Bệnh viện Mắt Quốc tế Sài Gòn-Gia Lai: Chung tay phòng-chống mù lòa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Triển khai chỉ đạo của UBND tỉnh Gia Lai về thực hiện Chiến lược Quốc gia phòng-chống mù lòa trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, Bệnh viện Mắt Quốc tế Sài Gòn-Gia Lai đã triển khai nhiều chương trình có ý nghĩa với cam kết chung tay phòng-chống mù lòa cho người dân.

Đi vào hoạt động từ năm 2018 đến nay, Bệnh viện Mắt Quốc tế Sài Gòn-Gia Lai từng bước khẳng định là bệnh viện chuyên khoa mắt hàng đầu tại khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Đặc biệt, với hơn 35.000 ca phẫu thuật phaco thành công, Bệnh viện đã mang lại ánh sáng cho hàng ngàn người mù do đục thủy tinh thể tại Gia Lai và các tỉnh lân cận.

1a-1065.jpg
Bác sĩ Bệnh viện Mắt Quốc tế Sài Gòn-Gia Lai khám mắt sau phẫu thuật cho bệnh nhân. Ảnh: N.N

Thạc sĩ-bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Phượng-Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Mắt Quốc tế Sài Gòn-Gia Lai-cho biết: Ủy ban nhân dân tỉnh có công văn triển khai Chiến lược Quốc gia phòng-chống mù lòa trên địa bàn tỉnh đến năm 2030. Đây là định hướng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với cộng đồng. Thực hiện chủ trương của tỉnh, thời gian tới, Bệnh viện sẽ tập trung vào các chương trình hành động cụ thể như: tăng cường khám sàng lọc các bệnh lý về mắt tại các xã vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là các xã khó khăn, nhằm phát hiện sớm các bệnh lý có nguy cơ gây mù như đục thủy tinh thể, glaucoma, biến chứng võng mạc do đái tháo đường…

Ngoài ra, đơn vị sẽ phối hợp với các đoàn thể, trường học, cơ quan truyền thông, trạm y tế đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe về phòng-chống mù lòa trong cộng đồng; tổ chức các đợt phẫu thuật nhân đạo, ưu tiên cho người nghèo, người cao tuổi, người dân tộc thiểu số bị mù lòa do bệnh có thể điều trị được; đồng thời, tiếp tục nâng cấp cơ sở vật chất và trang-thiết bị, mở rộng chỉ định kỹ thuật, chuẩn hóa quy trình khám-chữa bệnh để đảm bảo chất lượng và an toàn.

2nn.jpg
Nhân viên y tế Bệnh viện Mắt Quốc tế Sài Gòn-Gia Lai hướng dẫn người dân chăm sóc mắt sau phẫu thuật điều trị đục thuỷ tinh thể. Ảnh: N.N

Theo Thạc sĩ Phượng, qua quá trình khám-chữa bệnh tại địa phương cho thấy, nguyên nhân chính gây mù lòa do đục thủy tinh thể chiếm tỷ lệ cao nhất. Ngoài ra còn có các nguyên nhân khác như glaucoma không được phát hiện sớm, biến chứng do bệnh lý đáy mắt như võng mạc đái tháo đường hoặc bệnh lý giác mạc do chấn thương, nhiễm trùng. “Từ khi đi vào hoạt động đến nay, mỗi năm, Bệnh viện đã thực hiện hơn 6.000 ca phẫu thuật phaco điều trị đục thủy tinh thể, hơn 35.000 ca đã được phẫu thuật xóa mù. Những con số này không chỉ thể hiện năng lực chuyên môn của Bệnh viện, mà còn là minh chứng cho hiệu quả của công tác phòng-chống mù lòa tại tỉnh”-bác sĩ Phượng thông tin.

Nhiều người nghèo, khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số bị đục thủy tinh thể gây mù lòa đã được thăm khám và hỗ trợ phẫu thuật miễn phí tại Bệnh viện Mắt Quốc tế Sài Gòn-Gia Lai, giúp tìm lại thị lực đôi mắt. Ông Ksor Bar (SN 1961, làng Ia Sâm, xã Ia Rong, huyện Chư Pưh) là một trong số đó. Hơn 1 năm qua, đôi mắt ông không nhìn thấy do bị đục thủy tinh thể. Nhà nghèo không có tiền chữa trị nên ông Bar cam chịu mù lòa. Tuy nhiên, niềm vui đã đến với ông khi mới đây, Bệnh viện Mắt Quốc tế Sài Gòn-Gia Lai tổ chức khám mắt miễn phí cho người dân huyện Chư Pưh và phát hiện trường hợp của ông. Bệnh viện đã hỗ trợ đưa ông lên phẫu thuật miễn phí.

Bác sĩ Huỳnh Nguyễn Hồng Điệp cho hay: 2 mắt của ông Bar đã bị đục trắng hoàn toàn. Đây là giai đoạn cuối của đục thủy tinh thể, chỉ thấy ánh sáng lập lòa trước mắt. Qua thăm khám, soi đáy mắt của ông, chúng tôi không nhìn thấy thần kinh sau đáy mắt. Sau khi được phẫu thuật, ông Bar đã hồi phục và nhìn thấy.

