Bài 3: Những phận người chìm nổi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hầu như đoàn du khách người Việt nào sang Campuchia cũng đều ghé thăm hồ Tonlé Sap mặc dù trong tour không hề có chương trình này. Hồ Tonlé Sap cách thành phố Siem Reap hơn 13 km và không lạ với người Việt bởi chúng ta thường gọi là Biển Hồ.
Đây là hồ nước ngọt rộng nhất Đông Nam Á và lớn thứ ba trên thế giới có vai trò điều tiết nước cho vùng đồng bằng Nam bộ của Việt Nam: Từ tháng sáu, mùa lũ về nước từ sông Mê Kông đổ vào Tonlé Sap và đến tháng mười một, mười hai, nước từ hồ lại theo sông chảy về Cửu Long cuốn theo lớp lớp phù sa mỡ màng tưới cho đồng bằng Nam bộ. Năm 1997, hồ Tonlé Sap được tổ chức UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới.
Làng nổi Tonlé Sap. Ảnh: T.P
Làng nổi trên hồ Tonlé Sap. Ảnh: T.P
Chính anh hướng dẫn viên du lịch người Campuchia Sam Yin đưa chúng tôi đi thăm hồ sau khi đã mua vé 20 USD cho một người. Trên bến thuyền có hơn 30 chiếc thuyền máy khá lớn được lắp khoảng chục băng ghế loại hai chỗ ngồi và trang bị áo phao cho du khách. Thuyền nổ máy quay mũi, Yin tranh thủ thông tin cho chúng tôi: Hồ Tonlé Sap có diện tích mùa khô 2.590 km2, sâu khoảng 1 mét, ngược lại mùa mưa nước hồ dâng cao mặt hồ rộng đến hơn 24.600 km2, sâu 10 mét. Quanh hồ tập trung nhiều cộng đồng người Việt, người Chăm và cả người Campuchia sinh sống trên 7 làng nổi trên hồ, trong đó người Việt có 2 làng với hơn 300 hộ, sống chủ yếu bằng nghề chài lưới, làm thuê. Gọi là làng nổi bởi các ngôi nhà ở đây đều được đặt trên những mảng bè bập bềnh, chao đảo, lên xuống theo con sóng.
Mũi thuyền rẽ nước đưa chúng tôi men theo bờ ra giữa hồ ngang qua một ngôi nhà nổi khá lớn có biển Trường học Việt Nam bằng chữ Việt và Khmer. Đang trong giờ học, máy thuyền nổ lớn và lộng gió nên không nghe được tiếng học bài, chỉ thấy bên trong lô nhô những mái đầu trẻ em. Thuyền tiếp tục chạy chừng 5 phút sau đã ra đến làng nổi. Một chiếc xuồng nhỏ gắn máy xả hết tốc lực vọt theo, mặc cho sóng thuyền đánh tròng trành, trên xuồng là một người đàn ông và một bé gái. Chưa kịp hiểu điều gì thì như làm xiếc, nhanh như cắt bé gái đã nhảy phóc lên mạn thuyền và bước vào trong khoang, trên tay ôm mấy lon bia và nước ngọt, mời chào bằng tiếng Việt.
Xuồng người Việt Nam áp vào thuyền du lịch. Ảnh: T.P
Xuồng người Việt Nam áp vào thuyền du lịch. Ảnh: T.P
Cũng chưa ai kịp mua thì ngay sau đó hàng chục chiếc xuồng nhỏ khác đã áp sát thuyền chúng tôi, mặc cho những ngọn sóng đánh tràn lên làm xuồng như muốn lật nhào. Trên xuồng là người lớn, trẻ em, có xuồng đến hai ba đứa trẻ mình trần, đen xỉn, tóc cháy nám, thậm chí có đứa còn cởi truồng, trên cổ quấn con trăn ngọ nguậy. Những âm thanh đủ cung bậc rộ lên, mếu máo xin tiền: Chú ơi, cô ơi, anh ơi, chị ơi… Giữa mênh mông Tonlé Sap, gặp đồng bào ruột thịt ai nấy trong chúng tôi cũng đều động lòng trắc ẩn, có bao nhiêu tiền lẻ: Ria, VND, đô la đều lấy ra cho mà không kịp hỏi han gì. Như biết có đoàn du khách người Việt sang nên từ những lùm bụi bên bờ hồ, những chiếc xuồng nhỏ lại xé nước ào ra…
Không cho xuể, lòng trĩu buồn và cũng không còn chút hứng thú ngắm cảnh mặc dù mặt hồ Tonlé Sap rất đẹp, mênh mông như biển, thuyền quay mũi đưa chúng tôi trở vào và ghé lại một ngôi quán nổi bên hồ. Khẩu phần mỗi người một lon bia (hoặc nước ngọt), nhắm với tép luộc (to như tôm) chấm muối tiêu và ăn thỏa thích. Một vài xuồng bám theo chúng tôi, cập sát hàng hiên. Bé Loan 10 tuổi nhỏ như đứa trẻ lên 6 mếu máo: “Chiều nay con không học nên ra đây xin tiền”. Một phụ nữ ốm yếu che nắng cho đứa trẻ sơ sinh bằng tấm ni-lon buộc vào bốn que nhỏ cột tạm vào mạn xuồng rên rỉ: "Các chú, các cô cho tui ít đồng, con còn nhỏ, tui không biết làm gì sống!"
Lớp học sau giờ tan trường. Ảnh: T.P
Lớp học sau giờ tan trường. Ảnh: T.P
Miếng tép nghẹn lại trong cổ, chúng tôi vét những đồng bạc nhỏ cuối cùng chồm sang đưa cho bé Loan và cho chị, hy vọng chúng sẽ đỡ đần họ trong buổi chiều muộn này…
Mặt trời như chiếc mâm đỏ lừ trôi về phía Tây. Lớp học trên hồ đã tan. Những chiếc xuồng nhỏ, máy có, chèo có, chở trên đó những đứa trẻ mặc quần áo đủ màu, đủ kiểu, mũi xuồng hướng về phía làng nổi. Yin cho biết trường hiện chỉ dạy đến lớp 4 và phải dạy luân phiên mỗi lớp học 2 giờ một ngày bởi trường chỉ có một phòng học. Hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, thiếu thốn nên các em thường bỏ học, “thì học được lúc nào hay lúc đó ấy mà”-Yin lắc đầu cho biết.
Thuyền đã gác mũi lên bờ Tonlé Sap nhưng lòng tôi còn gởi lại khoảng trời nước mênh mông ngoài kia. Nỗi buồn về những phận người chìm nổi vẫn còn mãi trong tôi…
Thanh Phong

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.