An ninh trật tự ổn định tại nơi "sư" Thích Minh Tuệ khất thực

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Theo một số người dân tại thôn 6 của xã Ia Tô (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai), ông Lê Anh Tú (thường được gọi là sư Thích Minh Tuệ) đã đi khất thực trở lại trong tình trạng sức khỏe đảm bảo, an ninh trật tự. Không còn hiện tượng tụ tập đông người khi ông Thích Minh Tuệ khất thực.

Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền một đoạn video “Sư Thích Minh Tuệ” tái khất thực tại gần nhà ở của gia đình ông, sau khoảng 1 tháng ẩn tu. Video này cũng có hình ảnh người dân cúng dường, quay phim và chụp hình. Người dân ở thôn 6 thông tin sáng sớm ngày 12 và 13-7, ông Thích Minh Tuệ có đi khất thực rồi trở về tu tập. “Ông Tuệ đi khất thực từ khoảng 4-5 giờ sáng. Thời gian khất thực chỉ khoảng 15-30 phút. Chúng tôi thấy ông ấy đi bộ khất thực trong tình trạng sức khỏe, thể chất đảm bảo, nét mặt tươi tỉnh. Có vài người dân đứng ở hai bên đường cúng dường nhưng không có hiện tượng tụ tập đông người, gây mất trật tự an toàn xã hội và an toàn toàn giao thông. Tôi cũng nghĩ là bà con các nơi không nên tụ tập đông người ở đây để ông Tú tĩnh tâm học tập lời Phật dạy”-ông Nguyễn Văn H. (trú tại thôn 6) cho hay.

Ông Lê Anh Tú (Thích Minh Tuệ)
Ông Lê Anh Tú (Thích Minh Tuệ)

Trong ngày 13-7, theo ghi nhận của chúng tôi, trên các con đường giao thông dẫn đến trụ sở Công ty TNHH một thành viên cà phê Ia Châm, tư gia và căn lều trong vườn rẫy của gia đình ông Tú vắng vẻ, không có hiện tượng tụ tập đông người. Điển hình như tại ngôi nhà của bố mẹ ông Tú có mở cửa, có 1-2 người dân đang cuốc đất trồng cây xanh trong khoảnh sân. Cạnh đó, một gian hàng bán các sản phẩm nông sản của người dân trong vùng làm ra cũng chỉ có đôi người chạy xe máy đến mua hàng rồi vội vã rời đi do mưa nặng hạt.

Ở đầu con đường dẫn xuống căn lều nơi ông Tú từng tu tập, cách ngôi nhà của gia đình bố mẹ ông chừng 1 km, có một vài chiếc xe ô tô đang đậu. Thi thoảng có 2-3 người dân đứng trước căn lều này ngắm nghía cảnh sắc và rời đi ngay sau đó.

Phía trước cổng nhà của bố mẹ ông Lê Anh Tú vắng vẻ. Ảnh: T.D
Phía trước cổng nhà của bố mẹ ông Lê Anh Tú vắng vẻ. Ảnh: T.D

Trước đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định ông Lê Anh Tú không phải là tu sĩ Phật giáo. Bản thân ông Tú cũng không nhận mình là tu sĩ Phật giáo, chỉ là công dân tu học theo lời dạy của Đức Phật. Bắt đầu từ năm 2017 đến năm 2023, ông Lê Anh Tú tự tu, thực hành hạnh khất thực, đã 3 lần đi bộ từ Nam ra Bắc và ngược lại. Trong suốt quá trình đó, việc đi lại và thực hành hạnh nguyện của ông Lê Anh Tú diễn ra thuận lợi, không có khó khăn, cản trở, không gây ảnh hưởng tới an ninh trật tự. Năm 2024 là lần thứ tư ông Tú đi bộ xuất phát từ tỉnh Khánh Hòa, theo trục đường chính lên Cao Bằng-Hà Giang và ngược chiều trở lại.

