Linh hoạt hình thức tuyên truyền
Tối chủ nhật hàng tuần, đông đảo đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) và người dân của phường An Tân tập trung đến nhà văn hóa tổ 4 cũ để tham gia đêm nhạc gây quỹ. Đêm nhạc do Câu lạc bộ (CLB) Thanh niên phát triển kinh tế và CLB Âm nhạc của phường tổ chức. Đêm nhạc gây quỹ bằng hình thức bán nước uống, đồ ăn vặt cho mọi người đến thưởng thức. Số tiền thu được (mỗi đêm nhạc 200-300 ngàn đồng), CLB dùng để tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Ông Trần Xuân Kiếm-Chủ tịch UBND phường An Tân tham quan mô hình phát triển kinh tế của người dân. Ảnh: N.H |
Hoạt động này được 2 CLB duy trì trong 1 năm qua, vừa tạo cơ hội để ĐVTN thể hiện năng khiếu, sở trường, vừa trao đổi, chia sẻ về công tác Đoàn và phong trào thanh niên ở địa phương. Cuối đêm nhạc, Đoàn phường lồng ghép thông tin đến ĐVTN về tình hình công tác Đoàn; những văn bản, chủ trương mới của Đoàn và của địa phương, nguồn vốn vay ưu đãi... Các thành viên CLB cùng nhau trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc cây trồng, vật nuôi.
Bên cạnh đó, CLB còn tổ chức cho các thành viên tham quan những mô hình phát triển kinh tế trên địa bàn thị xã. Chị Nguyễn Thị Mộng Kiều-thành viên CLB Thanh niên phát triển kinh tế phường An Tân-chia sẻ: “Khi tham gia CLB, tôi nắm bắt thêm nhiều thông tin bổ ích liên quan đến công tác Đoàn và được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm phát triển kinh tế của các thanh niên khác”.
Ngoài CLB Thanh niên phát triển kinh tế và CLB Âm nhạc, phường còn duy trì các CLB: Thắp sáng niềm tin, Võ cổ truyền. Các CLB tạo sân chơi, môi trường rèn luyện, định hướng lối sống đẹp cho tuổi trẻ.
Anh Lữ Văn Hiệp-Bí thư Đoàn phường, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam phường An Tân-cho hay: “Để ĐVTN kịp thời tiếp cận thông tin, Đoàn phường đa dạng hình thức truyền tải, tạo sự hấp dẫn. Bên cạnh đó, chúng tôi tận dụng ưu thế mạng xã hội để thông tin chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến ĐVTN và người dân. Ngoài tập hợp, lựa chọn thông tin, Đoàn phường còn xây dựng tin, bài gương thanh niên tiêu biểu trong phát triển kinh tế, mô hình hay, cách làm hiệu quả để cung cấp cho mọi người học tập, làm theo”.
Tháng 3-2023, CLB Phụ nữ nói không với “tín dụng đen” ra mắt tại tổ dân phố 2. Câu lạc bộ có 30 thành viên, sinh hoạt định kỳ 1 tháng/lần. Các buổi sinh hoạt luôn có sự tham gia của đại diện chi hội phụ nữ các tổ dân phố 1, 3 để học tập, nhân rộng mô hình.
Ban Chủ nhiệm CLB thường xuyên phối hợp với Công an phường tuyên truyền, nâng cao cảnh giác cho các thành viên về phương thức hoạt động, hậu quả của “tín dụng đen”; vận động hội viên phụ nữ thực hiện “3 không” (không cho vay lãi nặng; không vay tiền của các tổ chức, cá nhân chưa có sự quản lý của Nhà nước; không thực hiện các hành vi quảng bá, giới thiệu, phát-dán tờ rơi về các hoạt động cho vay lãi suất cao). Những hội viên từng là nạn nhân của “tín dụng đen” đã trực tiếp thông tin đến các thành viên về tác hại của “tín dụng đen” giúp chị em nâng cao ý thức phòng tránh.
Chị Lê Thị Hưng-thành viên của CLB từng là nạn nhân của “tín dụng đen”. Chị vay “tín dụng đen” để đầu tư phát triển kinh tế nhưng thua lỗ, lãi mẹ đẻ lãi con. Không thể trả được số tiền quá lớn, thường xuyên bị đe dọa, gia đình chị Hưng phải vào miền Nam để làm thuê trả nợ. Nắm được hoàn cảnh của chị Hưng, CLB Phụ nữ nói không với “tín dụng đen” đã vận động chị quay trở về địa phương, giới thiệu việc làm phù hợp.
“Vì cả tin nên tôi dính vào bẫy “tín dụng đen”, cuộc sống gia đình trở nên khó khăn. Sau khi được chi hội và CLB tuyên truyền và giới thiệu việc làm, tôi cố gắng làm việc, tiết kiệm để trả nợ. Tôi khuyên mọi người nên cẩn thận, tránh sập bẫy “tín dụng đen”-chị Hưng tâm sự.
