Bảo vệ sức khỏe người dân từ các công trình nước sạch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Các công trình nước sạch được đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã giúp người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nguồn nước sạch đảm bảo vệ sinh, an toàn cho sức khỏe.

Từ năm 2020 trở về trước, người dân làng Quao (xã Nghĩa An, huyện Kbang) luôn trong tình trạng thiếu nước sạch mỗi khi vào mùa nắng nóng. Tuy nhiên, từ đầu năm 2021 đến nay, khi nhà máy cấp nước sinh hoạt công suất 1.000 m3/ngày đêm đi vào hoạt động, dân làng không còn thường trực nỗi lo thiếu nước phục vụ sinh hoạt.

Không chỉ làng Quao mà hơn 1.800 hộ dân ở xã Đông và Nghĩa An đã yên tâm hơn khi nước sạch dẫn về tận nhà ở.

Chị Đinh Thị Say (làng Quao, xã Nghĩa An, huyện Kbang) vui mừng khi được sử dụng nguồn nước sạch đảm bảo vệ sinh. Ảnh: T.D

Chị Đinh Thị Say (làng Quao, xã Nghĩa An, huyện Kbang) vui mừng khi được sử dụng nguồn nước sạch đảm bảo vệ sinh. Ảnh: T.D

Chị Đinh Thị Say (làng Quao) chia sẻ: “Trước khi có công trình nước sạch, gia đình tôi đều sử dụng nước giọt. Khổ nhất là vào thời điểm nắng hạn, chúng tôi phải ngồi hứng từng chai nước. Từ đầu năm 2021 đến nay, người dân đã có nguồn nước sạch từ nhà máy để sử dụng. Nhiều gia đình đã bắt đầu xây nhà bếp, khu nhà tắm và vệ sinh cho sạch sẽ hơn. Mọi người cũng không còn nỗi lo bệnh tật vì uống nước không hợp vệ sinh”.

Ông Lê Thanh Sơn-Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang-cho hay: Những năm qua, từ nhiều nguồn kinh phí, huyện đã đầu tư xây dựng hệ thống nước sạch phục vụ cuộc sống của người dân. Điển hình như Nhà máy cấp nước xã Đông và Nghĩa An với tổng vốn đầu tư hơn 47 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn trung ương và tỉnh hỗ trợ 90%, còn lại ngân sách địa phương và vốn huy động từ người dân.

“Các công trình nước sạch đã góp phần giảm tỷ lệ bệnh tật trong cộng đồng, nâng cao ý thức sử dụng tài nguyên nước hợp lý và bảo vệ môi trường. Tới đây, bằng các nguồn ngân sách, huyện sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống nước sạch trên địa bàn, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số”-ông Sơn cho biết.

Tại xã Hà Tam (huyện Đak Pơ), công trình cấp nước sạch nông thôn được xây dựng với tổng kinh phí trên 14,3 tỷ đồng, công suất thiết kế 491 m3/ngày đêm đã giúp 621 hộ dân sử dụng nguồn nước đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Phó Chủ tịch UBND xã Đặng Văn Lượng cho hay: “Trước đây, hầu hết các hộ dân sử dụng nước giếng. Tuy nhiên, các giếng thường bị nhiễm vôi, nhất là vào mùa khô nước cạn, có màu đục, phải lắng lọc mới dùng được.

Ngoài công trình này, tại làng Hway cũng có công trình nước sạch tự chảy được đầu tư xây dựng từ năm 2014. Nguồn nước được dẫn từ trên đỉnh núi về, đáp ứng đủ cho dân làng sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày”.

Nhà máy nước sạch xã Đông và Nghĩa An giúp hàng ngàn hộ dân được dùng nước sạch hàng ngày. Ảnh: T.D

Nhà máy nước sạch xã Đông và Nghĩa An giúp hàng ngàn hộ dân được dùng nước sạch hàng ngày. Ảnh: T.D

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT, đến nay, toàn tỉnh có 285 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại các thôn, làng. Trong đó, có 161 công trình cấp nước tự chảy và 124 công trình có bơm dẫn nước sinh hoạt cho người dân. Số hộ gia đình nông thôn sử dụng nước sạch đạt gần 53%, hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh đạt gần 98%.

Việc chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nước sạch nông thôn đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương, thúc đẩy quá trình hoàn thành chỉ tiêu về nước sạch nông thôn của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Đồng thời, từng bước nâng cao nhận thức của người dân về sử dụng nguồn nước sạch đảm bảo vệ sinh.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Văn Danh-Cán bộ phụ trách các dự án nước sạch của Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh-thông tin: Giai đoạn 2016-2022, đơn vị đã đầu tư xây dựng 12 công trình cấp nước sạch ở 10/17 địa phương trong tỉnh.

Để phát huy hiệu quả các công trình nước sạch đã được đầu tư, Ban sẽ phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, đơn vị quản lý thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân bảo vệ nguồn nước, tránh gây ô nhiễm. Đồng thời, tiến hành rà soát và bảo trì hệ thống đường ống, máy móc của các công trình nước sạch, đảm bảo tính bền vững.

Có thể bạn quan tâm

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Guo Jiakun ngày 10/1 cho biết, quy mô lây lan các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp ở Trung Quốc năm nay thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, và metapneumovirus ở người (HMPV) đã lưu hành hơn 60 năm, không phải chủng vi-rút mới.

Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai thu hút nguồn nhân lực trình độ cao

Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai thu hút nguồn nhân lực trình độ cao

(GLO) - Sau 1 năm đi vào hoạt động, Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai đã trở thành địa chỉ khám-chữa bệnh tin cậy trong khu vực. Trong định hướng phát triển, đơn vị tiếp tục có chính sách thu hút nguồn nhân lực trình độ cao nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng tốt hơn.

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Virus gây viêm phổi trên người (Human Metapneumovirus - HMPV) gây ra biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm phế quản, cơn hen suyễn hoặc bùng phát bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), suy hô hấp, viêm tiểu phế quản nặng đặc biệt là trẻ em.