Khu vực trước trụ sở Công ty TNHH một thành viên cà phê Ia Châm không có hiện tượng tụ tập đông người. Ảnh: T.D

Khu vực trước trụ sở Công ty TNHH một thành viên cà phê Ia Châm không có hiện tượng tụ tập đông người. Ảnh: T.D

Tuy nhiên, trong hành trình trở về của lần đi bộ thứ 4 này đã xảy ra hiện tượng tập trung đông người đi theo ông Lê Anh Tú, gây ảnh hưởng tới an ninh trật tự và cảnh quan môi trường. Đặc biệt, ngày 30-5-2024 đã xảy ra việc một người đàn ông trong đoàn người đi theo ông Tú bị sốc nhiệt, suy đa tạng, xuất huyết tiêu hóa dẫn tới tử vong. Tiếp đó, ngày 2-6-2024, có 2 người phụ nữ khi đi theo ông Tú và đoàn người đã bị sốc nhiệt, đuối sức, nằm gục trên mặt đường. Các cơ quan chức năng đã kịp thời đưa đến bệnh viện để điều trị.

Căn lều tại vườn rẫy cũng chỉ có lác đác 1 vài người dân đến thăm thú cảnh quan. Ảnh: T.D
Căn lều tại vườn rẫy cũng chỉ có lác đác 1 vài người dân đến thăm thú cảnh quan. Ảnh: T.D

Trước sự việc đáng tiếc nêu trên, các cơ quan chức năng đã gặp gỡ, trao đổi với ông Lê Anh Tú về việc Nhà nước nhất quán chủ trương tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; chính quyền các địa phương đã luôn quan tâm, tạo điều kiện để ông Lê Anh Tú được đi bộ và hành trì theo ý nguyện, song cần phải bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người dân và sự ổn định xã hội. Ông Lê Anh Tú đã nhận thức rõ quyền và nghĩa vụ của công dân, tự nguyện dừng việc đi bộ khất thực.

Khoảng giữa tháng 6-2024, gia đình thông báo ông Tú đã ẩn tu bởi việc người dân tụ tập đông người tại thôn 6, tiềm ẩn nhiều nguy cơ không đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự trên địa bàn.

Có thể bạn quan tâm

“Đứng dậy” từ lầm lỗi

“Đứng dậy” từ lầm lỗi

(GLO)- Nhìn những bằng khen, giấy khen treo trên tường nhà, ít ai ngờ rằng, ông Kpă Dõ-Trưởng ban Công tác Mặt trận làng Lê Ngol (xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) từng một thời chìm trong lầm lỗi. Nhờ được cảm hóa và giúp đỡ, ông đã mạnh mẽ “đứng dậy” làm lại cuộc đời.

Minh họa: ĐẶNG HỒNG QUÂN

Tuổi già

(GLO)- Gần đây, tôi ít về quê. Nhiều khi người thân ở quê có việc hoặc muốn biết về tình hình phát triển của quê hương, chỉ cần bỏ ra mươi phút lướt mạng là có đầy đủ thông tin.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Minh Trung khẳng định việc giao quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai sẽ tạo thuận lợi cho người dân lẫn cơ quan quản lý (ảnh nguồn internet).

Phân cấp thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: Thuận lợi cho người dân lẫn cơ quan quản lý

(GLO)- Theo phân cấp, từ ngày 1-11-2024, chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai các huyện, thị xã, thành phố được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, xác nhận thay đổi đối với trường hợp đăng ký biến động... tạo thuận lợi cho người dân lẫn cơ quan quản lý.

Các sản phẩm đặc trưng địa phương hút khách tại Tuần lễ Hoa Dã Quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya

Các sản phẩm đặc trưng địa phương hút khách tại Tuần lễ Hoa Dã Quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya

(GLO)- Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya đang tổ chức tại khu vực nhà rông làng Ia Gri (xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai). Đây không chỉ là dịp để du khách chiêm ngưỡng vẻ đẹp rực rỡ của loài hoa dã quỳ, mà còn là cơ hội để thưởng thức những sản phẩm đặc trưng của địa phương.