Sâu canxi nuôi tại nhà ông Lê Hùng Anh, ở Làng Klung, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh. Ảnh: Hoàng Cư. |
Chuồng trại nuôi sâu canxi tại nhà ông Lê Hùng Anh rộng khoảng 30m2, chia thành 10 ô nhỏ đều nhau, làm bằng các vật liệu thông dụng như gạch, xi măng, cát, gỗ, tre, tôn. Sâu canxi ăn tạp các loại rau củ quả, thức ăn thừa, phân gia súc, gia cầm...Sau tiêu hóa, sâu canxi thải ra các chất giàu dinh dưỡng cho các loại cây, thân thiện với môi trường. Ông Lê Hùng Anh cho biết: “Hơn 10 năm nuôi sâu canxi, ông thấy loại sâu này dễ nuôi, hiệu quả kinh tế cao hơn các loại vật nuôi khác, độ rủi ro rất thấp, không mắc dịch bệnh. Đàn gà hơn 1.000 con, đàn heo hơn 20 con của ông phát triển tốt cũng nhờ ăn điều độ loại sâu canxi này”.
Các hội viên tham quan mô hình xem ông Lê Hùng Anh cho đàn gà ăn sâu canxi. Ảnh: Hoàng Cư |
Đến tham quan mô hình nuôi sâu canxi, các hội viên nông dân được tận mắt thấy ông Lê Hùng Anh chăm sóc sâu canxi, đồng thời trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi sâu canxi...
Ông Đào Nhật Nam-Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Ayun Pa, trưởng đoàn tham quan cho hay: “Tham quan mô hình này, các hội viên mới hiểu rõ sâu canxi là loài sinh vật không gây hại, không mang mầm bệnh truyền nhiễm. Nuôi sâu canxi có nhiều lợi ích thiết thực. Các hội viên học hỏi và sẽ đầu tư thực hiện mô hình này, góp phần giảm chi phí trong chăn nuôi, tăng lợi nhuận cho người dân.”