Tiên phong ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nhãn khoa
Theo bác sĩ CKII Nguyễn Thanh Triết-Giám đốc Bệnh viện Mắt Bình Định, từ năm 2019, Bệnh viện đã đi đầu trong việc triển khai phần mềm Eyeluk EyeArt (Hoa Kỳ)-hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) hỗ trợ sàng lọc bệnh võng mạc đái tháo đường cho cộng đồng.
Đây là công cụ giúp tự động hóa quá trình phân tích hình ảnh võng mạc, hỗ trợ phát hiện sớm bệnh lý, qua đó rút ngắn thời gian khám và nâng cao hiệu quả điều trị.

Không dừng lại ở ứng dụng, Bệnh viện còn đẩy mạnh nghiên cứu khoa học gắn với công nghệ AI. Một thành tựu nổi bật là công trình sử dụng AI phát hiện phù hoàng điểm trên ảnh chụp OCT 3D, được đăng tải trên Tạp chí Y học New England Journal of Medicine (NEJM) vào năm 2024.
Đặc biệt, Bệnh viện Mắt Bình Định là đối tác tham gia dự án y tế toàn cầu Global RetFound-nền tảng AI mở cho nhãn khoa với mục tiêu phát triển các mô hình AI tiên tiến, có khả năng ứng dụng rộng rãi trong chăm sóc mắt toàn cầu. Công trình này đã được Tạp chí Nature Medicine chấp nhận xuất bản, đây là dấu ấn quan trọng cho y học Việt Nam trên bản đồ khoa học thế giới.
Bệnh viện cũng triển khai bệnh án điện tử (ERM) một cách bài bản và hiệu quả. Trong vòng 40 ngày, Bệnh viện hoàn thành giai đoạn 1 dự án, đáp ứng yêu cầu Bộ Y tế, đạt mức trưởng thành số cấp 7.
Bên cạnh đó, các hệ thống phần mềm như HIS (quản lý bệnh viện), LIS (xét nghiệm), PACS (hình ảnh y tế) được kết nối đồng bộ, tạo nên dòng dữ liệu xuyên suốt, an toàn và hiệu quả.

“Hồ sơ bệnh án được ký số và lưu trữ dưới dạng điện tử giúp tiết kiệm thời gian, nâng cao chất lượng điều trị và đảm bảo tính toàn vẹn thông tin y khoa”-bác sĩ Nguyễn Thanh Triết nhấn mạnh.
Để bảo đảm vận hành ổn định, Bệnh viện đã đầu tư hệ thống giám sát nhiệt độ, độ ẩm cho phòng máy chủ, lắp đặt máy quét vân tay, máy tính bảng và phủ sóng wifi toàn Bệnh viện.
Chuyển đổi số vì lợi ích người bệnh
Trước đây, bệnh nhân đến khám phải xếp hàng lấy số từ sáng sớm và quy trình khám chữa bệnh kéo dài tới 4 giờ. Giờ đây, nhờ hệ thống ki ốt bấm số tự động, tích hợp dữ liệu liên khoa, quy trình khám được rút ngắn còn 1-2 giờ. Đây là kết quả trực tiếp của chuyển đổi số, mang lại sự hài lòng, tiện lợi và tiết kiệm thời gian cho người bệnh.

Theo Bệnh viện Mắt Bình Định, trung bình mỗi ngày, Bệnh viện tiếp nhận khoảng 500 lượt bệnh nhân nhưng nhân lực còn hạn chế. Việc ứng dụng công nghệ vào tiếp đón, liên thông dữ liệu, sử dụng CCCD gắn chip... đã giảm áp lực cho nhân viên y tế, đồng thời tăng hiệu quả quản lý.
Chị Lê Mỹ Hạ (xã Tuy Phước) chia sẻ: “Chỉ cần đến Bệnh viện, bấm số đăng ký trên ki ốt là được gọi khám theo lịch. Rất tiện lợi và nhanh chóng”.
Hướng đến mô hình bệnh viện thông minh, bác sĩ Nguyễn Thanh Triết cho biết thêm: Bệnh viện đang bước vào giai đoạn 2 của quá trình chuyển đổi số, với nhiều hạng mục quan trọng. Đó là mở rộng hệ thống mạng nội bộ, tăng cường hiệu suất và ổn định; xây dựng hệ thống bảo mật toàn diện, an toàn dữ liệu và đầu tư hệ thống lưu trữ tập trung (SAN, NAS) phục vụ lưu trữ lâu dài bệnh án điện tử.
Bác sĩ Triết cho rằng, chuyển đổi số không chỉ là xu thế mà là động lực cốt lõi giúp bệnh viện tối ưu quy trình, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và từng bước xây dựng mô hình bệnh viện thông minh, lấy người bệnh làm trung tâm.