Bài 2: Mưu sinh ở chợ đêm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ngoài ý nghĩa là chợ đầu mối thực phẩm lớn nhất tỉnh, chợ đêm đã giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động, nhất là người nghèo thành phố.
Chợ đêm là bức tranh đa sắc về những cảnh đời mưu sinh: Từ bà lão tuổi bát tuần đến cậu bé chưa kịp bước qua tuổi thơ; từ những người gắn bó suốt thanh xuân của cuộc đời đến những người chỉ mới bước vào phường bán buôn. Cũng có người ăn nên làm ra, đổi đời từ đây, lại có những người đánh đổi từng giọt mồ hôi để mưu cầu cuộc sống… Nhưng dù là ai, họ đều chung nỗi nhọc nhằn với gánh nặng áo cơm.
Hàng trăm người như chị Hoa trắng đêm với mỗi chuyến hàng để mưu sinh. Ảnh: Hoàng Ngọc
Hàng trăm người như chị Hoa trắng đêm với mỗi chuyến hàng để mưu sinh. Ảnh: H.N
Nuôi con từ những đêm trắng
2 giờ sáng, thời điểm chợ đêm nhộn nhịp nhất, chúng tôi đã thấy rất nhiều người buôn bán nhỏ ở các huyện xa như Krông Pa, Ia Pa hay Kông Chro, Kbang… mua hàng xong, chuẩn bị ra về. Để có mặt ở đây lấy hàng về kịp cho buổi chợ sáng ở huyện, họ phải đi từ gà gáy và ra về lúc trời vừa rạng. Cái lạnh buốt của đêm không làm ngại bước dù họ là phụ nữ.
Chị Hoa đến từ huyện Chư Pah cho biết, đã 15 năm nay, chị gắn bó với chợ đêm. Cũng chừng ấy năm, chị trắng đêm cùng những buổi chợ. Mỗi ngày, người phụ nữ này phải đi xe máy khoảng 80 km xuống chợ đêm lấy hàng, rồi đưa lên Ia Ly bán lẻ. Những ngày thời tiết thuận lợi còn đỡ vất vả, những đêm trời mưa, một mình đi về với 2 sọt hàng nặng trĩu, không biết bao nhiêu lần chị ngã dúi dụi.
Chị tâm sự: “Bù lại nỗi vất vả ấy, tôi đã nuôi bốn đứa con ăn học từ chiếc xe 2 sọt này. Đứa lớn đã vào Đại học Du lịch, mỗi tháng gửi khoảng hai triệu rưỡi, chưa kể khi cháu đi tour phải gửi thêm 300-500 ngàn đồng”. Con cái học càng cao tỷ lệ thuận với những sọt hàng của người mẹ 42 tuổi ngày càng nặng. Mỗi ngày, chị chỉ được ngủ khoảng 3-4 tiếng đồng hồ.
Anh Duẩn (37 tuổi)- huyện Chư Sê cũng là khách hàng lâu năm của chợ đêm. Ban ngày, anh làm vườn, đêm xuống anh chạy xe hơn 40 km từ huyện Chư Sê lên chợ đêm lấy hàng về cho vợ bán. Anh cho hay: “Vợ phải trông hai đứa con nhỏ nên tôi tranh thủ đi lấy hàng. Hàng hóa chủ yếu bán nợ cho nông dân đến mùa mới lấy được. Dù vậy, tôi vẫn phải cố gắng lấy hàng để bán nhằm kiếm thêm chút tiền dành dụm để nuôi con ăn học sau này”.
Chợ… “đời”
Giữa tiết trời giá lạnh của Phố núi về đêm, bà Lê Thị Thái- quê Bình Định thoăn thoắt đếm dừa chia vào từng bao tải nhỏ để chờ người đến lấy. Sự nhanh nhẹn của bà cụ ở tuổi 75 khiến chúng tôi bất ngờ. Đã trên 20 năm bán dừa ở đất Gia Lai, khi chợ đêm hình thành, bà có lượng bạn hàng thân thiết nên việc bán buôn gặp nhiều thuận lợi. Bà khoe có tới 4 bằng khen và huân, huy chương từ kháng chiến chống Mỹ, con cái vất vả nên bà không muốn phụ thuộc. Có đếm hết những sợi tóc bạc phơ trên mái đầu bà cũng không bằng những đêm trắng bà đã thức cùng chợ đêm.
Bà cho hay: “Mấy mươi năm lặn lội buôn bán ngược xuôi, hết nuôi con rồi nuôi cháu, đi gần hết cuộc đời rồi vẫn thấy tiếc, thấy nhớ bạn nhớ phường. Tôi còn may mắn hơn những người bốc vác, bán sức lao động mà kiếm chẳng được bao nhiêu…”.
Đội quân “cửu vạn” ở chợ đêm đông đảo hơn bất cứ khu chợ nào của thành phố. Không chỉ có đàn ông sức dài vai rộng, nhiều phụ nữ vì cuộc sống khốn khó cũng gia nhập hàng ngũ bốc vác tại đây. Chỉ một đêm mất ngủ cũng khiến nhiều người mệt mỏi, hốc hác. Nhưng những người bốc vác, không chỉ triền miên thức trắng đêm, mỗi đêm họ còn oằn lưng bốc vài tấn hàng hóa.
Công việc của họ kéo dài từ 8 giờ tối cho đến tận sáng. Vất vả, nặng nhọc là thế nhưng mỗi đêm, công lao động của họ cũng chỉ 80-100 ngàn đồng/người. Có những người mới bước vào tuổi 30 nhưng đã có thâm niên 15 năm sống bằng nghề bốc vác. Tuổi thanh xuân của họ qua đi cùng những đêm trắng nhọc nhằn, số tiền ít ỏi kiếm được chỉ đủ cho họ sống qua ngày, nhiều người vẫn chưa tìm được con đường nào sáng sủa hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh gam màu ấy cũng xuất hiện nhiều tiểu thương, do có vốn, biết cách đầu tư nên họ tìm thấy cơ hội làm ăn tại chợ đầu mối này và phất lên nhanh chóng. Hơn 10 năm trước, chị Kim Thảo (34 tuổi)- quê Bình Định, lên Gia Lai với hai bàn tay trắng, làm thuê đủ nghề kiếm sống. Cơ duyên đến với chị bởi cuộc gặp tình cờ với anh Hải- chồng chị hiện nay. Nhà anh buôn bán hành tỏi tại chợ đêm.
Sau khi kết hôn, gia đình chồng tạo điều kiện cho vợ chồng chị cùng làm ăn. Có được chút vốn, chị mạnh dạn đứng ra làm đầu mối cung cấp quả khóm (thơm) cho bạn hàng buôn bán nhỏ tại chợ đêm. Mỗi đêm, vợ chồng chị phân phối hàng ngàn trái khóm cho bạn hàng mang đi khắp các nơi. Buôn bán thuận lợi, chị phất lên nhanh chóng. Thay vì ở trọ, chị đã mua được nhà ngay mặt đường Lê Thánh Tông (TP. Pleiku), mua ô tô phục vụ công việc…
Đằng sau hàng trăm số phận mưu sinh tại chợ đêm là những đứa con được học hành đàng hoàng, được bước chân vào giảng đường đại học; là những cha mẹ già được nuôi dưỡng, là những nhu cầu cuộc sống được đáp ứng. Chỉ có nỗi nhọc nhằn và thiệt thòi là không thể đo đếm được…
Hoàng Ngọc

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.