Nhà giáo Nguyễn Quang Thi (Trường THPT Bảo Lộc, Lâm Đồng) và học trò. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Bản thân tôi là một giáo viên lâu năm trong nghề, rất tâm huyết cho sự nghiệp giáo dục cũng có một số mong muốn gửi đến diễn đàn.
Một là, tinh gọn cán bộ quản lý giáo dục ở địa phương: Chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ thông tin, thế giới đang bước vào cuộc cách mạng 4.0 và Chính phủ quyết tâm thực hiện chuyển đổi số.
Bộ máy phải tinh gọn mới điều hành tốt, còn nhiều người thì đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Muốn vậy, Bộ trưởng cần làm việc với Bộ Nội vụ, chính quyền địa phương để quy định rõ số cán bộ quản lý ngành giáo dục ở địa phương.
Đối với cán bộ quản lý cấp sở giáo dục: Gồm có một giám đốc, hai phó giám đốc; mỗi phòng ban chỉ có một trưởng phòng và một phó phòng; những phòng nào cảm thấy không cần thiết hoặc có chức năng tương tự thì sáp nhập vào phòng khác.
Giảm viên chức quản lý trường học: Mỗi trường học từ mầm non đến THPT chỉ có một hiệu trưởng và một phó hiệu trưởng, mỗi tổ chuyên môn có một tổ trưởng và một tổ phó. Phó hiệu trưởng là người giúp việc cho hiệu trưởng nên không cần thiết phải hai, ba người vì dưới đó có tổ trưởng chuyên môn rồi.
Nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp trên tôi tin rằng việc tinh giản biên chế theo Nghị quyết Trung ương và tăng lương giáo viên, tiết kiệm ngân sách. Nguồn tiền dôi dư do tinh giản bộ máy để phụ cấp thêm lương cho giáo viên, tránh giáo viên nghỉ việc vì lương thấp.
Hai là, giảm phương án xét tuyển đại học để công bằng cho thí sinh: Theo Luật Giáo dục đại học, khâu tuyển sinh được giao quyền cho các trường đại học. Thời gian qua, các trường đại học đưa ra nhiều phương án tuyển sinh, nhiều phương án không bao giờ công bằng với thí sinh về chuẩn đầu vào; ai cũng biết xét tuyển Bằng học bạ và chứng chỉ tiếng Anh nổi cộm về sự thiếu công bằng.
Ba là, cải cách sách giáo khoa: Chúng ta biết rằng, cải cách sách giáo khoa là một chủ trương đúng đắn để đưa giáo dục Việt Nam phát triển và hội nhập với thế giới. Tuy nhiên, hiện nay học sinh và giáo viên khá áp lực.
Học sinh bậc THCS và bậc THPT mỗi buổi phải học 5 tiết, tức là một tuần phải học là 30 tiết kể cả tiết chào cờ và tiết sinh hoạt. Mặt khác, một năm các em học sinh tham gia bốn đợt kiểm tra định kỳ (hai bài giữa kỳ và hai bài cuối kỳ), phân theo số báo danh, chia theo phòng và làm đề chung; giáo viên coi và chấm tập trung. Như vậy là quá tải và gây mệt mỏi cho học sinh.
Vì thế tôi đề xuất môn Công nghệ, môn Tin học và môn Giáo dục quốc phòng và an ninh chuyển từ đánh giá bằng điểm số sang đánh giá bằng nhận xét để giảm áp lực cho học sinh.
Bốn là, không còn bạo lực học đường: Bạo lực học đường là nhức nhối cho toàn xã hội, nguyên nhân dẫn đến bạo lực rất nhiều. Một mình nhà trường không làm nổi mà phải kết hợp đồng bộ giữa nhà trường, gia đình và xã hội.
Năm là, sắp xếp lại các trường đại học: Hiện nay, chúng ta có rất nhiều trường đại học; mỗi trường đại học lại dùng nhiều chiêu thức để tuyển cho đủ số lượng. Đào tạo như vậy dẫn đến “vàng, thau” lẫn lộn.
Theo tôi, đào tạo đại học là lĩnh vực chuyên sâu, nên tuyển chọn những học sinh thật sự giỏi và số lượng hạn chế. Do đó, tôi mong ước sắp xếp và để lại khoảng 150 trường đại học; số còn lại chuyển sang trường với mục đích đào tạo nghề. Ngành nghề đào tạo phải đạt chuẩn của khu vực và thế giới; cam kết đầu ra để phụ huynh yên tâm khi cho con vào học.
Sáu là, không còn tình trạng lạm thu trong trường học: Cứ vào năm học mới, báo chí lại đưa tin về tình trạng lạm thu lại của một số trường học. Để không còn tình trạng lạm thu, tôi mong ước Bộ Giáo dục kết hợp với Uỷ ban Nhân nhân tỉnh ra văn bản chỉ rõ khoản nào được thu và khoản nào không được thu; mức thu mỗi khoản là bao nhiêu cũng ghi rõ. Đồng thời Bộ cũng kiến nghị Chính phủ và Thủ tướng chính phủ không thu học phí đối với học sinh bậc THCS.
Bảy là, thi tốt nghiệp THPT của chương trình cải cách năm 2018 với ba môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ:
Đổi mới sách giáo khoa thì kéo theo đổi mới phương pháp giảng dạy và tiếp tục đổi mới thi cử sao cho phù hợp với năng lực của mỗi học sinh; quan điểm chung của các chuyên gia và giáo viên khi tiến hành thì học sinh học chương trình nhẹ nhàng nên thi cũng nhẹ nhàng và không áp lực. Như vậy, chương trình mới thi ba môn nói trên là hợp lý.
Thạc sĩ Nguyễn Quang Thi - Trường THPT Bảo Lộc, Lâm Đồng