Ba cô giáo ở Pleiku xin hiến tạng: "Cho đi là còn mãi"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với mong muốn trước khi ra đi mãi mãi vẫn kịp giúp “hồi sinh” cho nhiều cuộc đời khác ở lại, 3 giáo viên Trường Mầm non Hoa Hồng (TP. Pleiku) đã có một nghĩa cử hiếm thấy: đăng ký hiến mô, tạng sau khi qua đời.
1. Hơn 7 năm qua, cô giáo Tô Thị Hương (SN 1971) đã tham gia hiến máu gần 20 lần. Trong đó, rất nhiều lần cô đã hiến máu trực tiếp, giúp nhiều bệnh nhân qua cơn nguy kịch. Với nghĩa cử ấy, cô vừa được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong chương trình “Hành trình đỏ-Kết nối dòng máu Việt”. Không dừng lại ở thông điệp “Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”, năm 2015, cô tiếp tục liên hệ trực tiếp với Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh) để đăng ký hiến mô, tạng sau khi qua đời.
Nói về lý do của những hành động đẹp kể trên, cô giáo Tô Thị Hương cho hay, bản thân cô đã phải chứng kiến quá nhiều đau đớn về thể xác và sự ra đi của những... người dưng. Cô kể: “Khi đi chăm bố mẹ ở các bệnh viện khác nhau, tôi đã chứng kiến rất nhiều sự ra đi mà lẽ ra họ đã có thể được cứu sống nếu truyền máu hoặc ghép tạng kịp thời. Năm 2016, khi đi chăm cháu bị ung thư máu, tôi lại càng nhận ra nguồn máu được hiến quý giá đến thế nào đối với những bệnh nhân này. Ngay sau đó, tôi đã quyết định đăng ký hiến máu, tham gia nhiều câu lạc bộ hiến máu tình nguyện trong tỉnh”. Hiểu rõ ý nghĩa của nghĩa cử hiến máu nhân đạo, cô đã tích cực tuyên truyền, vận động gia đình, bạn bè và đồng nghiệp cùng tham gia. Trường Mầm non Hoa Hồng đã trở thành đơn vị có thành tích xuất sắc trong phong trào hiến máu nhân đạo.
Cách đây 5 năm, cô giáo Hương quyết định đăng ký hiến mô, tạng. Thời điểm đó, với quan niệm truyền thống, nhiều người chưa hiểu đã cho rằng hiến tạng là trái với phong tục tập quán bao đời nay. Nhưng cô thì luôn thanh thản bởi ý nghĩ: “Chết cũng nhẹ nhàng như sự cho đi”.
Từ phải sang, các cô giáo: Tô Thị Hương, Võ Thị Thương, Đoàn Thị Hải Yến mong muốn lan tỏa nghĩa cử hiến tạng cứu người. Ảnh: N.G
Từ phải sang, các cô giáo: Tô Thị Hương, Võ Thị Thương, Đoàn Thị Hải Yến mong muốn lan tỏa nghĩa cử hiến tạng cứu người. Ảnh: N.G
2. Cùng chung mong muốn lan tỏa thông điệp “Cho đi là còn mãi”, cô giáo Đoàn Thị Hải Yến (SN 1975) cũng đã đăng ký hiến mô, tạng từ năm 2017. Cô Yến bày tỏ: “Bố mẹ tôi đều là những người công tác trong ngành Y tế nên từ nhỏ tôi đã hiểu rõ là khi con người chết não, nhiều bộ phận nội tạng, mô trong cơ thể vẫn còn “sống”, vẫn có ích với rất nhiều người khác. Do đó, từ khi còn trẻ tuổi, tôi đã có ý nghĩ sẽ hiến tạng sau khi qua đời. Những năm gần đây, khi truyền thông nói nhiều về thông điệp hiến tạng cứu người, tôi lại càng nghĩ nhiều về chuyện này hơn. Sau khi chị Hương tiên phong, tôi đã chia sẻ nguyện vọng này với ông xã. Rất may là anh hiểu và ủng hộ mong muốn của tôi”.
Bà Trần Thị Thủy-Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Hồng: “Nhà trường rất tự hào về các cô Tô Thị Hương, Đoàn Thị Hải Yến và Võ Thị Thương. Không chỉ là những giáo viên giỏi, yêu nghề, mến trẻ, các cô còn lan tỏa đến cộng đồng nhiều nghĩa cử. Bản thân tôi cũng đã bắt đầu nghĩ đến việc hiến tạng cứu người khi lắng nghe câu chuyện của các cô”.

