà Đỗ Thị Thanh nắm giữ phần còn lại.
Rõ ràng, điều này tạo ra một nghịch lý lơn khi An Quý Hưng là công ty nhỏ nhưng lại trở thành công ty mẹ của một doanh nghiệp lớn như Vinaconex. 
Về năng lực tài chính của thương vụ 7.400 tỷ đồng thâu tóm Vinaconex, lãnh đạo SCIC, ông Nguyễn Chí Thành cho biết, SCIC chỉ quan tâm đến tiền tươi thóc thật, còn việc thẩm định nguồn tiền đến từ đâu thì, có phạm pháp hay không là nhiệm vụ của cơ quan điều tra.
Bí ẩn nguồn tiền thâu tóm “ông lớn” Vinaconex của ông chủ An Quý Hưng
Sau thương vụ, nhóm An Quý Hưng chính thức nắm quyền chi phối ở Vinaconex. Cùng với quá trình thâu tóm, nhiều diễn biến tài chính của công ty mẹ Vinaconex được hé lộ. Tổng tài sản của An Quý Hưng trong 1 năm đã tăng phi mã, từ mức 1.000 tỷ đầu năm 2018 đã tăng lên gần 12.700 tỷ đồng, trong đó nợ đầu năm là hơn 534 tỷ đồng nhưng nợ cuối năm là hơn 12.000 tỷ đồng. Như vậy, hầu hết những tài sản mà An Quý Hưng có đều là tài sản vay, huy động vốn.
Theo bản cân đối kế toán, tài sản cố định chỉ có giá trị hơn 39 tỷ, bất động sản đầu tư hơn 42 tỷ, tài sản dang dở dài hạn gần 80 tỷ đồng. Tài sản lớn nhất là nguồn đầu tư tài chính dài hạn, khoảng 7.600 tỷ đồng.
Tổng các khoản nợ phải trả dài hạn của An Quý Hưng là hơn 8.000 tỷ đồng, trong đó vay và nợ thuê tài chính dài hạn là 200 tỷ, còn 7.800 tỷ đồng là khoản nợ phải trả khác. Khoản nợ này nhiều khả năng chính là An Quý Hưng vay bên thứ 3 để thâu tóm Vinaconex.
 
Nhiều hiện tượng "lạ" diễn ra tại Vinaconex khiến cổ đông lo ngại
Có ý kiến cho rằng, việc An Quý Hưng thâu tóm Vinaconex bằng tiền vay bên thứ 3 không phải quá mới trên thị trường chứng khoán, tiêu biểu cho việc "tay không bắt giặc". Tuy nhiên, việc vay một nguồn vốn lớn lên tới 7.400 tỷ đồng mà không cần tài sản đảm bảo là bất ngờ lớn trong bối cảnh siết chặt nguồn vốn ngân hàng hiện nay.
Vì vậy, rất có thể An Quý Hưng huy động thêm từ nguồn vay ngân hàng và tài sản thế chấp chính là lô cổ phiếu VCG. Khi đó, An Quý Hưng sẽ phải thế chấp toàn bộ số cổ phần đã mua để đảm bảo trả khoản nợ dài hạn như thể hiện trong bản cân đối kế toán năm 2018 của doanh nghiệp này.
Theo kịch bản "tay không bắt giặc", sau khi nắm quyền chi phối Vinanconex, An Quý Hưng sẽ phải sử dụng nhiều cách để xoay xở trả nợ trong đó có việc phát hành trái phiếu 5.300 tỷ nhưng đã thất bại, hay như "lấy mỡ nó rán nó" bằng cách rút dần nguồn tiền từ Vinaconex. 
Cuộc "nội chiến" ở Vinaconex vừa qua cũng xuất phát từ nguyên nhân này khi nhóm cổ đông Bất động sản Cường Vũ, Star Invest có đơn tố cáo và yêu cầu Toà án nhân dân quận Đống Đa áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời bảo vệ quyền lợi cổ đông vì ban lãnh đạo Vinaconex có nhiều khoản chi tài chính bất thường. Tuy nhiên, sau đó Toà đã bác yêu cầu của nhóm Cường Vũ vì nhóm cổ đông này chưa đạt điều kiện là cổ đông của Vinaconex trên 6 tháng.
Sau tất cả những diễn biến trên, nhà đầu tư cũng hiểu được phần nào việc cổ phiếu VCG tăng trong thời gian qua là có lý do đằng sau.
Vị chuyên gia cảnh báo rủi ro khi công ty mẹ của Vinaconex chịu áp lực nợ vay quá lớn có thể ảnh hưởng đến các quyết định chủ lực, chiến lược dài hạn của Vinaconex. Đặc biệt, nhóm An Quý Hưng đang nắm quyền chi phối, giữ hết các vị trí Chủ tịch, Tổng giám đốc, Kế toán trưởng, Trưởng ban kiểm soát ở Vinaconex.
Hiện tượng VCR
Một công ty con của Vinaconex là Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex (mã VCR) gần đây cổ phiếu cũng tăng bất thường, hàng chục phiên tăng trần liên tục. Hiện VCR đang được giao dịch ở mức 13.800 đồng/cổ phiếu, tương ứng vốn hoá 500 tỷ đồng. So với đầu 2019, VCR đã tăng trên 300%, từ mức 4.400 đồng/cổ phiếu.
Cổ phiếu tăng mạnh song kết quả kinh doanh công ty vẫn lao dốc. Quý I.2019, công ty không có doanh thu bán hàng và lỗ 1,7 tỷ đồng. Năm 2018, công ty cũng lỗ 11 tỷ, năm 2017 lỗ 15,8 tỷ đồng. Luỹ kế đến 31.3.2019, VCR vẫn lỗ luỹ kế 82 tỷ đồng.
Sau khi nhóm An Quý Hưng nắm quyền, hàng loạt các hiện tượng bất thường trên diễn ra. Tại Đại hội cổ đông năm 2019, VCR đặt mục tiêu doanh thu 2018 đạt 25,8 tỷ, lợi nhuận sau thuế vỏn vẹn 1,8 tỷ đồng. VCR cũng công bố lùi cổ tức tiền mặt năm 2010 đến năm 2020 mới thanh toán.  
 
 Phối cảnh tổng thể dự án Cát Bà Amatina
VCR đã lên chiến lược phát hành 3 triệu trái phiếu với giá 100.000 đồng/đơn vị (tổng giá trị thu về dự đạt 300 tỷ đồng), nhằm huy động vốn tiếp tục đầu tư dự án Khu đô thị Cái Giá, Cát Bà.
Sự tăng giá của VCR được cho là có những động thái liên quan đến dự án dở dang trên được tái khởi động. 
Tuy nhiên, giới đầu tư vẫn nghi ngờ năng lực hoạt động trở lại bởi nhóm cổ đông An Quý Hưng đang bị áp lực tài chính nợ vay lên tới 7.400 tỷ đồng.
Lê Thúy (Dân Việt) 

Có thể bạn quan tâm

Khai trương MB Smartbank Đak Đoa

Khai trương MB Smartbank Đak Đoa

(GLO)- Sáng 9-1, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB Bank) Chi nhánh Gia Lai khai trương hoạt động ngân hàng tự động (Smartbank) Đak Đoa tại số 289 Nguyễn Huệ (thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa).