Bài 3: Thao thiết một vùng đất mũi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đoạn quốc lộ 1A từ Bạc Liêu đi Cà Mau dài khoảng 70 cây số nhưng tôi đếm có trên 10 cây cầu đang thi công dở dang. Chỉ vài năm nữa thì dự án nâng cấp quốc lộ 1A sẽ hoàn chỉnh, con đường thiên lý Bắc Nam sẽ thông suốt từ Hữu nghị quan đến bán đảo Cà Mau. Ngay cả đoạn đường 60 cây số từ TP. Cà Mau đi huyện Năm Căn hướng ra Đất Mũi cũng đã được nâng cấp.
Chúng tôi dừng ô tô tại trung tâm huyện Năm Căn để xuống ca nô ra Đất Mũi. Bên kia sông đã là huyện Ngọc Hiển. Thị trấn Năm Căn bây giờ đã trở nên nhộn nhịp hơn rất nhiều so với trước đây. Nhiều gia đình đầu tư hàng tỷ đồng để mua sắm ca nô phục vụ khách tham quan Đất Mũi. Mặc dù đã kịp mặc vào người chiếc áo phao song nhìn ra con sông Cái đầy ắp nước tôi vẫn có cảm giác sờ sợ. Chưa kịp định tâm, chiếc ca nô của cơ sở du lịch Quốc Kiệt đã rú ga nhấc bổng bốn người chúng tôi vút ra giữa dòng sông Cái. Hoang mang, thích thú, tốc độ… tất cả như đẩy chúng tôi vào trạng thái không trọng lượng.
Ảnh: Duy Lê
Ảnh: Duy Lê
“Riết rồi quen…”- câu nói của anh bạn đồng nghiệp trẻ tuổi Nguyễn Văn Phú ở Cà Mau đã giúp tôi yên tâm phần nào. Vượt qua khoảng hơn 10 cây số trên sông Cái, ca nô rẽ vào con rạch với những bờ đước tỏa bóng xuống dòng nước xanh ngan ngát. Xa xa những chiếc vỏ lãi gắn máy như mảnh trăng thượng tuần mong manh lướt nhẹ nhàng trên sóng nước. Hai bên bờ rạch thi thoảng những mái nhà lá nhô ra. Chiếc máy ảnh trong tay tôi như “sôi” lên, bởi phía trước, đằng sau, hai bên tả hữu… đâu cũng đẹp, cũng nên thơ.
Phải mất gần một giờ đồng hồ với vận tốc trung bình 45 km/giờ, chúng tôi mới đặt chân lên mảnh đất tận cùng của Tổ quốc. Không còn là một mũi đất hoang sơ trước đây, đất Mũi bây giờ đã hiện diện nhiều công trình có ý nghĩa như: Vọng hải đài, Mốc tọa độ quốc gia, mũi thuyền, cầu làng rừng, nhà hàng, ki ốt… Đứng ở Vọng hải đài cao 21 mét nhìn về mỏm đất tận cùng, trong tôi bỗng trỗi dậy hai câu thơ của Xuân Diệu:
Tổ quốc tôi như một con tàu
Mũi thuyền ta đó Mũi Cà Mau.
Dường như tất cả thành viên trong đoàn chúng tôi đều cảm nhận được sự nở ra của từng thớ đất, cái vươn vai của mắm, của đước trong hành trình lấn biển. Chả thế mà người dân Đất Mũi thường có câu “Cây mắm đi trước, cây đước theo sau”, mỗi năm đất Mũi choài ra biển 80-100 mét. Dõi theo hành trình lấn biển của phù sa, con người có mặt nơi đầu sóng ngọn gió này từ rất sớm, để bây giờ hình thành một cộng đồng xóm Mũi với trên 30 nóc nhà. Trong ký ức của người dân xóm Mũi vẫn còn đọng lại hình ảnh của bác Ba Nhớ- người lập nên xóm này cách đây hơn 30 năm. Thế hệ ông giờ đã về với lặng thầm sông nước, bây giờ là thế hệ của Võ Văn Mận- cậu bé gác đăng cá kèo- có cái nhìn trong veo mà chúng tôi vô tình gặp được nơi xóm Mũi. Mận nói với tôi: Mỗi ngày chiếc đăng của cậu đem về khoảng 50 ngàn đồng tiền bán cá kèo giống. Muốn học lắm nhưng vì ở xa trường (trung tâm xã Đất Mũi) nên phải nghỉ và làm ngư dân đất Mũi thôi…
Ảnh: Văn Phú
Ảnh: Văn Phú
Bước vào quán tạp hóa duy nhất trên đường, tôi gặp một người đàn ông có khuôn mặt rất dễ gần. Hỏi ra mới biết anh là Trần Văn Triều- Phó Trưởng ban Quản lý Khu Du lịch Mũi Cà Mau. Với hơn 10 năm tăng cường cơ sở, anh hầu như nằm lòng những gì thuộc về Đất Mũi. Từ đặc trưng của Khu Dự trữ Sinh quyển Mũi Cà Mau rộng 42 ngàn ha, dự án đầu tư phát triển du lịch (được phê duyệt năm 2000) với 23 hạng mục công trình đến cuộc sống từng người nơi đất mũi. Trong “bài” phỏng vấn cà kê với anh, có hai điều làm tôi không thể nào quên: Khí hậu rất trong lành và đây là vùng đất của tương lai. Lang thang từ bãi biển, nhà hàng, quán xá, thậm chí vào xóm Mũi… nhưng tôi chưa bao giờ thấy cảnh “mày nheo”. Có lẽ dù đã sống hay mới đặt chân lên đất Mũi, ai cũng thấy mình thánh thiện hơn.
Bữa trưa ở vùng đất mới này cũng đặc biệt so với “nội địa”. Chỉ có cá nâu kho tộ, cá dứa nấu mẻ mà ngon đến lạ. Có lẽ nó ngon bởi đã nhuốm cái mặn mòi biển cả và thao thiết lòng người.
Ngày hôm ấy chúng tôi là những người cuối cùng chia tay Đất Mũi trước khi mặt trời trôi dần về phía hoàng hôn. Cả đất Mũi như ánh lên thứ ánh sáng diệu kỳ của phù sa ngàn đời bồi đắp nên mũi thuyền Tổ quốc.
Duy Danh

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.