925.000 tỷ bị ảnh hưởng dịch Covid-19: Ngân hàng đối mặt với nợ xấu và giảm lợi nhuận

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Với khoảng 925.000 tỷ đồng, tương đương 11% tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, các ngân hàng và chuyên gia nhận định năm 2020 sẽ là năm lợi nhuận của ngành sụt giảm và còn đối mặt với nợ xấu tăng cao do khách hàng khó khăn.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, dư nợ từ các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tính đến thời điểm 4/3 vào khoảng 925.000 tỷ đồng, tương đương 11% tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng.
Trước ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đã triển khai nhiều giải pháp trực tiếp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh như cơ cấu lại nợ, giãn nợ, giảm lãi suất cho vay.
Những động thái này được giới chuyên gia nhìn nhận, sẽ khó tránh khỏi những tác động tới lợi nhuận của ngân hàng, song đây được xem là giải pháp phù hợp nhất trong bối cảnh hiện nay. Cứu doanh nghiệp cũng chính là ngân hàng tự cứu mình.
Tự cứu mình, ngân hàng khó giữ mục tiêu lợi nhuận?
Là một ngân hàng luôn tiên phong trong thực hiện các chủ trương của NHNN, đồng hành cùng doanh nghiệp, ngay từ khi phát sinh dịch bệnh Covid-19, Vietcombank đã có giải pháp hỗ trợ, gồm các doanh nghiệp, cá nhân sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực vận tải kho bãi, dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn; thực phẩm và đồ uống có cồn; xuất nhập khẩu chủ yếu với thị trường Trung Quốc thuộc lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, thủy sản, dệt may, da giày...
 
Ngân hàng tung gói hỗ trợ 285.000 tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn vì Covid-19
Theo đó, từ giữa tháng 2/2020 đến hết ngày 30/4/2020, Vietcombank giảm lãi suất VND 1-1,5%/năm và ngoại tệ 0,5-0,75%/năm, tùy theo kỳ hạn. Với các khoản vay mới, nhà băng này cũng giảm 1%/năm lãi suất với VND và 0,5%/năm với USD.
Theo ước tính của Vietcombank, quy mô dư nợ của các khoản vay được giảm lãi suất khoảng 30.000 tỷ đồng, dư nợ tín dụng của khoảng 300 khách hàng là tổ chức kinh doanh lớn, số tiền giảm lãi suất mà Vietcombank chia sẻ với doanh nghiệp ước 300 - 450 tỷ đồng. Nếu tính cả số tiền lãi được giảm mà khách hàng cá nhân đang vay, tổng số tiền hỗ trợ sẽ lớn hơn.
Trong năm 2020, nhà băng này đặt mục tiêu lợi nhuận tăng trưởng 15% so với năm 2019, tức khoảng 26.628 tỷ đồng. Tuy nhiên, kịch bản lợi nhuận này của Vietcombank chưa đo lường đến những thiệt hại do dịch virus corona chủng mới Covid-19.
Như vậy, với chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị thiệt hại do Covid-19, lợi nhuận của Vietcombank có thể sẽ "hụt" ít nhất vài trăm tỷ đồng so với dự tính ban đầu của nhà băng này.
Hay như với VietinBank, dư nợ tín dụng bị ảnh hưởng "nằm trong mức bình quân của toàn ngành", tuy nhiên vì sự phức tạp của dịch bệnh, "mức độ vẫn chưa lường được hết'. Đương nhiên, vấn đề lợi nhuận của ngân hàng cũng khó có thể tránh khỏi bị ảnh hưởng.
Mới đây nhất, tại Đại hội đồng cổ đông thương niên năm 2020 tổ chức cuối tuần qua, Chủ tịch BIDV Phan Đức Tú thừa nhận, BIDV đặt mục tiêu lãi trước thuế 12.500 tỷ đồng năm 2020. Tuy nhiên, đây là kịch bản thuận lợi nhất.
"Mục tiêu lợi nhuận trong năm nay của BIDV là 12.500 tỷ đồng được xây dựng trên cơ sở dịch Covid-19 được kiểm soát tốt nhất vào cuối tháng 3 này. Nhưng đến nay, mục tiêu này hơi khó khăn, BIDV sẽ linh hoạt, xây dựng kịch bản xấu hơn, có thể đề nghị ĐHCĐ giao quyền, báo cáo NHNN để có điều chỉnh thích hợp, nhưng vẫn trên nguyên tắc bảo vệ quyền lợi cổ đông", ông Tú cho hay.
Ông Tú cũng khẳng định, đây không chỉ khó khăn của BIDV mà là khó khăn chung của các ngân hàng khác.
Nhìn nhận từ diễn biến thực tế, chuyên gia tài chính TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra là rõ ràng, tổ chức tín dụng cũng là một trong những đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Ngân hàng dùng chính tiền của ngân hàng, cắt giảm lợi nhuận của ngân hàng để hỗ trợ doanh nghiệp. 
"Ngân hàng sống bằng khách hàng của mình, khách hàng của ngân hàng khó khăn đương nhiên ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng. Vì vậy, các ngân hàng đừng kỳ vọng sẽ có lợi nhuận cao trong năm 2020. Ngân hàng chỉ lời được một phần nhỏ cũng đã là rất vui rồi", ông Hiếu nhấn mạnh.
Theo vị chuyên gia này, các ngân hàng cũng chỉ có thể giảm mức độ thiệt hại cho khách hàng, trong khi vẫn phải đảm bảo bù đắp được chi phí. Ðể tránh lợi nhuận sụt giảm, ngân hàng cần đa dạng hóa nguồn thu."Năm ngoái mặt trời tỏa sáng ở Việt Nam trong khi thế giới âm u. Năm nay, ngay cả Việt Nam cũng không thể tỏa sáng", ông Hiếu ví von.
Đo lường tác động của dịch Covid-19 tới nợ xấu của ngân hàng 2020
Khó giữ mục tiêu lợi nhuận không phải là mối lo duy nhất mà các nhà băng đang phải đối mặt. Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 dẫn đến khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh và chờ giải thể tăng vọt so với cùng kỳ năm ngoái cũng đặt ra lo ngại về việc gia tăng nguy cơ nợ xấu.
 
