Kết luận mực nước lòng hồ thủy điện Plei Krông xuống thấp đột ngột, dẫn đến thiếu ô xy khiến cá nuôi chết hàng loạt, cơ quan chức năng đề nghị thủy điện hỗ trợ một phần thiệt hại cho các hộ dân, đồng thời nhắc nhở thủy điện này.
Ngành chức năng xác định: Cá chết do thiếu ô xy |
Sáng 21-7, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kon Tum cho biết, đã có kết luận cuối cùng về hiện tượng cá chết bất thường xảy ra tại khu vực lòng hồ thủy điện Plei Krông (huyện Đak Hà). Theo đó, cá chết không phải do độc tố hoặc dịch bệnh mà do “hàm lượng ô xy hòa tan trong nước thấp, cá bị chết ngạt do thiếu ô xy”. Đây là kết luận dựa trên cơ sở kết quả phân tích chất lượng nước của Sở Tài nguyên và Môi trường và kết quả xét nghiệm dịch bệnh trên các mẫu cá chết của Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Kon Tum.
Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này do mực nước lòng hồ thủy điện Plei Krông xuống thấp (từ 1giờ 00 ngày 10-7 đến 1 giờ 00 ngày 12-7 giảm 1,95 m). Bên cạnh, đó mưa trong các ngày 11 và 12-7 kéo theo lượng bùn đất, lòng hồ thu hẹp, nước đục dẫn đến hàm lượng ô xy hòa tan trong nước xuống thấp.
Theo kết quả quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường Kon Tum, nước thải của Nhà máy tinh bột sắn Tây Nguyên-Đak Hà thải xuống lòng hồ đều nằm trong giới hạn cho phép trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp. Trong đó, thông số môi trường đặc trưng nhất và có độc tính cao trong nước thải của Nhà máy là Xyanua có nồng độ rất thấp. Riêng thông số Phosphat vượt chuẩn cột A 1,3 lần. Bên cạnh đó, Chi cục Chăn nuôi Thú y xác nhận việc cá không liên quan đến vi khuẩn, bệnh dịch.
Qua đó, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị UBND huyện Đak Hà trước mắt xuất kinh phí dự phòng hỗ trợ các hộ nuôi cá lồng bè bị thiệt hại và hỗ trợ các hộ dân khôi phục sản xuất, rà soát các hộ có vay ngân hàng đề nghị khoanh nợ, giãn nợ. Đối với Công ty Thủy điện Ia Ly (đơn vị quản lý Nhà máy thủy điện Plei Krông), Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị xem xét hỗ trợ một phần khó khăn cho các hộ nuôi cá lồng bè trên lồng hồ thủy điện Plei Krông. Đồng thời nhắc nhở thủy điện báo cho chính quyền địa phương và người dân trước khi vận hành xả nước để chủ động đối phó, phòng ngừa rủi ro.
Trước đó, hơn 60 tấn cá diêu hồng, trắm cỏ của các hộ dân nuôi trong 28 lồng bè trên hồ thủy điện Plei Krông bị chết trắng. Toàn bộ số cá này đã đến kỳ thu hoạch nên thiệt hại của các hộ dân rất lớn, trong đó nhiều hộ lâm vào cảnh nợ nần chồng chất do vay vốn ngân hàng.
Theo Danviet