Chị Nguyễn Thị Đang-Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ tổ dân phố 2, Chủ nhiệm CLB-thông tin: “Câu lạc bộ thành lập với mục đích nâng cao hiểu biết, nhận thức cho hội viên phụ nữ; không để kẻ xấu dụ dỗ, lôi kéo tham gia các hoạt động tài chính vi phạm pháp luật, vay vốn “tín dụng đen”. Câu lạc bộ còn là nơi để hội viên phụ nữ gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm quản lý tài chính, thực hành tiết kiệm giúp nhau phát triển kinh tế gia đình.
Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền hội viên tích cực tham gia phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập góp phần xóa đói giảm nghèo. Nhờ kịp thời nắm bắt thông tin, nhiều hội viên đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, vươn lên thoát nghèo”.
Kịp thời đưa thông tin đến người dân
Ngoài phát huy vai trò định hướng thông tin của các hội, đoàn thể, phường An Tân còn chú trọng phát huy hiệu quả của các cụm loa truyền thanh. Hiện nay, phường có 7 cụm loa do thị xã trang bị dọc các tuyến đường. Hàng ngày, các cụm loa tiếp sóng chương trình Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Truyền thanh-Truyền hình thị xã với các khung giờ: 5-7 giờ; 16 giờ 30 phút đến 18 giờ. Phường cũng trang bị cho 3 tổ dân phố 3 cụm loa đặt tại nhà văn hóa.
Cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ phường An Tân thông tin đến hội viên các chủ trương, nguồn vốn vay phát triển kinh tế. Ảnh: N.H |
Ông Trần Xuân Kiếm-Chủ tịch UBND phường An Tân: “Địa bàn phường rộng hơn 427 ha, dân cư sống rải rác. Do đó, phường đề xuất với thị xã hỗ trợ hệ thống truyền thanh thông minh, vừa đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân, vừa hoàn thành mục tiêu phường đạt chuẩn đô thị văn minh năm 2024 theo Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ”.
Khoảng 7-10 ngày, công chức văn hóa-xã hội phụ trách thông tin sẽ biên soạn nội dung cần tuyên truyền trên cơ sở các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên, sau đó thu âm vào điện thoại hoặc USB để sau đó các tổ dân phố thông tin đến người dân. Bà Bùi Thanh Tiểu Ngân-công chức Văn hóa-Xã hội của phường-cho hay: “Nội dung được chuyển tải trong khoảng 2 phút, sau đó phát đi phát lại nhiều lần để bà con ghi nhớ. Các tổ dân phố phát loa vào 3 khung giờ: sáng sớm, trưa và chiều muộn, là lúc người dân chưa đi làm hoặc đã đi làm về. Căn cứ vào từng nhiệm vụ, tổ dân phố sẽ quyết định tần suất phát loa, có thể 2-3 lần/tuần hoặc nhiều hơn. Để phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân, chúng tôi không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng thông tin tuyên truyền”.
Ông Mai Văn Sơn (tổ 3) chia sẻ: “Nhờ có hệ thống thông tin ở cơ sở, đặc biệt là loa truyền thanh, chúng tôi nắm được các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đặc biệt là chủ trương, chính sách liên quan đến công tác giảm nghèo. Tôi cũng biết thêm nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả để tham quan, học hỏi kinh nghiệm, áp dụng vào thực tế gia đình. Đây là những thông tin chính thống, đã được kiểm duyệt nên tôi rất yên tâm”.
Bên cạnh hệ thống truyền thanh, phường An Tân còn duy trì các hình thức tuyên truyền cổ động trực quan trên các cụm pa nô, băng rôn, khẩu hiệu mỗi khi diễn ra các sự kiện chính trị quan trọng; phát huy trang thông tin điện tử với nhiều chuyên mục như: an toàn giao thông, tiếp cận thông tin, công khai ngân sách, quy hoạch-kế hoạch, thủ tục hành chính... thu hút hàng trăm lượt theo dõi, tương tác.
Đặc biệt, các trang thông tin điện tử của phường và các hội, đoàn thể thường xuyên cập nhật thông tin về công tác giảm nghèo; phản ánh kịp thời các gương người tốt-việc tốt, các mô hình làm ăn hiệu quả để nhân rộng trong cộng đồng... Các hình thức tuyên truyền giúp người dân thay đổi nhận thức và nâng cao vai trò, trách nhiệm của mình trong công cuộc giảm nghèo.
Tài khoản Zalo OA cũng trở thành kênh thông tin hữu ích của người dân. Khi công dân đến liên hệ công việc, cán bộ, công chức của phường sẽ hướng dẫn quét mã QR để trở thành thành viên. Hàng tháng, quản trị nhóm lựa chọn những nội dung cần tuyên truyền chia sẻ lên nhóm để các hộ dân tiếp cận, vận dụng khi cần.
Trao đổi với P.V, ông Trần Xuân Kiếm-Chủ tịch UBND phường-cho biết: Hàng năm, phường đều xây dựng kế hoạch truyền thông nhằm nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững. Trong đó, tập trung nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đối với lực lượng làm công tác truyền thông bằng việc cử tham gia các lớp tập huấn, hội thi; đầu tư kinh phí để duy tu, sửa chữa hệ thống loa truyền thông cơ sở; phát động các phong trào thi đua yêu nước...