Dịch Covid-19 sẽ khiến nợ xấu ngân hàng tăng trong năm 2020
Ông Phạm Toàn Vượng, Phó Tổng giám đốc Agribank từng chia sẻ, Agribank chưa đánh giá được có bao nhiêu khách hàng bị thiệt hại và số lượng thiệt hại, song chắc chắn dịch bệnh Covid-19 sẽ ảnh hưởng đến dòng tiền trả nợ của khách hàng với ngân hàng.
Theo đó, việc xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, trong khi trong cơ cấu cho vay của Agribank, nông nghiệp chiếm tới 70%. Điều này cũng có thể tác động làm gia tăng nguy cơ nợ xấu.
Từ giữa tháng 2/2020, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc Vietcombank cũng cho biết, các doanh nghiệp gặp khó khăn về dòng tiền có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ nợ xấu cũng như mức trích lập dự phòng.
TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính), cũng cho rằng năm 2019 lượng nợ xấu của hệ thống tín dụng đã giảm xuống, bởi ngành ngân hàng đã đưa ra nhiều giải pháp từ trước đến nay để công cuộc xử lý nợ xấu đạt hiệu quả.
Tuy nhiên, trong năm 2020, không chỉ ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19, ngành ngân hàng còn chịu tác động do nền kinh tế thế giới cũng đang tăng trưởng chậm lại, nền kinh tế đang điều chỉnh theo chu kỳ, có một số ngành sau một giai đoạn tăng trưởng rất cao đã chững lại, hàng tồn kho nhiều nên doanh nghiệp điều chỉnh sản xuất; bất động sản chững lại khiến tốc độ tăng trưởng tín dụng cũng chững lại…
Vì thế, triển vọng ngành ngân hàng không sáng sủa bằng năm 2019, nên khi dịch Covid-19 có tác động tiêu cực hơn, nợ xấu đáng lo ngại hơn.
"Có khả năng nợ xấu năm nay sẽ tăng hơn so với năm trước, còn mức tăng nhiều hay ít phụ thuộc vào tình hình kinh tế trong và ngoài nước cũng như việc đưa ra chiến lược hoạt động của ngành ngân hàng nói chung, các tổ chức tín dụng nói riêng", ông Độ cho hay.
Huyền Anh (Dân Việt) 

Có thể bạn quan tâm

Tập huấn kiểm kê tài sản công

Tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công

(GLO)- Ngày 28 và 29-11, Sở Tài chính tỉnh Gia Lai phối hợp với Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Gia Lai.