Người dân Tú An thoát nghèo nhờ tiếp cận thông tin kịp thời

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Để góp phần thay đổi nhận thức của người dân, xã Tú An (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đã tích cực triển khai các hoạt động truyền thông về giảm nghèo với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với từng cộng đồng dân cư.

Phát huy vai trò Mặt trận và các đoàn thể

Nhá nhem tối, sau khi dừng việc đan lát, ông Đinh Chung-người có uy tín làng Pơ Nang dành thời gian đi một vòng quanh làng. Thỉnh thoảng, ông dừng chân, ghé vào một nhà để trò chuyện, hỏi thăm tình hình cuộc sống của bà con. Hình ảnh ấy đã trở nên quen thuộc với dân làng Pơ Nang. Qua sự chia sẻ của ông, người dân kịp thời nắm bắt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những vấn đề liên quan đến cộng đồng.

“Mình hỏi han tình hình phát triển kinh tế, chăm sóc cây trồng, vật nuôi, có khó khăn gì không? Rồi nhắc nhở bà con giữ gìn vệ sinh chung, phòng-chống dịch bệnh, đảm bảo an ninh trật tự”-ông Chung cho hay.

Nói về những đổi thay trong nếp nghĩ, cách làm của người dân, góp phần xây dựng làng Pơ Nang ngày càng xanh-sạch-đẹp, ông Chung phấn khởi bày tỏ: “Hầu hết các hộ dân đều trồng hoa giấy trước nhà và thường xuyên dọn dẹp, giữ vệ sinh quanh nơi ở. Hàng tuần, người dân tập trung dọn vệ sinh đường làng, chăm sóc cây xanh. Thời gian tổ chức việc cưới, việc tang cũng được rút ngắn, không còn ăn uống linh đình, kéo dài gây tốn kém, mất vệ sinh như trước nữa”.

Ông Đinh Chung (bìa trái) trò chuyện với người dân trong làng Pơ Nang. Ảnh: H.P

Ông Đinh Chung (bìa trái) trò chuyện với người dân trong làng Pơ Nang. Ảnh: H.P

Một điển hình khác là ông Nguyễn Thành Tiến với gần 10 năm làm Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Cửu Đạo. Ông Tiến cho biết: Thôn Cửu Đạo có 357 hộ. Thời gian qua, Ban Công tác Mặt trận thôn thường xuyên phối hợp với các chi hội, đoàn thể nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân và linh hoạt áp dụng các hình thức tuyên truyền phù hợp.

“Chúng tôi tập trung tuyên truyền lồng ghép trong các cuộc họp thôn và sinh hoạt của chi hội; qua hệ thống loa truyền thanh tại nhà văn hóa và sử dụng loa di động. Loa truyền thanh tiếp sóng cố định theo từng khung giờ. Loa di động thì tùy vào tình hình thực tế, nội dung yêu cầu và hướng dẫn mà biên tập để thông tin đến người dân. Trong đó, chú trọng vào việc tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng; sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả các nguồn vốn vay ưu đãi”-ông Tiến nói.

Cũng theo ông Tiến, nhờ kịp thời nắm bắt thông tin, bà con đã mạnh dạn chuyển đổi một số loại cây trồng kém hiệu quả như: mía, mì, lúa sang trồng chanh dây, ớt, bí đỏ; diện tích đất đồi dốc, đất cằn cỗi thì trồng keo. Hiện thôn Cửu Đạo chỉ còn 8 hộ nghèo, chủ yếu do thiếu đất sản xuất và do đau ốm, bệnh tật.

Bà Trương Thị Hồng Tất-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã-cho biết: Hàng tháng, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam xã tổ chức giao ban với các trưởng ban công tác Mặt trận thôn, làng để quán triệt, hướng dẫn triển khai các văn bản của cấp trên kết hợp nắm bắt tình hình cơ sở nhằm kịp thời tham mưu giải quyết các vấn đề phát sinh trong cộng đồng dân cư. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam xã thường xuyên đăng tải các thông tin, hình ảnh về hoạt động của Mặt trận, các tổ chức thành viên lên Fanpage.

Ngoài ra, Mặt trận cũng phát huy hiệu quả vai trò của đội ngũ già làng, người có uy tín trong công tác tuyên truyền, vận động thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nhất là việc triển khai thực hiện các phong trào, cuộc vận động: “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Chung sức xây dựng nông thôn mới”... Đến nay, 80% hộ dân ở 3 làng (Nhoi, Pơ Nang, Hòa Bình) đã hoàn thành di dời chuồng trại ra xa nhà, duy trì mô hình khuôn viên nhà rông sáng-xanh-sạch-đẹp; tổ chức vệ sinh, chăm sóc cây xanh định kỳ.

