Paraquat là chất độc hại có trong thuốc diệt cỏ được cho là nguyên nhân chính khiến 80 người dân Sơn La ngộ độc.
|
Những người dân Sơn La bị ngộ độc phải nhập viện. |
Vụ ngộ độc làm gần 80 người tại Tân Hợp, Mộc Châu, Sơn La phải nhập viện trong những ngày qua, nguyên nhân ban đầu được xác định là do sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm bởi Paraquat, là chất độc hại có trong thuốc diệt cỏ. Đến hôm nay 28-4, còn 15 người vẫn phải nằm viện điều trị.
Kể từ khi xảy ra vụ ngộ độc tập thể làm gần 80 người bản Suối Khoang, xã Tân Hợp, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La phải nhập viện, đã một tuần trôi qua, phần lớn người bị nạn đã xuất viện, còn 15 người ở lại tiếp tục điều trị. Người dân nơi đây hiện đang thường trực nỗi lo về việc sử dụng thuốc diệt cỏ, thuốc bảo vệ thực vật đe dọa trực tiếp tới cuộc sống thường ngày của mỗi người.
Bác sỹ chuyên khoa I, Phạm Hồng Sơn-Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thảo Nguyên, Mộc Châu nói: "Bệnh nhân vào viện đều có triệu chứng là đau bụng, buồn nôn, người mệt mỏi. Đến giờ này thì bệnh nhân tiến triển tốt, đa phần bệnh nhân ra viện, chúng tôi còn giữ lại 15 trường hợp để điều trị và theo dỗi tiếp. Hướng của chúng tôi là ngày chủ nhật và thứ 2 chúng tôi tiếp tục gọi điện cho các bệnh nhân đã ra viện rồi xem tình trạng của bệnh nhân diễn biến như thế nào và chúng tôi tiếp tục có thái độ xử lí tiếp".
Tại bản Suối Khoang, nơi xảy ra vụ ngộ độc, toàn bộ hộ dân sử dụng chung nguồn nước, đã được chương trình Nước sạch nông thôn đầu tư xây dựng bể chứa tại đầu nguồn và dẫn về bể của các hộ dân bằng đường ống kín. Từ nhiều năm nay, nguồn nước này chưa xảy ra trường hợp nào bị ngộ độc.
Tuy nhiên, thời điểm vụ ngộ độc xảy ra vừa qua, môi trường xung quanh nguồn nước rất mất vệ sinh, không có rào chắn, 1/2 bể chứa nước không có nắp đậy, hơn nữa khu vực xung quanh mó nước và trên nương có nhiều bao bì thuốc trừ dầy, thuốc bảo vệ thực vật như: Forvilnew, Ray plus... đây là các loại thuốc đã được người dân sử dụng trong sản xuất. Khi đoàn kiểm tra tiến hành lấy mẫu nước tại bể chứa nước của người dân để xét nghiệm, kết quả cho thấy phần lớn các mẫu nước này đều dương tính với Paraquat, là chất độc hại có trong thuốc diệt cỏ.
Nhiều người dân ở gần mó nước cho biết, đây là thời điểm chuẩn bị đất trồng ngô, lúa nên thường xuyên thấy có người phun thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ, có thể đây là nguyên nhân chính khiến nguồn nước bị ô nhiễm, dẫn đến vụ ngộ độc tập thể xảy ra.
|
Trao đổi với phóng viên VOV, bác sỹ chuyên khoa 1 Phạm Hồng Sơn, phó giám đốc bệnh viện Đa khoa Thảo Nguyên, Mộc Châu cho biết, các bệnh nhân nhập viện đều có chung các triệu chứng đau đầu, buồn nôn và đi ngoài. |
Hóa chất diệt cỏ Paraquat đã bị loại khỏi danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam, đặc biệt độc hại đối với con người, trung bình chỉ cần một ngụm nhỏ khoảng 5 mililit đã có thể gây tử vong. Chất này tiến vào phổi rất nhanh và gây tổn thương phổi nặng, khiến bệnh nhân khó thở và phổi bị xơ hóa tiến triển không có khả năng hồi phục. Nếu bị ngộ độc với liều lượng lớn thì sẽ bị rối loạn thể cấp tính, tử vong ngay lập tức. Chi phí đầy đủ cho một phác đồ điều trị ngộ độc Paraquat gồm cả lọc máu và sử dụng thuốc hỗ trợ có thể tốn từ 50 tới 100 triệu đồng, tuy nhiên vẫn không đảm bảo cứu được bệnh nhân.
Bác sỹ chuyên khoa I, Nguyễn Văn Sỹ-Giám đốc bệnh viện Đa khoa Thảo Nguyên, Mộc Châu cảnh báo: "Với tư cách là những người làm chuyên môn thì chúng tôi khuyến cáo tốt nhất là không nên dùng, đặc biệt là sau khi sử dụng hết chất liệu ở trong vỏ bao đó thì chúng ta phải đưa về một vị trí nhất định để tiêu hủy đúng theo quy định".
Nguy hiểm là vậy, nhưng thuốc diệt cỏ Paraquat vẫn được người dân, đặc biệt là người dân nơi vùng sâu, vùng xa sử dụng tràn lan. Người dân cần nâng cao ý thức để bảo vệ bản thân cũng cộng đồng, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Trấn Long/VOV