3a.jpg
Ông Ksor Bar đã phục hồi thị lực sau ca phẫu thuật điều trị đục thuỷ tinh thể. Ảnh: N.N

Chị Siu Hbriu (con gái ông Bar) chia sẻ: “Cha tôi bị đục thủy tinh thể khiến 2 mắt mờ dần và không nhìn thấy từ 1 năm qua. Gia đình tôi là hộ cận nghèo, kinh tế khó khăn nên chúng tôi chưa đưa ông đi khám. Vừa qua, được Bệnh viện Mắt Quốc tế Sài Gòn-Gia Lai khám và phẫu thuật miễn phí, cha tôi đã nhìn thấy được. Gia đình vui lắm, cảm ơn các bác sĩ và Bệnh viện đã hỗ trợ chữa trị miễn phí cho cha tôi”.

Tương tự, bà Đinh Thị Hnger (SN 1950, làng Stơr, xã Tơ Tung, huyện Kbang) vui mừng nói: “Tôi không nhìn thấy nhiều năm qua nhưng chưa đi khám vì không có tiền và cũng không nghĩ là sẽ chữa được. Vừa qua, các bác sĩ đến thăm khám và hỗ trợ đưa tôi lên Bệnh viện phẫu thuật miễn phí, giúp tôi tìm lại được ánh sáng. Tôi rất xúc động và biết ơn”.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Phượng cho hay: Hiện nay, người dân ở vùng sâu, vùng xa còn ít tiếp cận thông tin, chưa có thói quen khám mắt định kỳ. Nhiều trường hợp đến bệnh viện thăm khám khi thị lực đã giảm nặng. “Bệnh viện Mắt Quốc tế Sài Gòn-Gia Lai cam kết chung tay cùng với tỉnh trong triển khai Chiến lược Quốc gia phòng-chống mù lòa đến năm 2030.

Tuy nhiên, Bệnh viện cũng còn gặp một số khó khăn trong tổ chức sàng lọc, xin cấp thủ tục và tiếp cận địa bàn vùng sâu, vùng xa. Thêm vào đó, nguồn kinh phí cho các hoạt động nhân đạo còn hạn chế, trong khi nhu cầu của cộng đồng còn nhiều. Dù vậy, đơn vị sẽ nỗ lực khắc phục khó khăn để giúp người dân, nhất là các đối tượng chính sách, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh trong hành trình chăm sóc và bảo vệ thị lực”-bác sĩ Phượng khẳng định.

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai ghi nhận 68 ca mắc Covid-19

Gia Lai ghi nhận 68 ca mắc Covid-19

(GLO)- Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai, từ tháng 5-2025 đến nay, tỉnh Gia Lai đã ghi nhận 68 ca mắc Covid-19, đặc biệt trong hai tuần qua, số ca mắc Covid-19 có chiều hướng gia tăng với 59 trường hợp mắc được ghi nhận.

Sốt xuất huyết vào mùa cao điểm, Gia Lai ghi nhận 280 ca mắc

Sốt xuất huyết vào mùa cao điểm, Gia Lai ghi nhận 280 ca mắc

(GLO)- Tin từ Sở Y tế Gia Lai, từ đầu năm 2025 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 280 ca mắc sốt xuất huyết, không có tử vong. Hiện Gia Lai đã bước vào mùa mưa là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của véc tơ truyền bệnh, dự báo các ca mắc sốt xuất huyết sẽ tăng trong thời gian đến.

Trung Quốc phê duyệt lưu hành nội địa Vaccine Cecolin 9 ngừa HPV, tự sản xuất. (Ảnh: Global Times)

Sau Mỹ, Trung Quốc là quốc gia thứ hai tự sản xuất và cho phép lưu hành nội địa vaccine ngừa 9 chủng HPV

(GLO)- Ung thư cổ tử cung là một trong những loại ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ. Việc Trung Quốc thành công nghiên cứu, sản xuất và cho phép lưu hành nội địa vaccine ngừa 9 chủng HPV, là cột mốc đáng chú ý trong cuộc chiến phòng chống ung thư ở quốc gia đông dân thứ hai thế giới này.

Phát triển bút thông minh chẩn đoán bệnh Parkinson

Phát triển bút thông minh chẩn đoán bệnh Parkinson

Các nhà khoa học tại Đại học California, Los Angeles (UCLA) của Mỹ vừa công bố một thiết bị chẩn đoán mới có thể thay đổi hoàn toàn cách phát hiện bệnh Parkinson – căn bệnh thoái hóa thần kinh đang ảnh hưởng đến hàng triệu người trên toàn thế giới.

Giữ y đức sáng như gương Bác

Giữ y đức sáng như gương Bác

(GLO)- Bệnh viện Nhi tỉnh Gia Lai là đơn vị điển hình của ngành Y tế trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thấm nhuần lời Bác dạy “Lương y phải như từ mẫu”, mỗi cán bộ, nhân viên của Bệnh viện đều nêu cao y đức, tận tâm trong chăm sóc, cứu chữa cho người bệnh.

Dinh dưỡng hợp lý giúp tăng trí nhớ, giảm căng thẳng trong mùa thi. (Ảnh: Internet)

Chế độ dinh dưỡng mùa thi - Ăn đúng chất và đủ lượng

(GLO)- Mỗi mùa thi đến, học sinh phải đối mặt với áp lực lớn cả về thể chất lẫn tinh thần. Trong khi lịch học dày đặc và cường độ ôn luyện ngày càng cao, dinh dưỡng hợp lý chính là “chìa khóa vàng” giúp duy trì sự tỉnh táo, cải thiện trí nhớ và tăng khả năng tập trung.