Theo báo cáo của Sở GD-ĐT, để chuẩn bị cho năm học mới, Sở đã tham mưu UBND tỉnh Quyết định khung kế hoạch thời gian năm học 2023-2024 trên địa bàn. Sau khi UBND tỉnh ban hành quyết định này, Sở sẽ hướng dẫn triển khai thực hiện và chuẩn bị khai giảng năm học mới.
Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 759 trường mầm non, phổ thông với 407.921 học sinh/12.045 lớp. Tổng số cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên là 20.255 người. Theo thống kê, năm học 2023-2024, toàn ngành còn thiếu 7.540 chỉ tiêu theo định mức, trong đó thiếu 6.048 giáo viên và 1.492 nhân viên (chưa tính 1.244 chỉ tiêu biên chế giáo viên được Bộ Chính trị bổ sung tại Quyết định 72-QĐ/TW).
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: Mộc Trà |
Sở GD-ĐT đã trình UBND tỉnh Đề án sáp nhập 4 trường THPT có quy mô nhỏ. Hiện nay, UBND các huyện: Phú Thiện, Ia Pa cũng đang hoàn thiện Đề án sáp nhập các trường THPT có quy mô nhỏ trên địa bàn. Trước tình hình thiếu giáo viên, căn cứ Nghị định số 111/2022/NĐ-CP của Chính phủ, Sở GD-ĐT sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định cho phép hợp đồng giáo viên, nhân viên để phục vụ năm học 2023-2024.
Ngành GD-ĐT quan tâm huy động các nguồn lực để tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho năm học mới với tổng kinh phí hơn 372,8 tỷ đồng; mua sắm trang-thiết bị dạy học với tổng kinh phí trên 780,7 tỷ đồng. Số phòng học cho các lớp 1, 2, 3, 4 của năm học mới cũng được các địa phương đầu tư và bố trí, sắp xếp đảm bảo học 2 buổi/ngày theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Công tác giới thiệu, lựa chọn sách giáo khoa mới các lớp 4, 8 và 11 và môn Lịch sử lớp 10; triển khai bồi dưỡng, tập huấn sử dụng sách giáo khoa mới cũng được Sở GD-ĐT phối hợp tổ chức theo đúng quy định. Ngành cũng đã cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời số lượng đăng ký sách giáo khoa cho các nhà xuất bản để cung ứng kịp thời trước năm học mới.
Tại cuộc họp, các thành viên trong Ban chỉ đạo và đại diện lãnh đạo các phòng chuyên môn của Sở GD-ĐT đã tập trung trao đổi về một số khó khăn, vướng mắc cũng như những vấn đề cấp thiết để triển khai thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa và thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia; việc sắp xếp trường lớp gắn với nhu cầu biên chế giáo viên; trong thực hiện 7 kế hoạch lớn của ngành GD-ĐT và triển khai Tiểu dự án 1-Dự án 5 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến 2025 trên địa bàn…
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Mộc Trà |
Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch đề nghị các thành viên tiếp tục tham mưu cho Ban Chỉ đạo thực hiện 7 kế hoạch lớn của ngành GD-ĐT đã được thông qua; ưu tiên tập trung đầu tư phát triển giáo dục vùng khó. Để đảm bảo tổ chức hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ, Sở GD-ĐT phải có báo cáo hoàn chỉnh về kết quả thực hiện 7 kế hoạch lớn trên gắn với con số phân tích cụ thể để thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo.
Liên quan đến công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị ngành GD-ĐT cần có báo cáo đánh giá kỹ lưỡng theo Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT ngày 26-5-2020 của Bộ GD-ĐT. Việc công nhận trường đạt chuẩn quốc gia phải đi vào thực chất, không nợ chuẩn (trừ những nội dung không thuộc trách nhiệm của trường và địa phương nhưng đang vướng cơ chế).
Cùng với đó, Sở GD-ĐT phải giữ mối liên hệ chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương và UBND tỉnh trong triển khai thực hiện dự án liên quan thuộc chương trình mục tiêu quốc gia; tiếp tục rà soát kế hoạch đào tạo, nhất là đào tạo cán bộ quản lý; tham mưu cho Ban Chỉ đạo về chiến lược phát triển ngành GD-ĐT giai đoạn 2023-2026.
Ngoài ra, Sở GD-ĐT nhanh chóng tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2022-2023; phối hợp với Sở Nội vụ có phương án sắp xếp trường lớp, giáo viên để đảm bảo các điều kiện phục vụ cho năm học mới; phát động phong trào hỗ trợ học sinh vùng khó về thẻ bảo hiểm y tế, sách vở, quần áo… trong toàn ngành trước mùa tựu trường. Đồng thời, cùng với các sở, ngành liên quan xây dựng chính sách đặc thù để hỗ trợ cho học sinh; trước mắt, rà soát lại các trường cần tổ chức bếp ăn bán trú hoặc nội trú, cần đầu tư cụm điểm trường…