Các đoàn thể chính trị-xã hội của xã bám sát chương trình, kế hoạch của địa phương, chủ động đẩy mạnh tuyên truyền, đưa thông tin đến với đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân. Hàng tuần, Đoàn xã phân công người phụ trách viết tin, bài đăng tải trên Fanpage “Đoàn xã Tú An”; thường xuyên cập nhật nhu cầu tuyển dụng của Nhà máy Đường An Khê, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, các phiên giao dịch việc làm do Thị Đoàn An Khê phối hợp tổ chức giúp đoàn viên, thanh niên nắm bắt, tìm kiếm việc làm phù hợp.

Đoàn xã còn tổ chức cho đoàn viên, thanh niên tham quan các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả để học tập, nhân rộng; khuyến khích đoàn viên, thanh niên tham gia các chương trình tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật; phối hợp với các đoàn thể, lực lượng chức năng tuyên truyền kiến thức pháp luật, các chính sách thông qua các diễn đàn, hội thi, giao lưu, trò chuyện hoặc các hoạt động tình nguyện.

Chị Trương Thị Như Phi-Bí thư Đoàn xã-cho hay: “Đoàn xã đa dạng hình thức tuyên truyền; chú trọng phát huy vai trò của mạng xã hội Facebook, Zalo, xem đây là công cụ đắc lực trong công tác giáo dục, truyền thông các hoạt động của tổ chức Đoàn; thông tin vốn vay, việc làm... Từ đó, đoàn viên, thanh niên nâng cao nhận thức, đi đầu hỗ trợ người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, vươn lên trong cuộc sống”.

Triển khai đồng bộ các phong trào, cuộc vận động

Năm 2021, gia đình chị Nguyễn Thị Quơ (thôn Cửu Đạo) vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để mua 2 con bò về nuôi. Chị mượn bãi đất trống quanh nhà để trồng cỏ, đảm bảo nguồn thức ăn cho bò. Chị còn đi làm thuê để kiếm thêm thu nhập. Chị bộc bạch: “Tiền làm thuê mỗi ngày không đủ trang trải chi phí cho 4 miệng ăn nên mình vay thêm vốn, tìm hiểu kiến thức chăn nuôi bò”.

Nhờ tiếp cận với nguồn vốn vay và hỗ trợ, gia đình chị Nguyễn Thị Quơ đã phát triển mô hình chăn nuôi bò. Ảnh: H.P

Nhờ tiếp cận với nguồn vốn vay và hỗ trợ, gia đình chị Nguyễn Thị Quơ đã phát triển mô hình chăn nuôi bò. Ảnh: H.P

Bà Nguyễn Thị Dạ Thảo-công chức Văn hóa-Xã hội của xã-thông tin: Trong năm 2023, xã đã tiếp nhận 471 triệu đồng từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 để hỗ trợ 21 con bò giống cho 21 hộ nghèo, hộ cận nghèo ở 3 làng đồng bào dân tộc thiểu số gồm: Nhoi, Pơ Nang, Hòa Bình. Trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ 366 triệu đồng, còn lại là nguồn đối ứng của hộ dân thụ hưởng. Đồng thời, với nguồn vốn 380 triệu đồng từ 2 dự án: đa dạng hóa sinh kế và hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023, địa phương đã tiếp nhận, hỗ trợ 20 con bò giống cho 20 hộ nghèo, cận nghèo ở 3 thôn: Tú Thủy 1, Tú Thủy 2, Cửu Đạo.

Bên cạnh đó, một số cơ quan, đơn vị đã chung tay cùng địa phương giúp người dân các mô hình sinh kế để từng bước vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã hỗ trợ 40 triệu đồng thực hiện mô hình chăn nuôi dê sinh sản tại làng Pơ Nang với 10 hộ thụ hưởng; Trung đoàn 1 (Sư đoàn 2) trao tặng 1 con bò trị giá 10 triệu đồng cho hộ nghèo ở làng Nhoi; Tiểu đoàn 17 (Sư đoàn 2) tặng 4 con heo đen cho 2 hộ nghèo ở làng Pơ Nang... Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã cho biết thêm: Từ đầu năm 2023 đến nay, xã đã tiếp nhận một số nguồn kinh phí hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở. Trong đó, Quỹ “Vì người nghèo” thị xã hỗ trợ xây mới 2 căn nhà (35 triệu đồng/căn) và sửa chữa 3 căn nhà (20 triệu đồng/căn); tịnh xá Ngọc Trung hỗ trợ 50 triệu đồng xây dựng 1 căn nhà. Hội Liên hiệp phụ nữ thị xã và Quỹ “Vì người nghèo” của xã còn hỗ trợ thêm kinh phí xây, sửa để mỗi ngôi nhà thêm khang trang.

