Sa sút trí tuệ là một loại rối loạn ảnh hưởng đến khả năng ghi nhớ, lập luận và giao tiếp của một người.
Một nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ cho thấy âm nhạc giúp cải thiện các tương tác xã hội giữa người sa sút trí tuệ và người chăm sóc.
Nghiên cứu được công bố trên chuyên san Alzheimer Disease and Associated Disorders vào cuối tháng 8 vừa qua. Nhóm nghiên cứu đã sử dụng một phương pháp can thiệp kéo dài 12 tuần được gọi là cầu nối âm nhạc với trí nhớ. Phương pháp nhằm đánh giá tác động tổng thể của trị liệu bằng âm nhạc đối với những người sa sút trí tuệ và người chăm sóc ở 2 cơ sở y tế tại Mỹ. Liệu pháp bao gồm các buổi hòa nhạc kéo dài 45 phút và các buổi nghỉ ngơi sau khi nghe nhạc.
Kết quả nghiên cứu cho thấy người tham gia nghiên cứu có các hành vi hòa đồng phi ngôn ngữ tốt hơn so với nhóm đối chứng không tham gia trị liệu. Cụ thể, những người bị chứng sa sút trí tuệ tham gia nghiên cứu đã thể hiện tốt hơn sự bình tĩnh, sự quan tâm và giao tiếp bằng mắt với người chăm sóc. Người chăm sóc cũng cho biết các triệu chứng liên quan đến căng thẳng đã giảm sau khi tham gia trị liệu bằng âm nhạc.
Tác giả nghiên cứu, tiến sĩ Borna Bonakdarpour, phó giáo sư thần kinh học tại Đại học Northwestern Medicine (Chicago, Mỹ), kết luận: “Dữ liệu sơ bộ của nghiên cứu cho thấy âm nhạc có thể giúp cải thiện các tương tác xã hội giữa một người mắc chứng sa sút trí tuệ và người thân của họ. Âm nhạc cũng có thể làm giảm mức độ căng thẳng ở những người tham gia chăm sóc người bệnh”.
Các tác giả cũng cho biết các nghiên cứu xa hơn là cần thiết và trị liệu bằng âm nhạc có thể trở thành một lựa chọn điều trị không cần dùng thuốc đối với người sa sút trí tuệ trong tương lai, theo Medical News Today.
Theo Tấn Ngọc (TNO)