Với những người đăng ký hiến mô, tạng, sự ủng hộ của gia đình chính là điểm tựa tinh thần để họ vượt qua ánh mắt hiểu lầm, dị nghị của những người xung quanh. Cô Yến chia sẻ: “Nhiều người vẫn nghĩ hiến tạng là bán tạng nên đôi khi họ nhìn mình rất ái ngại. Một số người khác lại cho rằng, sau khi qua đời, thi thể phải toàn vẹn thì mới phù hộ được con cháu. Chúng tôi không trách họ vì những quan niệm đó đã ăn sâu vào tâm tưởng của nhiều thế hệ người Việt. Điều chúng tôi mong muốn là mọi người hiểu ý nghĩa lớn lao của việc hiến tạng và tham gia cùng chúng tôi để ngày càng có nhiều người được cứu sống”.

3. Góp vào câu chuyện hiến mô, tạng sau khi qua đời, cô giáo Võ Thị Thương (SN 1981) vui vẻ cho hay: “Sau khi đăng ký hiến tạng, tôi đã vận động được một người bạn cùng nguyện vọng. Rất mong trong thời gian tới, nghĩa cử này sẽ ngày càng lan tỏa”. Cũng như 2 đồng nghiệp, cô Thương mong muốn bản thân mình sẽ để lại gì đó cho cuộc sống này sau khi qua đời. “Khi xem chương trình truyền hình nói về việc nhiều người đã được duy trì sự sống nhờ ghép tạng của những người bị chết não hiến tặng, tôi thực sự xúc động. Cuộc đời thật là đẹp khi sự sống cứ thế được tiếp diễn. Cái chết trở thành điều gì đó rất nhẹ nhàng bởi tôi biết trước rằng, mình chết đi nhưng có thể trái tim mình vẫn đang đập trong lồng ngực của ai đó, giác mạc của mình có thể giúp một bạn trẻ khiếm thị lần đầu tiên nhìn thấy ánh mặt trời”-cô giáo Thương chia sẻ về quyết định của mình.
Đối với những người trong gia đình, đặc biệt là các con, cô giáo Thương đã dành thời gian trao đổi về quyết định của mình để các con hiểu đó là di nguyện của mẹ. “Các con cần hiểu để khi lớn lên cũng sẽ có những nghĩa cử như vậy, để coi cái chết nhẹ nhàng như sự cho đi mà không cần báo đáp. Tôi luôn muốn các con mình có một trái tim ấm áp, một tâm hồn nhân hậu để thấy cuộc đời thật đẹp. Muốn vậy, tôi sẽ là người làm gương cho các con”-cô Thương tâm sự.
Là những giáo viên mầm non yêu trẻ như con, 3 cô giáo: Tô Thị Hương, Đoàn Thị Hải Yến, Võ Thị Thương đang góp phần lan tỏa nghĩa cử “Hiến tạng cứu người-Cho đi là còn mãi”. Họ đang sống một cuộc đời ý nghĩa và mai đây, khi từ giã cuộc sống, sự ra đi của họ cũng sẽ đẹp như những đóa hoa.         
NGUYỄN GIANG

Có thể bạn quan tâm

Bếp ăn 0 đồng-Trao yêu thương, nhận niềm vui

Bếp ăn 0 đồng-Trao yêu thương, nhận niềm vui

(GLO)- Chỉ sau hơn 2 tuần hoạt động, "Bếp ăn 0 đồng" bên hông Bệnh viện Nhi Gia Lai của đôi bạn thân Phạm Thị Diễm và Huỳnh Thị Trúc Lâm đã trở thành nơi sẻ chia yêu thương và mang lại những suất cơm miễn phí giúp ấm lòng những người bệnh và gia đình khó khăn.

Ngày hội hiến máu tình nguyện thu hút đông đảo người dân huyện Phú Thiện tham gia. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện tiếp nhận 554 đơn vị máu an toàn

(GLO)- Sáng 14-11, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện huyện Phú Thiện phối hợp với Khoa Huyết học và Truyền máu-Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai và Bệnh viện Quân y 211 tổ chức Ngày hội hiến máu tình nguyện đợt 2 năm 2024.

Tặng “Phòng tin học cho em” tại Trường Tiểu học Đak Tơ Ver điểm trường làng Krăh

Tặng “Phòng tin học cho em” tại Trường Tiểu học Đak Tơ Ver điểm trường làng Krăh

(GLO)- Ngày 28-10, Chương trình “Phòng Tin học cho em” do Trung tâm tình nguyện Quốc gia (trực thuộc Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh) triển khai phối hợp cùng Huyện Đoàn Chư Păh tặng 1 “Phòng Tin học cho em” tại Trường Tiểu học Đak Tơ Ver điểm trường làng Krăh (xã Đak Tơ Ver, huyện Chư Păh).