Trao đổi với P.V, Chủ tịch UBND xã Trần Thanh Cảnh cho biết: Toàn xã hiện có 1.413 hộ, trong đó có 233 hộ dân tộc thiểu số. Mục tiêu của địa phương đến cuối năm 2025 là giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 6,09% xuống dưới 1,5%. Để đạt được mục tiêu này, cấp ủy, chính quyền địa phương xác định cần đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền, giúp người dân tiếp cận, cập nhật thông tin kịp thời, đầy đủ, chính xác. Ngoài các kênh tuyên truyền chủ yếu, trang thông tin điện tử, hệ thống cụm loa phát thanh, tranh cổ động, tờ rơi, hội nghị, hội thi, sinh hoạt chuyên đề, các trang mạng xã hội... địa phương tiếp tục duy trì, nhân rộng các mô hình, câu lạc bộ và triển khai thực hiện đồng bộ các phong trào, cuộc vận động nhằm vận động, tập hợp, đoàn kết Nhân dân tham gia thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo quốc phòng-an ninh trên địa bàn.

Có thể bạn quan tâm

Rơ Châm Pyik: Điển hình sản xuất kinh doanh giỏi

Rơ Châm Pyik: Điển hình sản xuất kinh doanh giỏi

(GLO)- Nhờ biết tính toán và tích cực lao động sản xuất nên gia đình ông Rơ Châm Pyik (làng Châm Aneh, phường Chi Lăng, TP. Pleiku) có nguồn thu ổn định hơn 900 triệu đồng/năm. Không những thế, ông còn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động ở cơ sở.

Ia Grai: Giống lúa HG12 năng suất đạt từ 70-77 tạ/ha

Ia Grai: Giống lúa HG12 năng suất đạt từ 70-77 tạ/ha

(GLO)- Chiều 29-10, tại xã Ia Tô, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Công ty cổ phần Giống cây trồng, vật nuôi Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo đánh giá kết quả sản xuất giống lúa HG12 trên địa bàn huyện trong vụ mùa năm 2024. 

Gạo Đài Thơm 8 Ia Lâu vươn ra thị trường

Gạo Đài Thơm 8 Ia Lâu vươn ra thị trường

(GLO)- Với quyết tâm đưa gạo Đài Thơm 8 đến với người tiêu dùng, chị Hà Thị Thuẩn-Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Ia Lâu (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) đã tích cực tuyên truyền, quảng bá và giới thiệu sản phẩm bằng nhiều hình thức.

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 2: “Nữ hoàng” sắc hương giữa môi trường sinh thái

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 2: “Nữ hoàng” sắc hương giữa môi trường sinh thái

Nông gia Nguyễn Đáp sinh ra, lớn lên và tạo lập cơ nghiệp trên những thửa rau, hoa bậc thang của thành phố cao nguyên Đà Lạt, hiện đang chạm ngưỡng tuổi lục thập vẫn dốc tâm sức và tiền vốn để bổ sung “công năng” trên từng diện tích đất nông nghiệp của mình.

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 1: Hoa trời Âu “phát sáng” góc trời Ðà Lạt

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 1: Hoa trời Âu “phát sáng” góc trời Ðà Lạt

Trên nền tảng dẫn đầu cả nước về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, vùng đất Nam Tây Nguyên Lâm Đồng đã và đang mở rộng những miền quê tập trung tạo ra những mặt hàng có giá trị khác biệt, trong đó nổi trội với sản phẩm du lịch cộng đồng gắn xây dựng NTM, phát triển làng nghề ở địa phương.

Tuổi cao vẫn bền chí làm giàu

Tuổi cao vẫn bền chí làm giàu

(GLO)- Sở hữu 5 ha cà phê với thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm nhưng ông Amyơm (SN 1964; làng Dơk Rơng, xã Glar, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) vẫn muốn mở rộng thêm diện tích nhằm nâng cao thu nhập cùng quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Chư Prông siết chặt quản lý vật tư nông nghiệp

Chư Prông siết chặt quản lý vật tư nông nghiệp

(GLO)- Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức chấp hành các quy định pháp luật trong kinh doanh vật tư nông nghiệp, những năm qua, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã siết chặt quản lý kết hợp với tăng cường thanh-kiểm tra nhằm phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm.

Hiện nay toàn tỉnh có khoảng 6.387,3 ha sầu riêng. Ảnh: Lê Nam

Gia Lai phát triển được 33.250 ha cây ăn quả các loại

(GLO)- Thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai về phát triển sản xuất rau, hoa và cây ăn quả trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2040, đến nay, toàn tỉnh có khoảng 33.250 ha cây ăn quả các loại (tăng 17.314 ha so với năm 2019).